Điều trực thăng quân đội thực hiện “nhiệm vụ kép” vùng cô lập
* Đưa 2 cán bộ xã vùng cô lập vào bệnh viện bằng trực thăng
Ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ thả hàng cứu trợ, tổ bay cơ động đưa 2 cán bộ xã Hướng Việt vào Bệnh viện Trung ương Huế điều trị. |
Trước diễn biến phức tạp của đợt mưa lũ kéo dài, trong 2 ngày 22 và 23-10, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã điều động lực lượng trực thăng của Trung đoàn 930, Sư đoàn 372 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cứu trợ người dân các vùng bị cô lập tại tỉnh Quảng Trị. 2 cán bộ xã bị thương khi làm nhiệm vụ chống lũ cũng nhanh chóng được vận chuyển khỏi vùng cô lập đến bệnh viện tuyến trên điều trị.
Hai máy bay Mi-17 và Mi-171 từ Đà Nẵng đã được điều động ra sân bay Phú Bài (Thừa Thiên – Huế), tập kết nhu yếu phẩm và lên đường thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện thời tiết bất lợi vì có gió, tầm nhìn hạn chế. Ngay sau khi nhận lệnh, chỉ huy Sư đoàn 372 và tổ bay Trung đoàn 930 nhanh chóng hạ quyết tâm, xác định tọa độ và bàn biện pháp tiếp cận điểm đến. Điểm đến xã Hướng Việt, H. Hướng Hóa cách sân bay Phú Bài 140km theo đường chim bay. Nhìn từ trực thăng, làng xóm nơi đây vẫn còn ngổn ngang, tiêu điều trong lũ. Đây là một trong những xã giáp biên giới với nước bạn Lào, nơi có nhiều bà con dân tộc Pa Cô sinh sống. Trong những ngày mưa lũ lịch sử, địa phương này bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài, lương thực, nhu yếu phẩm, nước uống của người dân rất thiếu thốn. Các phương tiện cứu hộ cứu nạn đường bộ, đường thủy tiếp cận rất khó khăn. Do không thể hạ cánh vì địa hình không thuận lợi, tổ bay phải thực hiện treo ở độ cao thấp để thả 2 tấn hàng cứu trợ, đề nghị chính quyền địa phương đưa tới tận tay người dân để khắc phục những khó khăn trước mắt, ổn định đời sống bà con.
Là một phi công có kinh nghiệm nhiều năm thực hiện nhiệm vụ cứu trợ người dân vùng thiên tai, Thiếu tá Lê Tiến Dũng – Phi đội trưởng Phi đội 2, lái chính Mi-171 số hiệu 8432 cho biết, cứ mỗi khi đến mùa mưa bão là anh em thường trực nghĩ đến nhiệm vụ bay phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ. Ai cũng mong nhiệm vụ này ít đi nhưng thiên tai thì ngày càng phức tạp, bão lũ miền Trung lại có nhiều diễn biến khó lường, nhìn cảnh bà con màn trời chiếu đất, đối mặt với hiểm nguy là ai nấy cũng nghẹn lòng và cùng có suy nghĩ. “Lúc hoạn nạn là lúc người dân cần mình nhất. Chính vì vậy, khi nhận mệnh lệnh ai cũng muốn nhanh chóng đến với bà con”, Thiếu tá Dũng tâm sự. Đại úy Trần Đức Hải – Phó phi đội trưởng phi đội 1, lái chính máy bay Mi – 17 số hiệu 8408 cho biết, để mì tôm, nước uống, nhu yếu phẩm khi thả xuống đến với người dân thuận lợi, ngoài kinh nghiệm có được từ các buổi diễn tập, tổ bay cần sự tính toán, quan sát tình hình thời tiết, địa hình ở mỗi vùng tiếp cận và tuân thủ phương án một cách chi tiết. “Mệnh lệnh của cấp trên là phải bằng mọi cách cùng các cấp chính quyền sát cánh, ổn định cuộc sống người dân trong thời gian sớm nhất. Nhiệm vụ sẽ ưu tiên các bà con vùng sâu, vùng xa, các khu dân cư bị cô lập, mất liên lạc”, Đại úy Hải cho biết.
Ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ cứu trợ sáng 23-10, trực thăng của Trung đoàn 930 đã đưa 2 cán bộ xã Hướng Việt, H. Hướng Hóa, Quảng Trị đến bệnh viện chữa trị. Đây là 2 cán bộ bị thương nặng trong khi tìm kiếm, hỗ trợ người dân bị lũ chia cắt nhưng buộc phải ở lại bệnh xá của xã vì không có phương tiện vận chuyển lên tuyến trên. Ngay sau khi được đưa về sân bay Phú Bài bằng trực thăng, 2 xe cứu thương của quân đội đã đợi sẵn và đã vận chuyển 2 người này đến Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị.
Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Trung - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 930, những ngày qua, tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền Trung diễn biến hết sức phức tạp khiến công tác cứu hộ, cứu nạn, sau đó là nhiệm vụ cứu trợ bà con nhân dân gặp nhiều khó khăn. Ngay sau khi thực hiện nhiệm vụ tại thủy điện Rào Trăng 3, lực lượng tiếp tục nhận lệnh sẵn sàng cứu trợ bà con vùng lũ đồng thời trinh sát địa hình, cung cấp thông tin cho sở chỉ huy tiền phương của Bộ Quốc phòng phục vụ công tác cứu hộ. “Trong điều kiện thời tiết bất lợi, treo ở độ cao thấp trên địa hình rừng núi, sau mưa lũ là nhiệm vụ khó. Ngoài việc được huấn luyện kỹ, tổ bay cũng phải có kinh nghiệm thực tế trong công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ. Đến thực địa phải làm sao để hàng hóa thả xuống đúng nơi người dân dễ tiếp cận và vận chuyển. CBCS của Trung đoàn xác định bằng mọi giá phải vận chuyển được lương thực, nhu yếu phẩm sớm đến với các vùng còn bị cô lập để ổn định đời sống bà con. Việc kết hợp thành công cứu trợ người dân và đưa cán bộ địa phương bị thương trong lúc làm nhiệm vụ chống lũ vào bệnh viện kịp thời chứng minh sự sát cánh của bộ đội với nhân dân trong mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện”, Thượng tá Trung cho biết.
CÔNG KHANH
Thêm 2 thi thể công nhân được tìm thấy tại thủy điện Rào Trăng 3 Ngày 23-10, lực lượng cứu hộ cứu nạn CA tỉnh TT-Huế đã tiếp cận thủy điện (TĐ) Rào Trăng 3 ở xã Phong Xuân (H.Phong Điền, TT-Huế) bằng đường thủy. Sau nhiều giờ tìm kiếm, lực lượng cứu nạn đã tìm thấy thêm 2 thi thể công nhân tại TĐ Rào Trăng 3 bị vùi lấp do sạt lở núi và lũ ống vào ngày 12-10. Đây là thi thể thứ 3 và thứ 4 được tìm thấy tại khu vực này. Ngay sau khi phát hiện, thi thể được lực lượng cứu nạn cứu hộ đưa ra khỏi hiện trường, vận chuyển bằng đường thủy về lòng hồ TĐ Hương Điền... chuyển về Bệnh viện Quân y 268 (TP Huế) để giám định AND; thực hiện thủ tục xác định danh tính, sau đó sẽ bàn giao cho người thân đưa về gia đình tổ chức mai táng. Trước đó, lực lượng chức năng đã phát hiện, đưa ra khỏi hiện trường 2 thi thể công nhân mất tích tại TĐ Rào Trăng 3. Cơ quan chức năng xác định, đó là thi thể của nạn nhân Đặng Hữu Phong (trú tỉnh Quảng Trị) và Lê Văn Lộc (1995, trú tỉnh Đắk Nông). Trong ngày 23-10, hơn trăm CBCS của công an, quân sự dân sự và nhiều phương tiện cơ giới được huy động đến hiện trường TĐ Rào Trăng 3 để tiếp tục tìm kiếm các công nhân mất tích. HẢI LAN |