Đổ lỗi cho phụ huynh liệu có công bằng?
(Cadn.com.vn) - Sau vụ việc "học sinh bị xước má, phụ huynh đến trường tát cô giáo" xảy ra tại Đà Nẵng, nhiều diễn đàn đăng tải ý kiến của các nhà tâm lý, nhà giáo. Họ cho rằng phụ huynh thương con, bênh con bất chấp lý lẽ sẽ khó mà dạy con nên người. Phụ huynh có hành vi bạo lực sẽ "tiếp sức"cho con cái nhiễm hành vi bạo lực.
Một tiến sĩ giáo dục chia sẻ rằng: "Tuổi tiểu học mà sớm có hành vi bạo lực thì lớn lên dễ có khuynh hướng bạo lực nếu không được kịp thời ngăn chặn, điều chỉnh". Còn một chuyên gia khác nhìn nhận: "Các em hay có hành vi bạo lực ngay từ tiểu học thì cần xem xét nguyên nhân sâu xa từ gia đình. Có thể chính cha mẹ các em thường xuyên có hành vi bạo lực hoặc các em hay bị người lớn đánh đập".
Trong khi đó, nhiều nhà giáo cho rằng nguyên nhân dẫn trẻ con đến những hành xử không đúng như thế phần lớn đến từ gia đình - đó là các bậc phụ huynh. Khi con cái vi phạm thì những phụ huynh này luôn bao che, bao biện kiểu như "cháu hiền lắm, ngoan lắm, ở nhà không nói lớn tiếng, không chửi thề, không đánh em"... Một giáo viên tâm sự: "Nhiều năm làm công tác chủ nhiệm tôi đã không ít lần dở khóc dở cười vì gặp phải phụ huynh cá biệt. Khi học sinh vi phạm nội quy nhà trường, thiếu chăm chỉ trong học tập, đã được nhắc nhở ở lớp nhiều lần mà chưa tiến bộ, tôi buộc phải gửi thông báo về nhà. Thế nhưng không phụ huynh nào đến theo thư mời. Câu trả lời của các em là ba mẹ bận lắm, không đến được. Tôi lại dùng cách gọi điện thoại cho phụ huynh. Có phụ huynh cảm ơn vì sự thông báo của thầy chủ nhiệm, rồi hứa sẽ nhắc nhở con. Có phụ huynh bày tỏ sự bất lực và trao hết trách nhiệm cho thầy vì: Gia đình đã chịu thua con rồi. Đó là với những phụ huynh chịu trả lời, hứa hẹn để xuôi chuyện, như thế là còn may mắn cho giáo viên chủ nhiệm".
Cũng theo chia sẻ của giáo viên này: "Không nghe máy, thậm chí chặn số của thầy cô là cách làm khá phổ biến ở các phụ huynh có con em được gọi là chưa ngoan. Các phụ huynh này biết chắc những thông tin từ nhà trường không bao giờ là niềm vui cho gia đình nên không nghe điện thoại. Phản ứng có hiệu quả nhất của phụ huynh khi trả lời thầy cô chủ nhiệm đó là lời đe dọa: Con tôi nhiều khuyết điểm vậy, thôi tui cho nó nghỉ học luôn! Thế là thầy cô phải xuống nước để phụ huynh tiếp tục cho con đến trường. Tất nhiên việc phê bình, nhắc nhở dần dần biến mất để giữ vững sĩ số lớp!".
Hóa ra những gì một số phụ huynh đã làm chỉ để đối phó với nhà trường. Thầy cô chủ nhiệm không thể nhắc nhở gia đình một khi phụ huynh đã lên tiếng trước rằng gia đình biết được con em có những sai phạm gì và hứa rất nhiều. Việc hứa hẹn đó như lời cảnh báo thầy cô chủ nhiệm đừng làm phiền phụ huynh, mà hãy làm ngơ trước khuyết điểm của các em! Phụ huynh đã biết rõ mọi thông tin, vậy thầy cô còn thông báo gì nữa.
Một giáo viên khác cho rằng: "Thời gian qua, hiên tượng phụ huynh có thái độ, hành vi nóng nảy xông vào trường to tiếng, thậm chí hành hung giáo viên, nhân viên vì bức xúc việc này việc kia với nhà trường, thầy cô... đã xảy ra ở nhiều địa phương. Có giáo viên chủ nhiệm, suốt thời gian dài phải khổ sở vì kiểu phụ huynh "cá biệt" ấy. Thậm chí, một số giáo viên nghiêm túc trong thi cử, đánh giá xếp loại học sinh, phụ huynh xin xỏ, nhờ vả không được thì quay sang nói xấu đủ điều, "khủng bố" giáo viên bằng các tin nhắn đầy tức tối, hằn học... Thế mới biết một số phụ huynh bây giờ "không phải dạng vừa đâu", khi quyền lợi của con em không được đáp ứng".
Đồng ý là hiện nay có không ít phụ huynh "cá biệt" luôn bao che, bao biện, làm "bệ đỡ" cho những sai phạm của con cái... Phụ huynh như thế bạo lực học đường sẽ tăng! Nhưng đổ lỗi hết cho phụ huynh là chưa thỏa đáng và chưa công bằng.
Phải thẳng thắn thừa nhận ngoài lỗi của gia đình có phần trách nhiệm của nhà trường khi quá chú trọng dạy chữ, chưa sâu sát, chưa là chỗ dựa tin cậy cho học sinh, chưa tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh bổ ích lôi cuốn học sinh. Trong khi đó, xã hội cũng không thể vô can khi tình trạng tiệm game, quán "nét" bao vây trường học; và một môi trường sống nhiều cám dỗ, nhiều gương xấu tiêm nhiễm vào đầu học sinh mà không có rào chắn hữu hiệu để các em không bị ảnh hưởng!
Do đó, để giáo dục học sinh hiệu quả cần sự phối kết hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế sự phối hợp này chưa hiệu quả. Khi có sự việc đáng tiếc xảy ra, các bên cứ đổ lỗi cho nhau. Xã hội đổ lỗi cho phụ huynh, nhà trường; phụ huynh đổ lỗi cho nhà trường, xã hội; còn nhà trường thì đổ lỗi cho phụ huynh và xã hội. Nếu không ngừng đổ lỗi cho nhau và làm tốt vai trò, chức trách của mình thì bạo lực học đường sẽ còn tiếp tục xảy ra.
Thu Thủy