Độc đáo nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng ở Tây Nguyên

Thứ ba, 10/01/2017 10:11

(Cadn.com.vn) - Đối với người Tây Nguyên, cồng chiêng là một thứ tài sản vô giá, cồng chiêng được coi là vật thiêng, là phương tiện giao cảm niềm vui nỗi buồn của con người với thần linh, với đất trời, với tạo vật. Cồng chiêng được xem như một vị thần linh có tiếng vọng ngàn đời trong tâm thức cộng đồng các dân tộc nơi đây từ truyền thống đến hiện đại. Chính vì vậy mà cồng chiêng Tây Nguyên đã được định danh là loại hình di sản văn hóa mang đậm dấu ấn thời gian và không gian. Trong đó lưu giữ cả những lớp cắt lịch sử của tiến trình phát triển âm nhạc từ thủa sơ khai. Cồng Chiêng là loại nhạc khí phổ biến ở vùng Đông Nam Á, gắn bó mật thiết với sinh hoạt vòng đời và đời sống tâm linh của các tộc người Ba Na, Ê Đê, Gia Rai, Mnông, K’ho, Xơ Đăng, Rơmăm…ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum. Vùng đất này được coi là cái nôi cồng chiêng của Đông Nam Á. So với các nơi khác trong khu vực Đông Nam Á, chất liệu của cồng chiêng Tây Nguyên được chế tác bằng tre nứa hoặc bằng đồng, có cái pha vàng, bạc hoặc đồng đen, lấy thang bồi âm tự nhiên làm cơ sở để thiết lập thang âm.

Nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên được thể hiện rất đa dạng và độc đáo. Tính độc đáo của cồng chiêng Tây Nguyên thể hiện ở trình độ điêu luyện của người diễn tấu trong việc áp dụng những kỹ năng đánh cồng chiêng và kỹ năng chế tác. Nghệ nhân có thể dùng theo dàn, theo bộ cồng chiêng. Mỗi bộ có từ 2 đến 12 chiếc, cũng có bộ 18 đến 20 chiếc như bộ chiêng của người Gia Rai, hoặc dùng đơn lẻ. Dàn cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức như một dàn nhạc có thể diễn tấu những bản nhạc đa âm với các hình thức hòa điệu khác nhau. Điều đặc biệt trong dàn nhạc này mỗi người chỉ đánh một chiếc cồng, hoặc một chiếc chiêng (trừ chiêng Arap của người Gia Rai).

Biểu diễn Cồng chiêng tại Tây Nguyên.

Khi nghe tiếng cồng chiêng, chúng ta có thể phát hiện các tầng giai điệu được đan xen và đối ứng với nhau bên cạnh phần đệm hòa âm trong các bài bản liên quan đến lễ hội cúng bến nước, lễ hội mừng được mùa, lễ hội cầu mưa, nghi thức đón khách hay kết nghĩa... Theo các nhà nghiên cứu văn hóa đặc thù của cồng chiêng Tây Nguyên được biểu hiện qua tính đa dạng,  tính thiêng, sợi dây liên kết giữa con người với yếu tố tâm linh  xuất hiện trong đời sống con người từ thủa thiếu thời đến khi nhắm mặt lìa trần qua sinh hoạt thường ngày, trên nương rẫy, trong thời bình, chiến tranh,  sự tinh tế, chính xác, đặc biệt qua cách chỉnh âm và tạo ra âm thanh (dùi gõ bằng gỗ cứng – gỗ mềm – gỗ có bọc da, tay mặt tạo ra thanh – độ cao – màu âm khác nhau tùy nơi gõ, tay trái có thể tham gia biểu diễn bằng cách bóp vành cồng làm thay đổi màu âm).

Biên chế của dàn cồng chiêng Tây Nguyên cũng rất đa dạng, chức năng của mỗi loại cồng trong khi biểu diễn còn liên quan đến tổ chức xã hội và triết lý sống của dân tộc trong vùng đó, như chia ra chiêng mẹ, chiêng cha, chiêng con, chiêng cháu – nhắc lại xã hội của các cộng đồng thiên về Mẫu hệ, nên chiêng mẹ được xem là quan trọng trước chiêng cha – chiêng mẹ, chiêng cha phát ra thanh âm trầm hơn làm nền cho bản nhạc, chiêng con cách khoảng đều nhau như những cây cột dựng lên nhà, chiêng cháu di chuyển, tạo ra những âm thanh có độ cao và phối hợp thành giai điệu giống như kèo và nóc của nhà. Cồng chiêng Tây Nguyên đã được định danh là loại hình di sản văn hóa mang đậm dấu ấn thời gian và không gian. Trong đó lưu giữ cả những lớp cắt lịch sử của tiến trình phát triển âm nhạc từ thủa sơ khai.

Trí Tín