Đọc sách: Nguyễn Văn Xuân những tìm tòi và diễn giải lịch sử
NGUYỄN VĂN XUÂN NHỮNG TÌM TÒI VÀ DIỄN GIẢI LỊCH SỬ là tựa đề tập sách chuyên khảo của Vũ Đình Anh (chủ biên). Sách dày 300 trang, khổ 14x20,5cm, do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành (quý II-2021). Đây là cuốn sách được xuất bản nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhà văn, học giả, nhà giáo Nguyễn Văn Xuân (10-5-1921 - 10-5-2021).
Bìa sách "Nguyễn Văn Xuân những tìm tòi và diễn giải lịch sử". |
Theo lời giới thiệu, trong thời gian qua, dù đã có nhiều công trình, bài viết nhằm giới thiệu các tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân đến với độc giả, song các công trình này chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc sưu tầm, hệ thống và giới thiệu, phân tích một cách khái quát cuộc đời, sự nghiệp, một số tác phẩm hoặc nội dung chủ yếu. Nhiều giá tri, đóng góp của Nguyễn Văn Xuân trong suốt 70 năm cầm bút chưa thật sự được đầu tư nghiên cứu một cách đầy đủ và toàn diện. Vì vậy, công trình này mong muốn góp phần phục dựng bức tranh tương đối bao quát về các tác phẩm của ông từ góc nhìn lịch sử.
Ở phần 1 của tập sách, qua chủ đề "Học giả Nguyễn Văn Xuân những tìm tòi và diễn giải sử học", ban biên soạn thể hiện bao gồm các bài viết phân tích sâu về các vấn đề nghiên cứu lịch sử mà học giả Nguyễn Văn Xuân đã quan tâm nhắc đến trong các bài biên khảo hoặc các tác phẩm như: Vụ tai tiếng lớn nhất về ngoại thương Việt Nam giữa thế kỷ XVIII, Từ ngũ phụng tề phi đến ngũ phụng bất tề phi, Vai trò của giáo dục kịch nghệ, Khi những lưu dân trở lại, Vùng đất xứ Quảng từ điểm nhìn của Nguyễn Văn Xuân… Qua đó, ở bài viết "Vùng đất xứ Quảng từ điểm nhìn của Nguyễn Văn Xuân" nhóm tác giả Phan Văn Thám, Vũ Đình Anh, Dương Thanh Mừng nêu nhận định: "Nguyễn Văn Xuân luôn xem trọng từng hiện vật mà các thế hệ cha ông để lại. Từ những giá trị mang tính phổ quát cho đến những vấn đề nhỏ nhất như sổ ghi chép thu chi của các gia đình trong từng bữa ăn hàng ngày đều được ông chú trọng khai thác. Chính vì vậy các tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân vừa cho thấy sự gần gũi, gắn bó, tính bình dị vừa bao quát được những trạng thái đời sống thường nhật. Nét độc đáo trong các tác phẩm của ông khi viết về vùng đất xứ Quảng còn được thể hiện qua quan điểm, lập trường của người nghiên cứu. Với tư duy độc lập, cộng thêm "văn hóa cãi", Nguyễn Văn Xuân đã tự mình phản biện rất nhiều vấn đề ẩn khuất trong lịch sử. Để từ đó, đưa ra những lập luận và lý giải cũng như bổ sung các minh chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Có thể nói rằng, các nghiên cứu của ông về vùng đất xứ Quảng đã có được những dấu ấn độc đáo và đóng góp quan trọng".
Ở phần 2 của tập sách, qua chủ đề "Nhà văn Nguyễn Văn Xuân những tìm tòi và diễn giải hư cấu lịch sử" , ban biên soạn đã tập trung khảo sát một số tác phẩm truyện ngắn và tiểu thuyết chủ chốt của Nguyễn Văn Xuân như: Hương máu, Kỳ nữ họ Tống, Bão rừng, Dịch cát… Qua bài viết "Cảm thức lịch sử trong truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân", các tác giả Vũ Đình Anh, Nguyễn Quang Huy có đoạn: "Nguyễn Văn Xuân quan tâm tới lịch sử qua lời kể mà ông nghe được, bằng lối nhìn "của đứa trẻ con trong tâm hồn vừa hiếu kỳ vừa mơ mộng mà nghệ sĩ". Quan tâm tới lịch sử, tới anh hùng hay thân phận người dân, ông không miêu tả nó theo cách của sử gia, không nhìn từ trên cao, bên ngoài, mà ông xuất phát từ "con mắt dân chúng, của những diễn viên hoặc khán giả của chính lịch sử ấy". Ông quan tâm tới các chi tiết mà thông thường việc miêu tả sử về anh hùng, về nhân vật nổi tiếng thường bị/ được bỏ qua- những chi tiết của cuộc sống đời thường- những cái thường tình, gần gũi, những chi tiết thực với tâm lý con người: giận dữ, đa nghi, tàn ác, "kinh tởm", đớn hèn"…".
Đáng lưu ý, ở bài viết "Đọc lại truyện Dịch cát của Nguyễn Văn Xuân trong những ngày cả nước chung sức chống đại dịch", tác giả Vũ Đinh Anh cho hay: "Trong những ngày cả nước chung sức chống đại dịch COVID- -19, tôi chợt nhớ và tìm đọc lại tập truyện Dịch cát của cố nhà văn Nguyễn Văn Xuân", đồng thời, sau khi phân tích một số truyện ngắn điển hình ở tập truyện này, tác giả nhận định: "cái hay của Nguyễn Văn Xuân là dù viết về cái chết, sự cực khổ hay sự tàn ác của thiên nhiên, của con người nhưng lại không làm độc giả bi quan. Qua các tác phẩm, chúng ta vẫn cảm nhận được niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn, cho dù thực tại có đen tối như thế nào".
Khép lại tập sách, Vũ Đình Anh có bài viết "Bão lũ khắc nghiệt góp phần tôi luyện bản lĩnh con người xứ Quảng trong truyện ngắn Nguyễn Văn Xuân". Tác giả cho rằng, Nguyễn Văn Xuân rất thực tế, có lẽ vậy, nên thiên nhiên trong văn chương ông ít có cảnh sơn thủy hữu tình để con người đắm mình trong vẻ đẹp của trời đất. Thiên nhiên trong tác phẩm của ông luôn ẩn chứa sự khắc nghiệt, sự dữ dội với nhiều mối đe dọa. Mà trong đó, cảnh bão lũ là nổi bật, xảy ra liên miên, không chỉ thiệt hại về mùa màng, tài sản mà cả tính mạng con người, Qua đó, tác giả dẫn chứng chi tiết một số truyện ngắn như: Cây đa đồn cũ, Xóm mới, Một cuộc du lịch hơi kỳ, Ngày cuối năm trên đảo… với những cảnh tượng "nước lụt đục ngầu, bọt nổi trắng xóa, đổ xuống như thác reo suốt đêm dưới sông", "không còn dấu vết nào của một dãy nhà mới hôm qua còn đứng hiên ngang, che chở cả trăm người đầy hy vọng tin yêu", "tiếng cây đổ, nhà nát lẫn với tiếng la hét ở gần bờ"… Tuy nhiên, tác giả cho rằng: "Song, cái hay của Nguyễn Văn Xuân là dù viết về thực tại khốc liệt nhưng con người luôn có bản lĩnh để vươn lên".
Vũ Đình Anh (sinh năm 1981), hiện là giảng viên khoa Văn hóa và phát triển, Học viện chính trị khu vực III. Trong quá trình, sưu tập tìm kiếm tài liệu để thực hiện tập sách chuyên khảo về Nguyễn Văn Xuân, tác giả Vũ Đình Anh còn phát hiện được nhiều truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân in từ trước 1945 ở Tiểu thuyết thứ bảy cùng một số nơi khác, chưa từng công bố đến thời điểm hiện nay. Số lượng các truyện ngắn này đủ in một tập sách mới. Anh hy vọng, nếu có điều kiện thuận lợi, anh sẽ chính thức giới thiệu công bố tuyển tập mới này trong thời gian đến.
Trần Trung Sáng