Độc đáo “nickname” cà-phê Đà Nẵng

Thứ ba, 14/03/2017 09:45

(Cadn.com.vn) - Người Đà Nẵng cũng như không ít du khách đến Đà Nẵng đều có nhận xét  thành phố này có quá nhiều quán cà-phê. Hầu như đi bất kỳ con phố  nào, cũng có thể tìm thấy quán cà-phê. Trong những lần lang thang tìm hiểu về điều này, tôi phát hiện khá nhiều quán cà-phê có những “nickname” rất độc đáo, sáng tạo...

Vài năm trở lại đây, nhiều bạn trẻ, giới trí thức thậm chí các bậc trung niên khá  quen thuộc với quán cà-phê Cộng ở 96 - Bạch Đằng. Bước chân vào quán, đập vào mắt bạn là hình ảnh những bộ bàn ghế, bàn máy khâu, máy đánh chữ, mũ cối hay chiếc tivi, radio cũ kỹ, sờn màu...; là những hình ảnh về anh bộ đội Cụ Hồ, 5 điều Bác Hồ dạy và những câu khẩu hiệu đã đi vào lòng người..., được chủ quán sắp đặt trang trọng ở những vị trí bắt mắt. Tất cả tạo nên một không gian gợi nhớ về những năm tháng chiến tranh, cả miền Bắc hướng về miền Nam thân yêu! Ngay như cách ăn mặc của nhân viên phục vụ với đồng phục màu xanh của lính, cũng toát lên được chủ đích mà chủ nhân khi đặt nickname cho quán cà-phê này. Theo chủ quán Thúy Hằng,  đây là quán thứ 10 nằm trong hệ thống cà-phê Cộng của chị em và những người bạn của chị. Ý tưởng hình thành nên hệ thống quán cà- phê Cộng là dùng những đồ dùng cũ để tái hiện một góc nhỏ về một thời đã qua... “Không có tham vọng gì lớn, với không gian thiết kế của Cộng, chúng tôi hy vọng sẽ tạo một dấu ấn đối với du khách trong và ngoài nước khi đến đây...”-Thúy Hằng bộc bạch. Một vị khách trẻ cho biết, anh biết quán cà-phê này qua mạng xã hội. Nickname độc đáo này khiến anh tò mò muốn tìm hiểu rồi thích lúc nào không hay. “Tôi rất thích đến Cộng uống cà-phê vì không gian, cách thiết kế, trình bày các hiện vật nơi đây rất khác biệt. Những hình ảnh, hiện vật tái hiện một phần về quá khứ của đất nước giúp tôi chiêm nghiệm được nhiều điều, hiểu thêm hơn giá trị của hòa bình hôm nay...”-anh chia sẻ thêm.



Những hình ảnh tại quán cà-phê Cộng 96 – Bạch Đằng.

Ấn tượng không kém, cà-phê Boom – 43 Pasteur được hình thành từ ý tưởng về nỗi đau chiến tranh. Chủ quán Xuân Anh cho biết: “Chiến tranh đi qua, nhưng nỗi đau mà nó để lại thì không bút nào tả hết. Thông qua các hiện vật của thời chiến: những chiếc bình đông cũ kỹ, ca nước, vỏ đạn, nón cối..., tái chế thành những vật dụng trang trí, tôi đã cùng bạn bè thiết kế nên một không gian cà-phê Boom giữa lòng thành phố như là một sự nhắc nhở về sự khốc liệt, nỗi đau của chiến tranh...”! Dù cách thể hiện có khác nhau, nhưng có thể nói, chủ nhân cà-phê Cộng, Boom đều là những người rất trân trọng quá khứ, trân trọng những kỷ vật cũng như sự mất mát, nỗi đau của con người do  chiến tranh gây ra. Từ sự trân trọng với quá khứ ấy, họ đã dành không ít thời gian để lùng, tìm mua những hiện vật, sưu tầm các tranh ảnh có liên quan để tái hiện nên một không gian cà-phê gợi nhắc về một thời kỳ lịch sử đau thương, mất mát nhưng cũng rất đỗi hào hùng của dân tộc...

 Khác với Cộng, Boom, Biển Báo tại 21 – 22 Trần Nhân Tông (Sơn Trà) của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Mỹ (nghệ danh Mỹ Dũng) ra đời từ ý tưởng muốn cảnh báo về tai nạn giao thông- một thực trạng nhức nhối của xã hội hiện nay. Đến với quán cà-phê có nickname ngồ ngộ này, bạn sẽ nhìn thấy những chiếc xe đạp, xe máy bị đứt rời được lắp ghép thành bàn, ghế; những tấm biển báo dựng khắp nơi trong quán hình thành một mô hình rất độc đáo. Đa số khách ở quán đều cho biết, qua bạn bè giới thiệu, họ đến đây thưởng thức cà-phê và rất có ấn tượng về những hình ảnh nơi đây. Một vị khách còn cho biết, khi nhìn thấy các biển báo này giúp anh nhớ những điều cần thiết khi tham gia giao thông... Theo chủ quán, để có được những vật dụng này, ông đã phải đi lùng sục khắp các điểm bán phế liệu, mua các bộ phận của xe máy, xe đạp hư rồi ngồi thiết kế thành bàn, ghế. “Tôi hy vọng từ Biển báo sẽ góp phần giúp mọi người phải có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội đối với an toàn khi tham gia giao thông, để không có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra...”- ông Mỹ chia sẻ thêm.

Những chiếc xe tại cà-phê Biển Báo.

Cũng với ý tưởng độc đáo không kém, cà-phê Papa Container nằm trên con ngõ vắng Thanh Tịnh-Tân Trào (Q. Liên Chiểu) của anh Vương Vũ Phương là sự sáng tạo của một kiến trúc sư trẻ khi sử dụng chiếc container cũ để hình thành một không gian cà-phê đầy màu sắc. Quán mở được ba năm nay, thu hút khá đông khách. Tôi cũng là một trong những “khách ruột” của quán này. Điều khiến tôi thích đến đây là bởi sự sáng tạo của chủ quán. Từ menu được làm bằng giấy tái chế mang hình tháp Eiffel, các bức hoa văn trên tường cùng những chiếc xích đu xinh xắn, góc vườn xanh mát, bàn cà-phê là những chiếc máy may cũ cải tạo lại..., tất cả được sắp đặt rất hài hòa trong một không gian vừa đủ. Điều đặc biệt, tuy được làm từ container, nhưng đến đây vào mùa hè, bạn không có cảm giác nóng bức, bởi tất cả đều được cách nhiệt. Càng thú vị hơn, khi được biết, chủ quán là người miền Nam, học tại TP Hồ Chí Minh. Anh cho biết, ý tưởng quán cà-phê làm từ container được anh ấp ủ từ khi còn học cấp ba. Thế nên, tốt nghiệp ngành kiến trúc, anh tìm mua những thùng container tại các tiệm xe contanier cũ, hì hục suốt mấy tháng trời để sơn mới lại, rồi thiết kế trang trí theo  phong cách Vintage pha hơi hướng Trung Đông. Ngoài Papa Container, anh còn sở hữu 2 quán cà-phê nổi tiếng khác ở Đà Nẵng. Đó là Pavilon Garden trên đường Quang Trung; Garden Beer ở Võ Văn Kiệt cũng lấy ý tưởng contanier theo phong cách Trung Đông.

Không gian bên trong của cà-phê Papa Container.

Bằng tình yêu dành cho hương vị cà-phê Việt, từ những ý tưởng sáng tạo, chủ nhân của các quán cà-phê sở hữu những nickname độc đáo này đã góp phần làm phong phú, đa dạng và chiếm được chỗ đứng nhất định trong lòng người yêu thích cà-phê Đà Nẵng.

Tường Vy