Độc đáo "bảo tàng" Coco Casa Workshop
Chủ nhân của những ý tưởng độc đáo
Tạo lập lên Coco Casa Workshop (Làng củi lũ) là anh Lê Ngọc Thuận, một người Hội An luôn mong muốn phát triển du lịch quê hương bằng những ý tưởng mới lạ, những sản phẩm đặc trưng.
Khoảng một thập niên trước, anh Thuận được biết đến là người đầu tiên mở homestay ở An Bàng, đặt viên gạch nền móng để biến một làng biển hoang sơ thành làng homestay nổi tiếng như ngày nay. Từng phiêu dạt nhiều nơi trước khi trở về quê lập nghiệp, anh Thuận hiểu rằng, không đâu bằng quê nhà, lối đi ở ngay dưới chân mình. Phải mở lối để du khách khắp nơi đến Hội An và níu chân họ bằng những ấn tượng đẹp, những sản phẩm đặc sắc. Vì lẽ đó, những ý tưởng mới cứ nảy sinh trong anh. Anh Thuận kể, lúc làm homestay ở An Bàng, vào mùa lũ, đi vớt những khúc gỗ từ thượng nguồn trôi dạt về biển, anh nảy sinh ý tưởng phải tái tạo cho nó một vòng đời mới. "Củi lũ là những thanh gỗ bị lũ cuốn, thường bị bỏ đi hoặc được nhặt về để làm chất đốt. Việc sử dụng chúng làm chất đốt cũng là một cách tái sử dụng, nhưng chưa đem lại giá trị bền vững trong vòng đời tái chế của củi. Những thanh củi giữ được chất lượng tốt hoàn toàn có khả năng là vật liệu điêu khắc như một thanh gỗ bình thường"- anh Thuận chia sẻ.
Ba năm trước anh Thuận bắt đầu hành trình biến ý tưởng thành hiện thực. Không gian được anh chọn lựa cho Làng củi lũ ở Trà Quế, bên sông Cổ Cò, nơi có lũy tre, ruộng lúa, đường làng quanh co. Không gian Làng củi lũ được thiết kế với khu trưng bày hơn 100 tác phẩm, cùng kho tàng câu chuyện về văn hóa như: 12 Con Giáp, Đại dương, Tượng nhà mồ Cơ Tu, Con Giống… Khu Workshop nghệ thuật - nơi khách có thể tự tạo tác phẩm từ củi lũ cho riêng mình và mang về nhà với sự hỗ trợ của nghệ nhân địa phương. Khu studio chế tác tại chỗ, nơi khách sẽ được chứng kiến sự ra đời của tác phẩm dưới bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề Kim Bồng (Hội An). Đặc biệt, trong Làng củi lũ, anh Thuận dụng tâm cho khu triển lãm, nơi những tác phẩm từ củi lũ được thay đổi khác nhau theo từng chủ đề. Hiện tại, bản điêu khắc Phố cổ Hội An (với chùa Cầu, sông Hoài, phố cổ, làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà…) đang là tác phẩm trung tâm được trưng bày nhằm tái hiện lại kiến trúc giao thoa của nhiều nền văn hóa, lồng ghép với cảnh sinh hoạt của người dân trên các con phố cổ. Tác phẩm như một Hội An thu nhỏ làm từ củi lũ, với những công trình kiến trúc được chế tác, chạm trổ tinh xảo, du khách nhìn vào có thể hiểu được những di sản nổi bật Hội An đang mang trong mình.
Trải nghiệm điêu khắc từ củi lũ
Ấn tượng với du khách khi bước vào Làng củi lũ chính là việc được tham gia trải nghiệm chế tác, điêu khắc trên gỗ tái chế, để thể hiện quan điểm sáng tạo cá nhân của mình. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện khác nhau, được kể thông qua đường nét điêu khắc, hình khối, bố cục và màu sắc. Kết quả những bức điêu khắc ấy thể hiện cả một hệ cảm xúc, suy nghĩ, quan điểm và góc nhìn nghệ thuật được bồi đắp của mỗi cá nhân của người làm. Tới Làng củi lũ, khách cũng được mở rộng góc nhìn về văn hóa khi được chiêm ngưỡng các tác phẩm điêu khắc từ củi lũ và quá trình các nghệ nhân tạo ra sản phẩm. Đặc biệt, việc sáng tạo nghệ thuật trên một vật liệu tái chế, kéo dài vòng đời sử dụng bền vững, mang những tác phẩm tiếp cận tới nhiều người khác chính là cách lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường. Trong mỗi tác phẩm từ củi lũ là một câu chuyện về mối quan hệ mật thiết của con người với rừng tự nhiên, hiện trạng xả rác bừa bãi ra đại dương…
Ở Làng củi lũ, mỗi tác phẩm mỹ thuật tái chế từ chất liệu, câu chuyện đều có khả năng tạo nên sự rung động, thức tỉnh nhận thức của người xem về việc cần phải tôn trọng môi trường sống, tôn trọng thiên nhiên; về sức mạnh của sự sáng tạo là vô hạn; về sức hút của giá trị văn hóa dân tộc. Anh Thuận chia sẻ, khi nghĩ về lũ lụt, người ta thường chỉ thấy những sợ hãi, mất mát và đau thương. Tuy vậy, tận dụng củi lũ trong sáng tạo nghệ thuật đem lại một góc nhìn mới tươi sáng hơn về thiên nhiên khắc nghiệt. Cũng là những nghệ nhân ở làng mộc Kim Bồng, nhưng khi những cơ sở ở làng mộc dần ít đi, khó "sống" được với thị trường, thì anh Thuận đã nghĩ tới cách thực hiện những sản phẩm có thẩm mỹ cao, đưa họ về Làng củi lũ để vừa góp phần tạo thu nhập cho người dân địa phương vừa gìn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống.
Đến Hội An, hãy một lần tham quan Làng củi lũ để cùng lắng nghe những câu chuyện về những cành cây ngã rạp từ thượng nguồn, bị lũ cuốn trôi qua bao ghềnh thác về xuôi, lại được hồi sinh trong một dạng thức khác. Từ đó, nhắc nhở một cách sống khác, đó là trồng rừng và sử dụng gỗ rừng trồng, bảo vệ rừng tự nhiên.
Hải Quỳnh