Độc đáo tục cất, mở kho lúa người Cơ Tu

Thứ tư, 02/03/2022 18:50

Cơ Tu (hay Katu, Kantu) là một dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Người Cơ Tu tự gọi tên dân tộc mình là Cơ Tu. Đây cũng là tên gọi chính thức của dân tộc này trong các văn bản hành chính của Nhà nước và trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam. Theo số liệu của Tổng điều tra dân số Việt Nam, hiện nay,  dân số Cơ Tu ở Việt Nam hiện có khoảng hơn 62.000 người, cư trú trải dài từ vùng núi phía tây tỉnh Quảng Nam (huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang), TP Đà Nẵng (H. Hòa Vang), tỉnh Thừa Thiên - Huế (Nam Đông, A Lưới) sang tận bên kia dãy Trường Sơn thuộc địa phận hai tỉnh Sêkông và Savanakhet của nước Lào.

Kho lúa của đồng bào Cơ Tu huyện Tây Giang, Quảng Nam.

Hiện nay, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu ở huyện Tây Giang (giáp với nước bạn Lào) các kho lúa của người Cơ Tu còn rải rác ở cạnh các nương rẫy. Kho lúa của người Cơ Tu là nét văn hóa rất riêng và độc đáo… Đặc biệt, tục lệ cất và mở kho lúa của người Cơ Tu là một phong tục đẹp, cho chúng ta biết về tập quán "tích cốc, phòng cơ" của họ, vừa có tính giáo dục con người biết quý trọng thành quả lao động của mình.

Người Cơ Tu làm rẫy là chính, canh tác theo lối phát cây bằng rìu và dao quắm, rồi đốt, sau đó dùng gậy chọc lỗ để tra hạt giống, làm cỏ bằng cái nạo có lưỡi sắt uốn cong, tuốt lúa bằng tay. Rẫy đa canh, xen canh và cứ sau vài vụ lại bỏ hoang hóa một thời gian dài trước khi canh tác tiếp. Vào tháng 8, tháng 9, tháng 10, sau khi đồng bào sửa sang lại nhà cửa xong thì ngoài nương rẫy lúa đã bắt đầu chín tới. Đồng bào bắt tay vào việc thu hoạch lúa màu. Trước đây đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng miền Tây huyện Hòa Vang một năm chỉ có một vụ mùa. Sau khi dạo quanh các nương rẫy xem và đoán định lúa đã chín đều khắp hay chưa, người Cơ Tu chọn ngày Zi Brang (nhằm ngày 17 âm lịch) đi tuốt lúa. Người bước chân vào rẫy tuốt lúa đầu tiên là người mẹ trong nhà, bà ngắt ba bông lúa cột riêng bỏ vào gùi sau lưng, sau đó tuốt vài ba bông trao cho các chị em mỗi người một ít, cách phân công như thế, tục người Cơ Tu gọi là chrây và bà khấn: Haroo t'mêê, k'bhêê chă đêệng; bịng zoong bịng đông; puôn ch'nắt ch'pắt ch'nêếh bịng gọ goi; tooi đớc hazi k'van k'bhố, crêê liêm... (Lúa mới đừng tổn hao; đong đầy kho; bốn miếng sáu hạt nở đầy nồi; rủ nhau về đây cho chúng tôi giàu no, yên lành). Khi đã thu hoạch xong, lúa thường được chia làm các phần: Một phần cất trong nhà dùng để ăn dần. Phần khác, cỡ 5-10 ang, cất một chỗ riêng trong kho lúa, để dành cho tới khi thu hoạch vụ sau. Chỉ khi gặp rủi ro như hỏa hoạn, ốm đau, cúng người vừa từ trần thì mới dùng tới, ngoài ra, cho dù có phải ăn măng, ăn sắn cũng không được dùng cho mục đích khác. Một phần nữa, được chọn ra từ những cây lúa sai hạt, hạt to, đều, chắc nhất để dành làm giống cho vụ sau. Phần còn lại chất vào kho. Kho- cr'lăng là một nhà sàn nhỏ và cao được làm bên cạnh nhà zuông (nhà tạm ở ngoài rẫy) trên rẫy, xa nhà ở có bếp lửa để tránh bị hỏa hoạn. Khi nào gia đình ăn hết phần lúa ở nhà mới mở kho lấy lúa. Công việc mở kho xưa nay có một tục lệ nghiêm nhặt: Người mở kho phải là một cụ bà, chủ của gia đình. Đây là một vinh dự của người phụ nữ Cơ Tu. Từ khi còn bé, cháu gái nào tỏ ra thông minh, lanh lẹ, có sức khỏe tốt và có biểu hiện siêng năng, chăm chỉ chịu khó làm ăn mới được bà chọn hướng dẫn thủ tục mở kho. Người phụ nữ nào được chọn mở kho lúa thì chỉ mỗi người đó thôi, không được thay thế người khác, trừ khi được ủy quyền trực tiếp. Thủ tục ủy quyền như sau: Sau khi cúng Giàng, thần cụ bà mở kho, hốt một nắm lúa nhỏ, vừa trao cho người mới vừa khấn: "Nâu acu p'giao ma- nứih l'lay xăl acu, lợng ca coon cu doó vêy pơn lơơng. Tơớp t'ngây đâu pacớt h'y brương a đoo ưn nâu pây haroo cóh cr'lăng, rơơm aô haroo oó capơn caxót, óo mút xó, x'xóot cơmoo h'tố hbớc lớh cơ moo đâu" (Nay trao cho người khác thay cho tôi, và con tôi, không ngại kẻ khác. Kể từ nay về sau người này được mở kho lấy lúa, mong hồn kho cho mở, hồn lúa đừng sợ mà bỏ đi. Cầu mong Giàng, thần phù hộ để mùa sau cũng bội thu hơn mùa này). Để mở kho lúa, vào ngày Đha (nhằm ngày mồng 8 âm lịch), cụ bà dậy từ rất sớm, tắm rửa sạch sẽ, mặc tấm h'đooh mới nhất, sạch sẽ nhất, lặng lẽ vào nhà Zuông và làm thủ tục cúng lúa mở kho. Lễ vật cúng đơn giản là nước trong và lá cây rừng (loại lá con người ăn được và sai quả nhất, thường là cây chôm chôm rừng (pơc)), khấn thần linh và hồn lúa xong bà lấy lúa trong kho ra tự giã và nấu cơm cho cả nhà. Tất nhiên bát cơm đầu tiên bà ăn trước để xin phép Giàng. Sau khi mọi thành viên trong nhà ăn xong, lúc này họ có thể xuất ra cả chục ang lúa nếp để nấu xôi (cơm lam, cơm nếp) để mời làng xóm ăn. Đó là ngày ăn mừng lúa mới của người Cơ Tu. Tục lệ cất và mở kho lúa của người Cơ Tu là một phong tục đẹp, cho chúng ta biết về tập quán "tích cốc, phòng cơ" của họ, vừa có tính giáo dục con người biết quý trọng thành quả lao động của mình. 

Tuy phải sống thiếu thốn, tự cung tự cấp giữa núi rừng, ăn uống dè xẻn nhưng người Cơ Tu lại rất nổi tiếng bởi tấm lòng thơm thảo. Người lỡ đường, kẻ bị nạn cạnh làng hay người có việc tạt ngang qua cũng được dân làng nuôi nấng tử tế. Người phụ nữ Cơ Tu luôn dành những món ngon nhất, bát cơm dẻo nhất hay phần thịt thú mới săn được cho khách vào làng. Cùng với phong tục đẹp, văn hóa ứng xử đầy tính nhân văn của người Cơ Tu vì vậy luôn được suy ngẫm, trân trọng và đáng quý.

ĐĂNG BÌNH