Độc đáo tập thơ của cố nhà báo Lê Văn Thơm

Thứ ba, 18/06/2024 09:30

Tại Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 năm 2024, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp đã tổ chức chương trình ra mắt 2 tập sách của cố nhà báo Lê Văn Thơm. Trong đó, tập thơ “63 Danh nhân Việt Nam” để lại nhiều ấn tượng cho độc giả bởi không chỉ hấp dẫn người đọc về giá trị nghệ thuật mà còn chứa đựng giá trị sử liệu, lịch sử dân tộc.

Đông đảo người thân, bạn bè và độc giả đến tham dự chương trình ra mắt hai tập thơ.
Hai tập thơ “63 Danh nhân Việt Nam” và “Nỗi niềm ngòi bút” của cố nhà báo Lê Văn Thơm.

Cố nhà báo Lê Văn Thơm nguyên là người lính tình nguyện làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Khi ra quân, trở về đời thường, ông đã vượt qua thương tích, bệnh tật từ một thời trận mạc, dồn say mê vào nghề báo và thơ phú. Cái tên Lê Văn Thơm mộc mạc được nhiều người biết đến với hàng trăm bài báo, bài thơ, câu đối, tiểu phẩm... đăng trên các báo Trung ương và địa phương. Ông cũng là cộng tác viên thân thiết của Báo Công an Quảng Nam - Đà Nẵng, Công an TP Đà Nẵng và nay là Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng.

Tập thơ “63 Danh nhân Việt Nam” dày hơn 260 trang, có 63 bài thơ về 63 vị danh nhân tiêu biểu của dân tộc do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2023. Có thể nói, đây là tập sách đầu tiên trong thi đàn Việt Nam ca ngợi các danh nhân bằng thơ và toàn bằng thể thơ song thất lục bát giàu âm điệu. Từng thể hiện bằng thơ cả hành trình đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam qua “Học Lịch sử bằng thơ” độc đáo, được UBND TP Đà Nẵng chọn đặt hàng xuất bản, Lê Văn Thơm ra mắt “63 Danh nhân Việt Nam” như một sự tiếp nối thành quả ấy.

Nói về tập thơ, ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng chia sẻ: “Tôi đã từng kỳ vọng rằng nội dung giáo dục “Học Lịch sử bằng thơ” chủ yếu được giới hạn trong phạm vi lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, chưa mở rộng sang các lĩnh vực khác như kinh tế, văn hóa - là những lĩnh vực mà lịch sử phát triển vốn cũng rất sinh động, phong phú và đáng tự hào; rằng rất nhiều sử liệu lý thú trên các lĩnh vực của đời sống người Việt cần sớm được chọn lọc, sắp xếp và chuyển thành thơ. Cầu được ước thấy, trong tay tôi là bản thảo tập sách “Học Lịch sử bằng thơ” thứ hai với nhan đề “63 Danh nhân Việt Nam” nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực”.

Đông đảo người thân, bạn bè và độc giả đến tham dự chương trình ra mắt hai tập thơ.

Viết về các danh nhân, trước hết tác phẩm phải có và chứa đựng trong mình giá trị sử liệu và lịch sử. Trong 63 danh nhân mà Lê Văn Thơm ca ngợi, tôn vinh có hàng chục nghệ sĩ giàu tài năng sáng tạo. Đó là những nhà thơ, nhà văn từ thời trung đại như Nguyễn Trãi, Thân Nhân Trung, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu. Viết về Nguyễn Trãi có đoạn: Bao tác phẩm chói ngời đạo lý/Rạng luân thường tài trí nghĩa nhân/Sáng lòng yêu nước thương dân/Sáng ngời kiệt tác, tiếng tăm văn tài... Hay viết về những nhà thơ, nhà văn thời hiện đại như Nam Cao: Vừa dạy học vừa viết văn/Truyện dài truyện ngắn bài đăng xa gần...

Trong tập thơ còn có nhiều chính khách qua các thời kỳ lịch sử, như Tổng Bí thư Lê Duẩn: Nhà lãnh đạo tài tình xuất chúng/Dệt đài hoa chiến thắng huy hoàng/Vững vàng tay chèo lái giang san/Tinh nhanh ứng phó thù trong giặc ngoài…

Cùng với các chính khách và nhà ngoại giao, trong tập thơ của Lê Văn Thơm còn có những câu thơ viết về các nhà canh tân đất nước, các tướng lĩnh tài năng, những trạng nguyên danh tiếng, các lương y, thầy giáo đức cao vọng trọng, sử gia… Trong mỗi bài thơ, cố nhà báo Lê Văn Thơm đã mang đến cho người đọc những thông tin về cuộc đời, tiểu sử, công lao các danh nhân. Ông còn dày công nghiên cứu, suy ngẫm, tinh chọn những thông tin, sự kiện tiêu biểu về chân dung các danh nhân. Không chỉ vậy, ông còn dành nhiều tâm lực vào việc chú thích trong từng bài nhằm cung cấp thông tin cho người đọc được kỹ càng, tường tận. Đó cũng là một cách để người đọc thơ hiểu hơn và người học sử dễ nhớ hơn.

Không chỉ có giá trị sử liệu, lịch sử, tập thơ còn có giá trị văn chương nghệ thuật. Cố nhà báo Lê Văn Thơm đã khéo sử dụng thể thơ song thất lục bát để chuyển tải hiệu quả những thông tin, sự kiện xoay quanh cuộc đời, công lao, cống hiến của các danh nhân. Với vần điệu uyển chuyển, nghệ thuật ngắt nhịp, tạo nhịp điệu thơ cùng với việc sử dụng linh hoạt, nhuần nhuyễn từ Hán Việt đã làm nên giá trị và sự độc đáo của tập thơ.

Ngoài “63 Danh nhân Việt Nam”, cùng dịp này cũng ra mắt tập thơ “Nỗi niềm ngọnbút” dày hơn 200 trang với 111 bài thơ được nhà báo Lê Văn Thơm sáng tác trong nhiều năm và được phát hành nhân 40 năm ngày ông nhập ngũ (1983-2023). Đặc biệt, tập thơ này có hai trường ca, gồm: “Trường ca Đà Nẵng quê tôi” và “Trường ca chống dịch”, khắc họa những thành tích anh hùng của thành phố trong kháng chiến và chống dịch.

Mai Vinh