Dốc lòng cho năm học mới

Thứ sáu, 01/09/2023 07:54
Tích cực kêu gọi các nguồn lực xã hội trong việc đầu tư, trang cấp thiết bị dạy học tại các trường học, quan tâm đối với các đơn vị vùng khó; Triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm huy động học sinh trong độ tuổi đến trường; quyết tâm không để học sinh nào phải bỏ học vì hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn. Đó là một số trong những nhiệm vụ trọng tâm được Giám đốc Sở GD – ĐT tỉnh Quảng Trị Lê Thị Hương yêu cầu, nhấn mạnh cho toàn ngành trong triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học mới 2023-2024.
Hội Phụ nữ CAH Đakrông nâng bước đến trường cho trò nghèo.
Buổi tựu trường vui hội của HS xã Hướng Việt khi đón nhận quà SGK từ cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng.

Ngày khai giảng năm học mới đếm ngược từng ngày trên mọi miền quê Quảng Trị. Chứng kiến sự hồn nhiên, háo hức của học sinh (HS), thầy cô và phụ huynh ở những vùng khó với quyết tâm cao nhất để các con có một năm học đầy đủ, nhiều kết quả trên hành trình học “no” cái chữ, chinh phục tri thức ấy.

Nhìn lại năm học 2022-2023, tình trạng HS bỏ học ở vùng khó, vùng dân tộc thiểu số tại Quảng Trị vẫn cao hơn năm học trước, với 610 HS. Trong đó, THPT: 231; GDTX: 138, THCS: 225, Tiểu học: 16. Trong nỗ lực kéo HS trở lại trường, thầy cô và chính quyền đã vận động trở lại trường 35 em. Nguyên nhân thì có nhiều, bên cạnh điều kiện khó khăn còn có những lý do khách quan khác. Chính vì thế, ngay trước thềm năm học mới 2023 – 2024, ngành giáo dục Quảng Trị đã quán triệt triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm huy động HS trong độ tuổi đến trường, quyết tâm không để HS nào phải bỏ học vì hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn.

Trước ngày tựu trường, thầy cô đã phối hợp với lực lượng Biên phòng, Công an đến từng bản nắm tình hình và có sự hỗ trợ kịp thời. Trong hành trình đó, Hội Phụ nữ Công an H. Đakrông đã mang đến món quà và sự động viên ý nghĩa cho em Hồ Thị Sương (2011, trú khóm A Rồng, TT Krôngklang, H.Đakrông). Sương rất ham học nhưng hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Bố Sương gặp tai nạn lao động qua đời trước đó, nhà lại đông con, thu nhập gia đình chủ yếu vào nương rẫy và làm thuê. Để Sương yên tâm học tập tốt, các cán bộ nữ Công an H. Đakrông đã tặng cho Sương sách vở, đồ dùng và cả quần áo, tiếp tục đồng hành cùng em trên chặng đường học tập sắp tới. Cùng dịp này, Đồn Biên phòng Thuận (BĐBP Quảng Trị) qua kết nối, kêu gọi đã nhận được sự phối hợp của nhóm thiện nguyện đến từ Hà Nội tổ chức chương trình “Cõng sách lên non” và trao nhiều phần quà cho các trường học, HS trên địa bàn xã Thuận, H.Hướng Hóa. Qua đó, gần 100 bộ sách giáo khoa (SGK), 350 suất quà kịp đến với trò nghèo các trường THCS, Tiểu học và Mầm non Thuận. Trong rất nhiều tấm lòng vàng “nâng bước em đến trường” có cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt (H.Hướng Hóa). Đây là địa bàn biên giới, cách trung tâm huyện gần 70km, chủ yếu đồng bào Vân Kiều, đời sống nhiều thiếu thốn. Những năm học trước, cô Phụng đều kết nối các doanh nghiệp tài trợ đồ dùng học tập, sách vở, cặp đi học, áo ấm cho học sinh trị giá hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, hiện các đơn vị tài trợ gặp khó khăn trong khi có hơn 130 HS đang thiếu SGK, đặc biệt là các em khối 4 và khối 8 áp dụng SGK của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Trước tình hình này, cô Phụng đã quyết định dùng số tiền dành dụm được từ nguồn thu kinh doanh online hàng mỹ phẩm để tặng đủ 2.200 đầu SGK, đồ dùng học tập cho HS thân yêu. Ngày tựu trường vừa qua, HS xã Hướng Việt vui như hội đón quà từ cô giáo Phụng.

Hội Phụ nữ CAH Đakrông nâng bước đến trường cho trò nghèo.

Theo Sở GD – ĐT Quảng Trị, toàn tỉnh hiện có 399 cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Ngành Giáo dục Quảng Trị xác định năm học 2023 – 2024 với chủ đề là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo”. Cụ thể, thực hiện có hiệu quả phương châm “Lấy nhà trường làm nền tảng, lấy thầy cô giáo làm động lực và lấy HS làm trung tâm”. Đổi mới phương pháp dạy học, khắc phục bệnh thành tích trong đánh giá, xếp loại học sinh. Chú trọng giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống, truyền thống cách mạng, bảo đảm an toàn cho HS trong các trường học. Tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, SGK chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 cấp tiểu học; lớp 6, lớp 7, lớp 8 cấp THCS và lớp 10, lớp 11 cấp THPT đạt kết quả tốt. Xây mới, sửa chữa, nâng cấp trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học, tập huấn bồi dưỡng đội ngũ, bố trí đủ giáo viên dạy lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 10 và lớp 11; đặc biệt quan tâm bố trí đội ngũ dạy môn tiếng Anh, Tin học lớp 3 bắt buộc, khuyến khích dạy học tiếng Anh đối với lớp 1 và lớp 2...

Được biết năm học vừa qua (2022 – 2023), ngành Giáo dục Quảng Trị tuy gặp không ít khó khăn nhưng đã đạt nhiều thành tựu nổi bật. Trong đó, có 526 HS đạt giải cao tại Kỳ thi chọn HSG cấp tỉnh lớp 12 THPT; 7 tập thể, 25 giáo viên được khen thưởng có thành tích trong công tác bồi dưỡng HSG Quốc gia.

Trước thềm năm học mới 2023-2024, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch về triển khai thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm các nhà trường trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy đối với HS-SV ở trong, ngoài nhà trường. Phối hợp huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị chung tay tham gia công tác phòng, chống ma tuý nhằm tạo ra phong trào rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Sử dụng đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn ma túy tác động vào thế hệ trẻ và ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường, đặc biệt là các trường học thuộc địa bàn phức tạp về ma túy. Nhân rộng mô hình CLB “Học sinh phòng, chống ma túy”, CLB “Tuổi trẻ phòng, chống ma túy”, tăng cường tuyên truyền về các tác hại của ma túy, cách phát hiện và phòng tránh nghiện ma túy...

Bảo Hà