Điều kiện thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương
Bạn đọc hỏi: Chị Lê Thị T., trú P. Bình Thuận (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng), hỏi: Vợ chồng tôi là người Quảng Bình chuyển vào sống và làm việc tại Đà Nẵng được 6 tháng, hiện đã mua nhà, có đăng ký tạm trú. Sắp tới con tôi chuẩn bị vào lớp 1 nên vợ chồng tôi muốn đăng ký thường trú (ĐKTT) tại Đà Nẵng để tiện đăng ký trường học cho con sau này. Vậy cho tôi hỏi, hiện nay vợ chồng tôi có được ĐKTT tại Đà Nẵng hay không và trình tự, thủ tục như thế nào?
Luật sư Nguyễn Thị Sáu Hạnh- Trưởng Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng, trả lời:
Thứ nhất, về điều kiện ĐKTT: Hiện nay, TP Đà Nẵng là một trong năm TP trực thuộc Trung ương (TTTƯ). Theo quy định tại Điều 20 Luật Cư trú 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2013, một trong các trường hợp được ĐKTT tại TP TTTƯ gồm: có chỗ ở hợp pháp, trường hợp ĐKTT vào huyện, thị xã thuộc TP TTTƯ thì phải có thời gian tạm trú tại TP đó từ một năm trở lên, trường hợp ĐKTT vào quận thuộc TP TTTƯ thì phải có thời gian tạm trú tại TP đó từ hai năm trở lên. Tuy nhiên, từ ngày 1-7-2021, điều kiện về thời gian tạm trú tại TP TTTƯ đã được bãi bỏ. Cụ thể theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật cư trú 2020 chỉ cần "Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được ĐKTT tại chỗ ở hợp pháp đó". Chỗ ở hợp pháp là nơi được sử dụng để sinh sống, thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của công dân, bao gồm nhà ở, tàu, thuyền, phương tiện khác có khả năng di chuyển hoặc chỗ ở khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, vợ chồng chị T. đã mua nhà tại TP Đà Nẵng và có quyền sở hữu hợp pháp đối với nhà ở này, do đó, đối chiếu quy định trên, vợ chồng chị có đủ điều kiện được ĐKTT tại TP này. Đây là một trong những quy định mới đáng chú ý của Luật Cư trú 2020 khi xóa bỏ các điều kiện riêng đối với công dân muốn ĐKTT tại các TP TTTƯ. Theo quy định này công dân nhập khẩu vào các TP TTTƯ cũng giống như nhập khẩu vào các tỉnh, thành khác, không còn sự phân biệt như trước đây. Quy định này nhằm tạo sự bình đẳng cho tất cả các tỉnh, thành trong cả nước và tạo điều kiện cho những công dân đang sinh sống và làm việc tại các TP TTTƯ có cơ hội được nhập khẩu tại những thành phố này.
Thứ hai, về trình tự, thủ tục ĐKTT: Đối với trường hợp của chị T., theo quy định tại khoản 4 Điều 2, khoản 1 Điều 21, Điều 22 và Luật Cư trú 2020, hồ sơ ĐKTT và thủ tục ĐKTT như sau: hồ sơ ĐKTT bao gồm: tờ khai thay đổi thông tin cư trú và giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp. Về thủ tục ĐKTT: chị nộp hồ sơ ĐKTT tại CAP Bình Thuận; CAP Bình Thuận kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn chị bổ sung hồ sơ; trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, CAP Bình Thuận có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của chị vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho chị (không cấp hộ khẩu thường trú như trước đây), trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn
của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng.
Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456, 0903573138