Đọc tự truyện "đi tìm vầng mặt trời"
Mở đầu "Đi tìm vầng mặt trời" (NXB Thuận Hóa, 2019), tác giả Dương Hiền đặt câu hỏi: "Số phận là ông trời ban cho ta, hay chính ta có thể tạo nên số phận của riêng mình?". Câu trả lời nằm ngay trong những trang được viết dưới dạng tự truyện này. Với trí tò mò vốn có, tôi đã đọc gần như một mạch "Đi tìm vầng mặt trời". Những mẫu chuyện nhỏ liên hoàn được sắp xếp theo thứ tự thời gian đã dắt dẫn tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Bìa tự truyện "Đi tìm vầng mặt trời". |
Thông thường người ta viết tự truyện khi tuổi tác đã cao. Nhưng tác giả Dương Hiền chưa qua cái ngưỡng bốn mươi. Ấy thế mà dường như chị đã nắm chắc những gì sẽ diễn ra trong tương lai. Bởi hơn ai hết chị tin như đinh đóng cột rằng "chính ta có thể tạo nên số phận của riêng mình" dù phải trải qua nhiều chông gai, đôi khi phải rơi nước mắt. Con cái vốn thừa hưởng những đức tính tốt đẹp từ ông bà, cha mẹ. Người mà Dương Hiền hết sức kính phục là cha chị. Ông có niềm đam mê đọc sách. "Ông mê đến mức nếu có được một cuốn sách hay có thể quên ăn để đọc nó". Ông lại có tài kể chuyện. Những ai từng nghe ông kể lại nội dung cuốn sách ông vừa đọc đều "khó thể dứt ra được". Ông đã truyền cho cô con gái "rượu" của mình cái bí quyết này chăng? Người có ảnh hưởng đặc biệt đến tính cách sau này của Dương Hiền chính là mẹ chị. Dương Hiền viết trong nước mắt: "Ba bệnh nằm một chỗ, mẹ vừa đi làm vừa phải chăm ba... Cuộc sống cơ cực chồng chất lên đôi vai gầy của mẹ, cướp trọn vẹn nhan sắc của một người phụ nữ tuổi còn xuân". Chị đã học được ở mẹ đức hy sinh và tính kiên trì, chịu thương chịu khó: "Không còn ba, mẹ phải vừa làm mẹ vừa làm bố và bắt đầu tập tành gánh vác những việc nặng của đàn ông. Mẹ đi cày ruộng...". Nhưng với tính cách "ương bướng" của mình, đã không ít lần chị "lý sự" với mẹ, không nghe theo lời khuyên của mẹ, trốn mẹ... để thực hiện bằng được khát vọng "đi tìm vầng mặt trời" của mình.
Nhớ về tuổi thơ, tác giả tự nhận "tôi là đứa con gái tọc mạch, bướng bĩnh ngay từ nhỏ". Cũng ngay từ nhỏ chị đã có niềm đam mê nghệ thuật: "Ba tuổi, tôi đã biết vẽ và nặn đất sét. Say mê mỹ thuật đến mức người lớn ngạc nhiên và ngỡ tôi là một ''hiện tượng''. Chị đã trải qua những năm tháng tuổi thơ đau buồn nhất, cơ cực nhất: "Thế là ba tôi đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 37, mẹ tôi góa chồng ở tuổi 33. Anh trai tôi học lớp ba, và tôi mới học lớp một. Trên mái đầu thơ dại đã sớm phải mang vành khăn tang. Cuộc sống bỗng trôi qua từng ngày dài chậm chạp. Một buổi đi học, buổi còn lại chị đi hái rau, bắt ốc". Chị vô cùng xót xa chứng kiến cảnh con chó mực mà mẹ chị phải đứt ruột bán đi để có tiền trả nợ. Người mua trói nó, vứt nó lên xe và mang nó đi. "Đôi mắt nó mở to nhìn chúng tôi bàng hoàng ngơ ngác, đau khổ và oán trách". Cũng từ giây phút ấy, trong chị đã hình thành nên một bản lĩnh khác thường. Chị tự nhủ: Phải quyết tâm học hành để thoát khỏi cảnh đói nghèo. Chị tự ý đi thi chuyển cấp, bất chấp lời can ngăn của mẹ. Trúng tuyển, nhưng biết chắc mình sẽ không được cắp sách đến trường như các bạn, chị tuyệt vọng viết "Lời trăn trối muộn màng", với khổ kết: Thế là hết, đời ta thôi bớt mộng/ Hoài bão gì giờ ta hết trông mong/ Hãy sống tiếp tháng ngày dài chán ngắt/ Và quên đi những ảo tưởng cầu vồng".. Nhưng Dương Hiền quyết không đầu hàng. Chị tìm đủ lý do thuyết phục mẹ cho mình đi học bằng được. Khi mẹ chị miễn cưỡng chiều theo nguyện vọng tha thiết của chị. Tốt nghiệp cấp 3, chị lại làm một cuộc phiêu lưu tiếp là ấp ủ giấc mơ trở thành sinh viên đại học. Để có tiền đi thi, hàng ngày chị phải chăm nuôi đàn lợn, chị phải vào Nam làm thuê, rồi làm nhân viên phục vụ nhà hàng... Lăn lộn với thực tế cuộc sống, Dương Hiền nghiệm ra rằng: "Bằng cấp quan trọng, nhưng thành công đôi khi không hẳn chỉ nằm ở cái bằng đại học".
Chị vào Huế thuê phòng trọ, tìm việc làm. Cơ duyên đã đưa chị đến với ngành bưu điện. Sau mấy cuộc "đấu đá" với bà Cao Minh Hằng- người đàn bà "tham lam, quỷ quyệt, độc đoán", chị quyết chí trở thành "cô chủ nhỏ". Và chị đã toại nguyện! Ngày 28-8-2008 BƯU ĐIỆN MẶT TRỜI do Dương Hiền làm chủ chính thức ra đời, đánh dấu một sự kiện trọng đại trong cuộc đời của một đứa con gái "bước ra từ chốn quê mùa". Khi đã trở thành "cô chủ nhỏ", Dương Hiền mới tính đến chuyện lập gia đình. Đau khổ chia tay với Điệp- mối tình đầu đầy thơ mộng, từ chối "người tình tuyệt vời" Hoàng Kim Bình, chạy trốn người tình tốt bụng Thiện Minh... Chị chấp nhận lấy cái anh chàng yêu chị đến mức đóng cửa khóc đúng 3 ngày chỉ vì chị dọa "cắt đứt". Dương Hiền yêu đương cũng không giống ai: ngang ngạnh, ương bướng, mạnh mẽ và dứt khoát. Có lẽ vì thế mà các đấng mày râu trong "Đi tìm vầng mặt trời" đều bị chị làm cho điên đảo. Hiện tại, chị đã có một mái ấm gia đình tạm gọi là hạnh phúc, cái hạnh phúc do chị tự mình khổ công tìm kiếm chứ không phải từ trên trời rơi xuống.
"Đi tìm vầng mặt trời" được viết bằng một lối văn giản dị, dân dã, chân thực. Dương Hiền từng có một số truyện ngắn, bài viết đăng rải rác trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Do vậy, hành văn của chị khá lưu loát, bố cục chặt chẽ, câu chữ chọn lọc. Người ta nói "văn là người", điều đó rất đúng với Dương Hiền. Văn chị đôi chỗ cũng ngang bướng, mạnh mẽ, "đáo để" như tính cách ngoài đời của chị. Gấp lại "Đi tìm vầng mặt trời", tôi càng thấm thía câu thơ của Đại thi hào Nguyễn Du: "Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều"!
Mai Văn Hoan