Độc đáo giếng cổ Hội An

Thứ năm, 27/06/2019 11:46

Cách đây hàng ngàn năm, người Chămpa đã có mặt ở cảng thị sầm uất bậc nhất nước ta lúc bấy giờ-Hội An. Ngày nay, dù người Chăm không còn sinh sống trên vùng đất này nhưng những di sản mà họ để lại vẫn làm những thế hệ sau phải khâm phục. Một trong những di sản lớn nhất đó chính là hệ thống mạch nước ngầm làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế xã hội đã được người Chăm tìm thấy và xây dựng. Trải qua biết bao sự biến thiên của lịch sử những mạch nước ngầm này vẫn dồi dào và gieo mầm sống cho vùng đất nơi nó được sinh ra.

Du khách lên đảo Cù Lao Chàm không thể bỏ qua điểm tham quan giếng cổ Chămpa.

Du khách đến Hội An ngày nay không ai là không biết đến giếng nước Bá Lễ nằm ngay đầu chợ Hội An. Theo Trung tâm quản lý và bảo tồn di tích TP Hội An,  người Chăm xưa - vốn hết sức nổi tiếng trong việc phát hiện mạch nước ngầm - cũng là những người hết sức kỹ lưỡng trong việc đào giếng là chủ nhân của chiếc giếng này. Theo nhiều người già ở Hội An kể lại thì giếng Bá Lễ có từ thời của người Chăm xưa (khoảng từ thế kỷ thứ VIII-IX). Chất liệu làm giếng cổ bằng gạch mà không cần dùng vôi vữa kết lại. Dưới chân là khung gỗ lim rộng bản, đơn giản như vậy nhưng nó đã tồn tại cả ngàn năm nay vững vàng.  Kỳ lạ nhất là vào mùa nắng nóng thì lượng nước trong giếng vẫn luôn dồi dào. Đã từ lâu, giếng Bá Lễ không chỉ là nguồn sống cho những gia đình gánh nước thuê mà còn cung cấp nước cho hàng trăm hộ dân khác, từ những gánh hàng rong đến những nhà hàng sang trọng. Những món đặc sản của Hội An như cao lầu, mì quảng, xí mà... đều không thể ngon, đúng vị đặc trưng nếu không dùng nước giếng này để chế biến.

Với vị ngọt đặc trưng, giếng Bá Lễ không chỉ là một nơi cung cấp nước đơn thuần mà còn trở thành thương hiệu  du lịch của Hội An. Nhiều du khách đến đây đều ngồi nghỉ chân ở khu vực trước giếng nước hoặc uống một ngụm cho biết... mùi Hội An. Vì lẽ đó, một gia đình ở đường Nguyễn Thái Học, con đường dẫn vào giếng Bá Lễ trang bị sẵn một chum nước giếng với dòng chữ "Nước giếng dành cho du khách". "Món đặc sản" này thu hút nhiều du khách, nhất là du khách quốc tế đến thưởng thức. Độc đáo không kém giếng Bá lễ là giếng Chăm cổ tại Cù Lao Chàm. Hiện nay giếng Chăm này là địa điểm không thể bỏ qua của các đoàn du khách lên đảo. Chiếc giếng cổ ngày nay nằm ở xóm Cấm  trung tâm của hòn đảo vì vậy, theo nhiều nghiên cứu đặt ra, giếng chính là nguồn cung cấp nước ngọt không chỉ cho người trong vùng mà cả hằng hà sa số những thương thuyền kinh doanh buôn bán từng rong ruổi trên biển. Theo thông tin từ Trung tâm quản lý và bảo tồn di tích Hội An, từ những nguồn tư liệu thư tịch cổ mà trung tâm sưu tầm được, từ thế kỷ thứ XV - XVIII, Cù Lao Chàm đóng vai trò quan trọng trên bản đồ hàng hải quốc tế ven Biển Đông và là điểm dừng chân quen thuộc của thương thuyền nhiều nước phương Tây lẫn phương Đông trên hải trình dọc theo các con đường hương liệu, tơ lụa, gốm sứ trên biển... Nằm lênh đênh trên biển, Cù Lao Chàm là điểm dừng chân của các nhà hàng hải nhằm bổ sung lương thực, mua bán nước ngọt. Chính vì vậy có thể nói rằng giếng Chăm cổ Cù Lao Chàm đã góp phần không nhỏ trong việc giao thương kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam và các nước.

Những giếng Chăm còn tồn tại đến ngày nay được xem là giá trị văn hóa vật thể phản ánh chân thực đời sống sinh hoạt của cộng đồng cư dân Chămpa tại đây từ hơn 10 thế kỷ trước. Thế nhưng những giá trị ấy không chỉ là dĩ vãng mà luôn được bồi đắp mỗi ngày. Ngày nay, giếng nước này vẫn được người dân sử dụng hằng ngày trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng. Cứ như thế, giá trị của những giếng nước không chỉ dừng lại ở việc phục vụ sinh hoạt của con người mà còn trở thành nét đẹp văn hóa độc đáo không thể tách rời của đô thị cổ Hội An.

ĐỒNG DAO