Điều máy bay đưa bệnh nhân ngoại quốc cấp cứu xuyên biên giới
Trước đó ngày 4-11, bệnh nhân JACKSON (1966, quốc tịch Úc) đang lưu trú tại một khách sạn ở Hội An (Quảng Nam) được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức cấp cứu với triệu chứng tê 2 tay 2 chân, bệnh khởi phát cách đó 2 ngày. Với kinh nghiệm điều trị bệnh nhân quốc tế, nhận thấy dấu hiệu bệnh của bệnh nhân khá phức tạp, tiền sử đặt stent mạch vành, viêm khớp vảy nến, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức nhanh chóng tiến hành hội chẩn liên viện, kết nối các chuyên gia để đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Cùng lúc, bộ phận bảo lãnh quốc tế nỗ lực kết nối trực tiếp với bảo hiểm của bệnh nhân tại Úc để có những hỗ trợ kịp thời. Phương án tư vấn chuyển bệnh lên tuyến trên đã được đưa ra. Cùng lúc này, gia đình bệnh nhân cũng có mong muốn được đưa bệnh nhân sang Thái Lan để điều trị theo tư vấn phía Công ty bảo hiểm. Liên hệ với phía Úc, Bệnh viện Vĩnh Đức nhận được thông tin sẽ có một chiếc máy bay cấp cứu từ Thái Lan sang Việt Nam để đón bệnh nhân ngay trong đêm. Tình huống khẩn trương, dù là cuối tuần nhưng tập thể y bác sỹ vẫn nỗ lực hoàn thành các thủ tục để đưa bệnh nhân chuyển viện. Đến 20 giờ cùng ngày, tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, máy bay cấp cứu của Thái Lan đã đưa bệnh nhân rời đi.
Bác sỹ Trần Công Chính – Trưởng đơn vị điều trị Quốc tế Bệnh viện Vĩnh Đức cho biết, với bệnh nhân nước ngoài, vấn đề khó nhất không chỉ là điều trị mà còn là kết nối làm sao để bệnh nhân được hưởng đúng quyền lợi bảo hiểm của mình. “Với tinh thần chủ động, tùy theo tình huống mà chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp đến nước sở tại để hỗ trợ cho bệnh nhân. Qua ca bệnh này, chúng tôi nhận thấy mình đã làm được 2 vấn đề rất hiệu quả: đã đưa ra được cơ chế hội chẩn và hướng điều trị sớm nhất cho bệnh nhân. Mặt khác, dù là lần đầu cấp cứu xuyên biên giới, nhưng đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng và hậu cần bệnh viện vẫn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đề ra để phía Thái Lan đón bệnh đúng giờ và chính xác”- bác sĩ Chính chia sẻ.
Lê Hải