Định hình phát triển nông thôn mới bền vững

Thứ năm, 22/09/2022 11:24
Sau khi hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2015, từ năm 2016, 11 xã trên địa bàn H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) bắt đầu triển khai phong trào xây dựng “Thôn kiểu mẫu NTM”. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng thuận của nhân dân phong trào đã lan tỏa mạnh mẽ và sớm đạt được nhiều kết quả...
Người dân thôn kiểu mẫu Phước Hưng Nam (xã Hòa Nhơn) bảo vệ cảnh quan môi trường NTM.
Diện mạo thôn kiểu mẫu NTM Dương Lâm 2 (xã Hòa Phong) như một làng quê hiện đại.

Đến nay, Hòa Vang đã có 19/113 thôn được công nhận đạt chuẩn “Thôn kiểu mẫu NTM”. Đó là các thôn Cẩm Toại Đông, Nam Thành, Dương Lâm 2, Bồ Bản (xã Hòa Phong); Trà Kiểm, Tân Hạnh, Nhơn Thọ 1 (xã Hòa Phước); Đông Lâm, Hòa Phước, Hội Phước (xã Hòa Phú); Phước Hưng Nam, Thái Lai (xã Hòa Nhơn); Mỹ Sơn, An Sơn (xã Hòa Ninh); Nam Yên, An Định (xã Hòa Bắc); Bắc An (xã Hòa Tiến); Phong Nam (xã Hòa Châu); An Ngãi Tây 1 (xã Hòa Sơn). Các thôn không chỉ thực hiện tốt 9 tiêu chí của thôn kiểu mẫu NTM: Giao thông; Điện; Chợ; Vườn và nhà ở hộ gia đình; Thu nhập; Văn hóa, giáo dục, y tế; Môi trường; Hệ thống an ninh chính trị - trật tự xã hội; Chấp hành pháp luật, quy ước, hương ước của cộng đồng, mà còn ra sức thi đua xây dựng các điển hình “Gia đình văn hóa”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, bản thân các thành viên trong gia đình không vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội... Có thể nói 19 thôn kiểu mẫu hiện nay đã từng bước chứng minh được kiểu mẫu về cơ sở vật chất của một làng quê hiện đại.

Nông dân thôn Hòa Phước (xã Hòa Phú) cải tạo vườn tạp thành vườn mẫu trồng chuối thanh tiêu.

Khi nghe chúng tôi đề cập về cách làm sáng tạo góp phần đạt chuẩn thôn kiểu mẫu NTM chỉ sau 1 năm phát động? Trưởng thôn Phước Hưng Nam (xã Hòa Nhơn) Đỗ Thị Tùng chia sẻ: “Đó là nhờ làm tốt công tác dân vận. Khi được địa phương chọn triển khai điểm xây dựng thôn kiểu mẫu NTM, ngoài nguồn lực đầu tư của Nhà nước, nhân dân trong thôn còn đóng góp gần 200 triệu đồng, hiến hơn 3.000m2 đất và cây cối vật kiến trúc để xây mới 3 tuyến đường giao thông kiệt hẻm và hoàn thiện lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng ở các tuyến đường; người dân tập trung phát triển sản xuất, chỉnh trang vườn tược, nhà cửa, nhất là phát động nhiều hoạt động cải thiện môi trường sống, tôn tạo cảnh quan môi trường nông thôn”… Bí thư chi bộ thôn Bồ Bản (xã Hòa Phong) Trần Thị Duẫn cho biết thêm, bài học kinh nghiệm quý trong quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu ở thôn là chi bộ luôn bám sát kế hoạch, nhận định trước những thuận lợi, khó khăn để kịp thời điều chỉnh, bổ sung giải pháp tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc; biết chọn thời cơ, thời điểm thích hợp, tạo khí thế thi đua sôi nổi, thu hút quần chúng nhân dân tham gia. Thôn chủ động chọn những tiêu chí dễ, những tiêu chí không cần đầu tư nhiều vốn để làm trước, đặc biệt là nhóm tiêu chí có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân…

Còn theo lão nông Nguyễn Văn Tịnh (thôn Tân Hạnh, xã Hòa Phước), một trong những tiêu chí khó thực hiện là chỉnh trang khuôn viên gia đình, ngõ xóm gọn gàng, sạch sẽ ngăn nắp. Thoạt nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng khi bắt tay vào thực hiện mới thấy nan giải. Bởi nó tác động đến thói quen sinh hoạt thường ngày của mỗi gia đình nên không phải ngày một ngày hai làm ngay được. Việc hưởng ứng và thực hiện xây dựng thôn kiểu mẫu NTM đã góp phần nâng chất các tiêu chí và cả ý thức người tham gia. Con người thân thiện với nhau hơn, ý thức được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng. Ai có sức góp sức, ai có của góp của, cùng với chính quyền thực hiện nhiều hoạt động thiết thực để từng bước thay đổi diện mạo quê hương một cách toàn diện và bền vững.

Người dân thôn kiểu mẫu Phước Hưng Nam (xã Hòa Nhơn) bảo vệ cảnh quan môi trường NTM.

Qua đó cho thấy, việc xây dựng và thực hiện thôn kiểu mẫu NTM ở H. Hòa Vang hiện nay là hết sức cần thiết. Bởi xây dựng NTM cần một quá trình dài và việc chia các giai đoạn như thế này sẽ dễ thực hiện, dễ huy động sự vào cuộc của người dân hơn, góp phần chuyển biến nhận thức, ý thức của người nông dân về phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, tăng thêm mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư và huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cơ sở; làm mẫu hình cả trong tổ chức thực hiện, phương pháp, cách làm để từng bước xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu và định hình phát triển NTM bền vững… “Một khi cơ sở vật chất xây dựng NTM được đảm bảo thì con người hướng đến việc ứng xử như thế nào cho có văn hóa. Mà văn hóa là tổng thể các mối quan hệ ứng xử giữa con người với con người và con người với tự nhiên. Những hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ thay vào đó là các cách làm khoa học, cụ thể đảm bảo cuộc sống và môi trường. Khi bộ mặt các thôn kiểu mẫu NTM đã có nhiều khởi sắc thì con người trong thôn sẽ xử sự với nhau cũng mang tính nhân văn và mẫu mực hơn” - Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Văn Bửu kỳ vọng.

VY HẬU