Doanh nghiệp Đà Nẵng cần làm gì để đạt hiệu quả và phòng tránh rủi ro trong xuất khẩu?

Thứ năm, 08/08/2024 10:00

Ngày 2-8 vừa qua, Sở Công Thương TP Đà Nẵng phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu – Đà Nẵng năm 2024 thu hút sự tham dự của đại diện lãnh đạo nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.

Công ty Mỹ Phương Food (H.Hòa Vang, TP Đà Nẵng) xuất khẩu bán dừa nước sang thị trường Trung Quốc.
Các doanh nghiệp Đà Nẵng quảng bá thương hiệu, sản phẩm tại Hội chợ Quốc tế Quảng Châu (Trung Quốc) năm 2024.

Tại Hội nghị này, các chuyên gia, tham tán thương mại Việt Nam (Bộ Công Thương) tại các nước trên thế giới đã có những lưu ý, khuyến cáo, khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng cần làm gì để đạt hiệu quả và phòng tránh rủi ro trong hoạt động xuất khẩu.

Ông Nguyễn Việt San – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu – Châu Mỹ:

Thị trường khu vực Châu Âu – Châu Mỹ đòi hỏi rất khắt khe về các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý ô nhiễm, truy xuất nguồn gốc các yêu cầu về bao gói và nhãn mác, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm biến đổi gen, thương mại công bằng, nguồn cung bền vững… Để hoạt động xuất nhập khẩu vào thị trường này đạt hiệu quả và tránh được những rủi ro, thiệt hại, các doanh nghiệp cần tra cứu kỹ thông tin thị trường, đặc biệt là về áp dụng ưu đãi thuế quan; nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế… Gần đây, tại một số nước như: Hoa Kỳ, Bắc Âu, Italia, Pháp, Hà Lan, Nga, v.v… xuất hiện tình trạng mạo danh các công ty nhập khẩu uy tín để lừa đảo các doanh nghiệp nước ngoài. Các đối tượng lừa đảo (thường từ các khu vực Trung Đông hoặc Châu Phi) lợi dụng tâm lý cho rằng các nước Châu Âu là các nước phát triển, hệ thống luật pháp chặt chẽ, các công ty làm ăn đảm bảo uy tín, đã lập các website giả danh các công ty có thật với địa chỉ văn phòng giả tại các nước phát triển nhằm tăng sự tin tưởng của các doanh nghiệp và sử dụng những phương thức lừa đảo tinh vi, đa dạng và khó xác minh. Vì vậy, doanh nghiệp trong nước cần lưu ý, thận trọng và tìm hiểu kỹ đối tác trước khi ký kết, thực hiện hợp đồng mua bán…

Ông Nông Đức Lai – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc:

Trung Quốc có quy mô thị trường tiêu dùng lớn thứ hai trên thế giới. Chỉ tính trong năm 2023, tổng giá trị bán lẻ hàng tiêu dùng đạt gần 6,7 nghìn tỷ USD. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ tính trong năm 2023 đạt 171,8 tỷ USD, chiếm 25% tỷ trọng thương mại của Việt Nam với thế giới. Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam. Xu hướng tiêu dùng của Trung Quốc, nhất là người tiêu dùng ở các đô thị đang ngày càng quan tâm đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe, chất lượng cao và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; quy chuẩn hóa các quy định và hệ thống quản lý, giám sát về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa là thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế… Để có thể đạt hiệu quả khi xuất khẩu vào Trung Quốc, các doanh nghiệp trong nước phát huy lợi thế (vị trí địa lý, giá thành sản xuất, giá thành vận tải, các sản phẩm nhiệt đới, v.v…) của Việt Nam để khai thác và đáp ứng tối đa tiềm năng, nhu cầu to lớn của thị trường Trung Quốc; tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế (VietGap, GlobalGap,v.v…), tiêu chuẩn nước nhập khẩu và tăng cường quản lý, giám sát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu; chú trọng xây dựng thương hiệu; cần có nhân lực hiểu biết chuyên môn, thông thạo ngôn ngữ, am hiểu thị trường; sẵn sàng cạnh tranh với hàng hóa nông sản, thực phẩm của các quốc gia cùng tham gia xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Công ty Mỹ Phương Food (H.Hòa Vang, TP Đà Nẵng) xuất khẩu bán dừa nước sang thị trường Trung Quốc.

Bà Quyền Thị Thúy Hà – Trưởng Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản):

Tiềm năng xuất khẩu, đặc biệt là ngành nông sản vào Nhật Bản còn rất lớn khi quan hệ giữa 2 nước đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất, sâu rộng và toàn diện; 2 nước cùng tham gia 4 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, tăng trưởng nhập khẩu của Nhật Bản ngày càng tăng, trong khi đó, Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vào thị trường này nên dư địa và cơ hội xuất khẩu còn rất lớn. Trong thời gian qua, hoạt động xuất khẩu Nhật Bản còn một số khó khăn, hạn chế như: các công ty xuất khẩu của Việt Nam chưa được phân hóa chuyên nghiệp, chỉ có một số ít đơn vị quy mô lớn nhưng chưa đồng bộ và kiểm soát tốt được tất cả các khâu; việc xuất khẩu nhiều khi còn chạy theo thành tích số lượng, mục tiêu doanh số, đặc biệt là vào vụ mùa cao điểm mà chưa đầu tư đúng mức vào khâu bảo quản sau thu hoạch hay chế biến sâu… Để thuận lợi và hiệu quả khi xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp trong nước thẳng thắn nhìn nhận vào những điểm hạn chế, phân tích cặn kẽ và tìm cách để khắc phục; đáp ứng các yêu cầu của thị trường Nhật Bản: các quy định và tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm, yếu tố về thẩm mỹ, tính tiện dụng trong bao bì mẫu mã, mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện môi trường đòi hỏi trách nhiệm xã hội cao của nhà sản xuất, v.v…; nghiêm túc đúc rút các bài học kinh nghiệm từ những lô hàng thất bại, những phàn nàn từ khách hàng, đối tác, đặc biệt là thường xuyên cập nhật phản hồi từ khách hàng, phân tích điểm mạnh, điểm yếu so với sản phẩm tương tự của các nước cạnh tranh; luôn coi trọng chất lượng và dịch vụ như chính uy tín của doanh nghiệp, của thương hiệu quốc gia; tăng cường tham gia các hoạt động, chương trình quảng bá, xúc tiến, giới thiệu phù hợp tại Nhật, hướng đến mục tiêu chinh phục khách hàng Nhật; chủ động tìm hiểu thông tin về tập quán thương mại, thị hiếu và đặc trưng thị trường, tìm hiểu đối tác…

PHÚ NAM (lược ghi)