Đình Quảng Đại, di tích kháng chiến ở làng quê
(Cadn.com.vn) - Đình Quảng Đại, một di tích lịch sử văn hóa ở xã Đại Cường, H.Đại Lộc, Quảng Nam nằm ven con đường làng rợp bóng tre xanh mướt mát quanh năm chạy dọc theo bờ sông Thu Bồn, cảnh vật nơi đây thật hữu tình. Theo các bậc cao niên trong làng, hơn 500 năm, đức thủy tổ từ xứ sở đàng ngoài sông Lam, núi Hồng dẫn cháu con nhằm hướng Nam vi hành để mở đất. Khi đến vùng này, bước chân mọi người như bị níu lại bởi dáng sông, thế núi. Phía Bắc là dòng Vu Gia, phía Nam là sông Thu Bồn dạt dào sóng nước, đậm phù sa, đất đai màu mỡ, tốt tươi. Đức thủy tổ cùng con cháu khai cơ, kiến bộ, lập ra làng Quảng Đại ngày nay.
Đình làng Quảng Đại cũng được ra đời từ những ngày vùng đất này được khai phá, lập cư. Ngày trước, đình Quảng Đại hoành tráng, uy nghi, được dân chúng xây cất khá quy mô với kiểu kiến trúc độc đáo, hoa văn, chạm trổ vô cùng kỳ công, tinh xảo. Trước sân đình có nhiều cây cối cổ thụ hàng trăm năm tuổi tỏa bóng trầm mặc bên mái đình. Đến đầu năm 1908, đình Quảng Đại là địa điểm tập trung của dân trong làng cũng như các vùng phụ cận hội tề để phát động phong trào đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng của thực dân Pháp và cường hào phong kiến. Từ ngọn lửa yêu nước được nhen nhóm ở sân đình Quảng Đại, các cuộc xuống đường đòi yêu sách, phản đối chế độ độc tài hà khắc của bọn thực dân và tay sai bắt đầu lan tỏa ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và sau đó ảnh hưởng rộng tới một số tỉnh miền Trung.
Để chuẩn bị cho cuộc cách mạng mùa thu tháng Tám 1945, đình Quảng Đại cũng là địa điểm tập kết của lực lượng quần chúng, chủ yếu là các giai tầng bần cố nông có lòng yêu nước với hàng chục loại vũ khí thô sơ như gậy gộc, dây dừa, dao rựa, búa, liềm... ùn ùn kéo xuống đường khởi nghĩa bằng vũ trang giành chính quyền, lấy lại ruộng đất chia cho dân nghèo. Để chuẩn bị cho cao trào nổi dậy thành công, đình Quảng Đại là nơi đầu tiên của H.Đại Lộc được chọn làm địa điểm bí mật cất giấu cờ, khẩu hiệu, tài liệu tuyên truyền chính trị, các phương tiện phục vụ cho cuộc cách mạng.
Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làng Quảng Đại được kẻ thù xác định là vùng đất cộng sản kiểm soát, do đó địch tăng cường các cuộc tấn công càn quét, bom rơi, đạn nổ suốt ngày, cây cối, đất đai bị băm vằm cày xới tiêu điều, xơ xác. Cùng chung số phận ấy, đình Quảng Đại cũng bị chiến tranh tàn phá, hư hỏng nặng nề. Tháng 3-1999, dân làng Quảng Đại và những người con của quê hương làm ăn xa xứ đóng góp kẻ ít, người nhiều tôn tạo, phục dựng lại đình với nhiều hạng mục như nhà chính đình để thờ cúng thành hoàng, các bậc tiền nhân, hậu hiền; lăng thờ Bà Chúa Ngọc, đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ làng Quảng Đại; tượng Bác Hồ, phòng dành riêng để đọc sách, cổng tam quan...
Đình làng Quảng Đại. |
Với đạo lý "uống nước nhớ nguồn", vào độ rằm tháng 6 hàng năm, dân làng tập trung về đình Quảng Đại tổ chức lễ hội Kỳ Yên để tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của các bậc tiền hiền đã khai phá ra vùng đất, tạo lập xóm làng, sinh con, đẻ cháu cho bao đời hậu thế và tưởng nhớ đến anh linh các liệt sĩ của làng đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Cùng với ý nghĩa cao đẹp ấy, tại lễ hội Kỳ Yên, dân làng cúng tế, cầu mong quốc thái, dân an, mưa thuận, gió hòa, phù hộ, độ trì cho con cháu của các thế hệ hôm nay làm được nhiều việc tốt cho cuộc sống. Lễ hội Kỳ Yên có từ lâu đời, song trải qua các cuộc chinh chiến bể dâu, làng mạc, xóm thôn chìm trong lửa đạn nên lễ bị gián đoạn. Mãi đến năm 1999, đình làng được tôn tạo, lễ Kỳ Yên mới tiếp tục duy trì.
Đây là những hoài bão, là niềm khát vọng chân chính của dân làng Quảng Đại. Có thể nói, một ngôi làng nhỏ bé như Quảng Đại mà có tới 184 liệt sĩ hy sinh trong các cuộc kháng chiến, 30 Mẹ VNAH, hàng trăm thương bệnh binh và người có công với đất nước đã minh chứng hùng hồn cho một làng quê giàu truyền thống yêu nước. Hiện nay, làng Quảng Đại cũng đã xây dựng được thiết chế về nếp sống văn hóa mới, phù hợp với tập tục của làng quê, ổn định an ninh trật tự, được công nhận làng văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh.
Thái Mỹ