Điều tra giai đoạn 2 vụ VN Pharma, lộ chuyện bệnh viện dùng thuốc giả
Sau khi thông quan số lượng lớn thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada giả về nguồn gốc, xuất xứ vào Việt Nam, số thuốc này được bán vào các bệnh viện, nhà thuốc, các công ty kinh doanh dược phẩm.
Cơ quan an ninh điều tra (ANĐt) Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung giai đoạn 2 vụ VN Pharma, giữ nguyên đề nghị truy tố đối với các bị can tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trước đó, hồi tháng 10/2019, TAND TP HCM tuyên phạt ông Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch, kiêm TGĐ Công ty VN Pharma) mức án 17 năm tù vì tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Trong vụ án này, ông Nguyễn Minh Hùng tiếp tục bị đề nghị truy tố tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh; ông Nguyễn Việt Hùng (cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế) bị đề nghị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo kết luận điều tra trước đó, vì thu lợi bất chính, các bị can đã lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, kinh doanh dược phẩm; sự thiếu trách nhiệm của một số cán bộ Cục Quản lý dược, của công chức hải quan TP HCM, để thực hiện hành vi phạm tội.
Cựu Chủ tịch VN Pharma Nguyễn Minh Hùng. |
Các đối tượng cầm đầu tại VN Pharma đã cấu kết với bị can Võ Mạnh Cường (cựu Giám đốc Công ty Hàng hải Quốc tế H&C) để trực tiếp hoặc chỉ đạo nhân viên cấp dưới thực hiện hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật, sau đó thông quan số lượng lớn thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada giả về nguồn gốc, xuất xứ vào Việt Nam.
Số thuốc này được bán vào các bệnh viện, nhà thuốc, các công ty kinh doanh dược phẩm, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Theo kết luận điều tra trước đó, lô thuốc trên được tiêu thụ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre (100 hộp), Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cù Lao Minh (160 hộp), Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (2.630 hộp), Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế (17.000 hộp)...
Bệnh viện dùng thuốc giả
Sau khi cơ quan điều tra hoàn tất kết luận điều tra, VKSND Tối cao đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ một số vấn đề còn chưa tỏ.
VKSND Tối cao yêu cầu CQĐT làm rõ về chủng loại, số lượng, giá trị các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada do Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc trung ương trên toàn quốc đã đấu thầu (đơn vị đấu thầu) mua, sử dụng điều trị cho người bệnh, tiêu hủy, tồn chưa sử dụng từ sau ngày 21/11/2014 đến nay.
Theo kết luận điều tra bổ sung, căn cứ vào hồ sơ, chứng từ mua bán, đấu thầu từ Sở Y tế của 63 tỉnh, thành phố cung cấp, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định, số lượng, giá trị các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada các sở y tế mua vào sau ngày 21/11/2014 như sau:
H2K Levofloxacin: 8.030 hộp, trị giá hơn 616 triệu đồng; H2K Ciprofloxacin 12.031 hộp, trị giá hơn 742 triệu đồng; Kaderox- 250: 15.000 viên, trị giá hơn 202 triệu đồng; MGP Moxinase- 625: 335.427 viên, trị giá hơn 2,1 tỷ đồng.
Toàn bộ số thuốc trên đã được các bệnh viện sử dụng hết cho người bệnh, không còn tồn kho hoặc bị tiêu hủy.
Quá trình điều tra vụ án còn phát hiện những tồn tại, sơ hở, thiếu sót trong công tác thẩm định, xét duyệt cấp số đăng ký thuốc nước ngoài và quản lý hoạt động đối với các công ty nước ngoài sản xuất, cung cấp thuốc vào Việt Nam.
Cơ quan điều tra đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế có biện pháp khắc phục, phòng ngừa, không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Kết luận điều tra trước đó cho rằng, đủ cơ sở xác định, 2 loại thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin được cấp số đăng ký không đúng quy định, vi phạm Quy chế hoạt động của chuyên gia thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc...
Bị can Phạm Hồng Châu (cựu Trưởng phòng Đăng ký thuốc, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế) và Nguyễn Việt Hùng (cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế) đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, rà soát biên bản thẩm định, trước khi đưa ra Hội đồng xét duyệt cấp số đăng ký.
Hành vi của các bị can đã vi phạm quy chế hoạt động của chuyên gia thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc, Quy chế hoạt động của Hội đồng xét duyệt thuốc, dẫn đến hậu quả 2 loại thuốc H2K Levofloxaci và H2K Ciprofloxacin được Bộ Y tế cấp số đăng ký, trong khi hồ sơ không đảm bảo quy định.
Và VN Pharma đã dùng số đăng ký của 2 thuốc này nhập khẩu thuốc giả vào Việt Nam tiêu thụ, gây thiệt hại hơn 50 tỷ đồng.
Theo vietnamnet