Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV:

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đóng góp ý kiến quan trọng về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Thứ tư, 29/05/2024 06:40

Chiều 28-5, phát biểu thảo luận ở hội trường Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố cơ bản thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo luật được trình ra Quốc hội kỳ này.

Đại biểu Trần Chí Cường phát biểu thảo luận tại hội trường.
Đại biểu Trần Chí Cường phát biểu thảo luận tại hội trường.

Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu góp ý 3 vấn đề quan trọng. Thứ nhất, việc giao thẩm quyền cho thành phố chủ động quyết định về tổ chức, bộ máy các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu tán thành việc nên giao quyền chủ động cho thành phố Hà Nội quyết định về tổ chức bộ máy cơ quan, tổ chức thuộc UBND. Thành phố Hà Nội với vị trí là đô thị đặc biệt, có tốc độ phát triển nhanh, quy mô kinh tế lớn, hoạt động thương mại, dịch vụ, giao dịch quốc tế, văn hóa, thể thao diễn ra rất sôi động, đa dạng, có tầm ảnh hưởng lớn. Do đó, quy định việc giao quyền chủ động cho thành phố trong quyết định, chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện thực hiện trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc chính quyền thành phố và cấp huyện để có được tổ chức, bộ máy linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn là rất cần thiết.

Thứ hai, về cơ cấu tổ chức, số lượng đại biểu của HĐND thành phố, dự thảo luật quy định tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố từ 95 lên 125 đại biểu; tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 25%; tăng số lượng thường trực HĐNĐ lên 11 người; HĐND có không quá 6 ban; các ban có bộ phận hoạt động chuyên trách (Điều 9), theo đại biểu Cường, đề xuất này của thành phố là có cơ sở, phù hợp qua việc xem xét, đánh giá dự báo tác động của một số giải pháp cần thiết nhằm nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND. “Trong giai đoạn sắp tới, nếu được phân quyền mạnh mẽ như trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), HĐND thành phố Hà Nội sẽ tăng thêm rất nhiều nhiệm vụ, quyền hạn trong việc xây dựng chính sách, pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng. Khối lượng công việc của HĐND thành phố sẽ tăng đáng kể”, đại biểu Cường nói.

Bên cạnh đó, với việc không tổ chức HĐND cấp phường, số lượng đại biểu HĐND các cấp của thành phố đã giảm đi đáng kể và tới đây sẽ tiếp tục giảm khi một số huyện của thành phố phát triển thành quận. Do đó, yêu cầu đặt ra là cơ cấu tổ chức, bộ máy của HĐND thành phố phải đủ mạnh để không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động, nhất là chất lượng giám sát, bảo đảm thực chất và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Trong đó, việc tăng số lượng đại biểu HĐND giúp mở rộng, tăng tính đại diện, đặc biệt của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức; tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách là giải pháp quan trọng giúp nâng cao chất lượng hoạt động, tính chuyên nghiệp của HĐND thành phố.

Thứ ba, về quy định liên quan đến quản lý, khai thác tài sản công, công trình hạ tầng (Điều 41), đại biểu Trần Chí Cường cho rằng quy định giao thẩm quyền cho UBND thành phố như quy định tại khoản 5 dự thảo luật là cần thiết. Thực tiễn hiện nay, việc sử dụng tài sản công ở các đơn vị sự nghiệp công lập vào hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết đang gặp nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện do các quy định hiện hành về điều kiện, trình tự, thủ tục rất khó thực hiện cho cả cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và đơn vị sự nghiệp công lập. Điều này dẫn đến các đơn vị sự nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng đề xuất; cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng gặp khó khăn trong việc ra quyết định, kết quả là tài sản công không sử dụng hiệu quả, gây lãng phí, xuống cấp do thiếu kinh phí duy trì, bảo dưỡng. Mặt khác, có những đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất nhưng chức năng, mục đích chính là để cho thuê, kinh doanh nhưng cơ chế để đưa các tài sản này vào kinh doanh, cho thuê, khai thác tối đa hiệu quả lại chưa rõ ràng, cụ thể, chưa tạo sự chủ động cho các đơn vị.

Ngoài ra, trong bối cảnh thực hiện chủ trương đẩy mạnh việc tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, cần có cơ chế thông thoáng hơn, cho phép các đơn vị được chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, khai thác tài sản công đúng với công năng, mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Đây là quy định cần thiết để giải phóng, khai thác hiệu quả nguồn lực tài sản công của Nhà nước cũng như huy động sự tham gia của mọi nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, cũng cần chú ý đến mặt trái của hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết có thể dẫn đến việc sử dụng sai mục đích, thất thoát, tiêu cực trong khai thác tài sản công. Vì vậy, cần có những quy định mang tính nguyên tắc để kiểm soát vấn đề này.

T.T