Đồ xưa không cũ (2)

Thứ năm, 21/05/2015 09:40

* Bài 2: NGƯỜI TRẺ VỚI  ĐỒ XƯA

(Cadn.com.vn) - Nếu nghĩ rằng người yêu thích đồ xưa là những người lớn tuổi và những người sưu tập đồ xưa hẳn có phong thái nghiêm trang, đạo mạo... thì bạn sẽ thay đổi quan niệm của mình khi gặp anh Nguyễn Hoàng Phú (1982), tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, từng được biết đến là nhà thư pháp trẻ, tài hoa của CLB Thư pháp TP Đà Nẵng.

Từ nghiên bút đến... Châu Âu

Nguyễn Hoàng Phú yêu thích nghệ thuật thư pháp năm anh 20 tuổi. Khi đó, Hoàng Phú đang là sinh viên khoa Xây dựng dân dụng của Đại học Bách khoa Đà Nẵng nhưng lại  đam mê lĩnh vực kiến trúc, mỹ thuật nhiều hơn. Tham gia CLB Thư pháp, Hoàng Phú bắt đầu tìm kiếm các loại nghiên mực, bút vẽ để phục vụ cho sở thích của mình. Không chỉ là yêu thích, tập tành cho vui, Hoàng Phú từng được chọn tham gia vẽ và viết bức tranh thư họa cùng với nhiều bậc đàn anh, đàn chú tại tại Lễ hội Quán Thế âm Đà Nẵng năm 2009. Bức tranh thư họa Thập Mục Ngưu Đồ  được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục thực hiện trong thời gian nhanh nhất.

Nghệ thuật thư pháp là những bước đi đầu tiên đưa Nguyễn Hoàng Phú đến với đam mê sưu tập đồ xưa, đồ cổ. Ban đầu, Hoàng Phú sưu tập được những loại “văn phòng tứ bảo” (gồm: bút, nghiên, giấy, mực – 4 vật quý của chốn làm văn chương). Dần dần, anh sưu tầm mọi thứ anh yêu thích, theo một tiêu chí của riêng mình. Hoàng Phú tâm sự, thời sinh viên anh kiếm sống bằng cách đi vẽ và viết thư pháp. Còn bây giờ, anh sưu tập đồ xưa vừa để thỏa niềm yêu thích của mình vừa có thể theo đuổi công việc décor, thiết kế cho những ngôi nhà, biệt thự, quán cà-phê theo phong cách cổ điển. Đây cũng là một trong những lý do mà thời gian sau này, Nguyễn Hoàng Phú chủ yếu sưu tập đồ xưa Châu Âu. Trong giới sưu tầm đồ xưa ở Đà thành, Nguyễn Hoàng Phú được xem là người sưu tập đồ Âu thâm niên.

Nguyễn Hoàng Phú và bộ sưu tập của mình.

Hoàng Phú kể, những món đồ xưa luôn làm anh thán phục và mê đắm bởi mỗi sản phẩm như là một tác phẩm nghệ thuật được những người thợ thủ công gởi hồn mình vào đó. Không bị chi phối quá nhiều bởi cơm áo gạo tiền, những vật dụng hay đồ trang trí đều được người xưa dồn hết tâm huyết và sự khéo léo. Mỗi món đồ sành sứ phương Đông đều được vẽ công phu bằng tay với những họa tiết bay bổng, ẩn chứa những ý nghĩa sâu sắc. Mỗi chiếc đèn, đồng hồ thủy tinh Châu Âu đều được thiết kế cầu kỳ, sắc sảo và tinh tế từ màu sắc đến kiểu dáng.

Hoàng Phú tâm sự: “Đồ xưa có sức mê hoặc bởi chúng có hồn. Với tôi, vì có biết qua về hội họa và điêu khắc nên khi nhìn những món đồ này, tôi cảm thấy thán phục bởi sự công phu và trau chuốt của người xưa”. Anh được gia nhập Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu sưu tầm cổ vật vào năm 2010. Một số món đồ quý mà anh đang sở hữu là ang rửa bút của vua Khang Hy trong bộ sưu tập đồ sành sứ; đồng hồ chạy bằng bi sắt và đèn dầu để bàn bằng lam ngọc thủy tinh với chân đế hình ba bà đầm bằng đồng... trong bộ sưu tập đồ xưa Châu Âu.

Sống với đam mê

10 năm trở lại đây, nhiều món đồ xưa Hoàng Phú sưu tầm cũng đã có mặt trong không gian sống, không gian thư giãn của các gia đình và quán cà-phê ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong ngôi biệt thự Samdi nằm trên đường Phan Châu Trinh, TP Đà Nẵng khá nổi tiếng với quá trình xây dựng kéo dài đến 7 năm, hầu hết các vật dụng trang trí nội thất đều được chủ nhân chọn lựa từ bộ sưu tập của Nguyễn Hoàng Phú. Chưa có điều kiện mở cửa hàng riêng, Hoàng Phú trưng bày những món đồ xưa của mình kết hợp tại địa điểm của quán cà-phê Vintage ở số 9-Quang Trung và shop thời trang của người thân ở 156- Nguyễn Hoàng.

Dù chỉ là một góc hàng nhỏ chưa thể bày biện hết những món đồ sưu tập, nhưng Nguyễn Hoàng Phú đã tạo nên một không gian sang trọng và độc đáo của những món đồ xưa, cả Đông và Tây. Những món đồ này được Hoàng Phú chọn lựa kỹ càng và đều là những thương hiệu có bề dày truyền thống hàng trăm năm trên thế giới. Đồng hồ thì anh sưu tầm của Pháp, loại Odo và Comtoise; Radio của Đức hiệu Telefunken; Quạt thì Marelli của Ý và Western Electric của Mỹ...

Khác với hình dung thông thường về những người sưu tập đồ cổ, Hoàng Phú trẻ trung, cởi mở và rất năng động. Cũng như những người trẻ của thế hệ mình, dù là chơi đồ xưa, Hoàng Phú luôn chọn tiêu chí “đẹp, độc, lạ”. Anh nói, đồ xưa chưa bao giờ cũ, và thú chơi đồ xưa chưa bao giờ chết đi, bởi ngay từ cách đây mấy trăm năm, người xưa cũng đã mê đồ cổ. Ở một góc làm việc của Nguyễn Hoàng Phú, có treo bức thư họa với chữ “Thiền” do chính tay anh viết. Hoàng Phú chia sẻ, đồ xưa không chỉ đem đến những cảm quan sâu sắc về mỹ thuật mà còn là những chiêm nghiệm chín chắn về văn hóa, về lẽ sống...

Phạm Quỳnh Nam
(còn nữa)