Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố thảo luận, góp ý các dự án luật
Chiều 10-5, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chủ trì thảo luận tổ 12 cùng với đoàn đại biểu các tỉnh: Ninh Bình, Hưng Yên và Gia Lai.
Thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng thống nhất cao việc sửa đổi các nội dung; khẳng định đây là những nội dung mang tính cấp bách để kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, việc sửa đổi khoản 4, Điều 16 trong dự thảo luật về quy trình lập quy hoạch tỉnh còn rườm rà, sẽ gây mất nhiều thời gian, tính khả thi trong thực tiễn không cao, cần phải rút ngắn.
Bí thư Thành ủy thống nhất bổ sung Điều 54a về điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn, trong đó có phân cấp việc điều chỉnh quy hoạch tỉnh thuộc thẩm quyền chủ tịch UBND tỉnh. Đồng thời đề nghị, bổ sung, điều chỉnh một số nội dung tại điểm a, khoản 9, Điều 2 của dự thảo luật.
Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Duy Minh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, cho rằng dự thảo hiện còn đặt giới hạn tài chính quá cứng, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nhóm chủ lực đang chiếm phần lớn khu vực kinh tế tư nhân.
Theo đại biểu, hiện nay, quy định về tỷ lệ nợ không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu tuy nhằm kiểm soát rủi ro, nhưng nếu không linh hoạt theo năng lực công bố thông tin, xếp hạng tín nhiệm hay tài sản bảo đảm, thì vô hình chung sẽ loại bỏ nhiều doanh nghiệp tiềm năng khỏi khả năng tiếp cận vốn trung, dài hạn. Trong khi đó, các quốc gia có thị trường vốn phát triển không đặt “rào cản cứng” mà thiết lập cơ chế đánh giá rủi ro linh hoạt, dựa trên độ minh bạch, xếp hạng tín nhiệm và năng lực tài chính.
Đây chính là cách để vừa mở cửa thị trường, vừa kiểm soát được rủi ro một cách hiệu quả. Do đó, để thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường hiện đại, đại biểu kiến nghị bổ sung điểm c2 vào sau điểm c1 khoản 3, Điều 128 của luật hiện hành (Điểm a, khoản 18, Điều 1 dự thảo luật); bổ sung khoản 4 vào Điều 128 luật hiện hành (tại khoản 18 Điều 1 dự thảo Luật).
Theo Báo Đà Nẵng