Đội "đặc nhiệm" trên hồ thủy điện Sông Tranh 3

Thứ sáu, 20/03/2020 20:00

Sau khi hồ thủy điện Sông Tranh 3 (xã Tiên Lãnh, H. Tiên Phước, Quảng Nam) tích nước, nhận định "lâm tặc" sẽ lợi dụng đường thủy để hoạt động nên Đội bảo vệ môi trường rừng (BVMTR) tại các tiểu khu (TK) 556, 557 thuộc rừng phòng hộ (RPH) Tiên Lãnh tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng trên lòng hồ và thu được nhiều kết quả tích cực.

Các thành viên Đội BVMTR tại TK 557 tuần tra trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 3.

Một ngày đẹp trời giữa tháng 3, chúng tôi có dịp cùng Đội BVMTR tại TK 557 tuần tra trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 3. Như đã hẹn trước, từ sáng sớm chúng tôi có mặt tại bờ hồ thủy điện đợi các thành viên trong Đội BVMTR đến. Chiếc ghe đủ chỗ cho 10 người lướt sóng thẳng tiến về thượng nguồn RPH Tiên Lãnh. Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Ngọc Sơn (63 tuổi), thành viên Đội BVMTR cho hay, cuối năm 2018 hồ thủy điện Sông Tranh 3 tích nước đi vào hoạt động. Tuy nhiên, nhận định "lâm tặc" sẽ lợi dụng đường thủy để tàn phá khu rừng nên công tác tuần tra, bảo vệ rừng trên lòng hồ được chú trọng. Mặt khác, lòng hồ tích nước cũng có nhiều thuận lợi trong công tác bảo vệ rừng. Nếu di chuyển bằng ghe lên đầu nguồn khu rừng chỉ mất khoảng 40 phút, trước đây lội bộ băng rừng phải mất gần 4 giờ mới đến nơi. Nhờ vậy, công tác tuần tra, bảo vệ rừng được triển khai thường xuyên. Nhất là khi Cty thủy điện Sông Tranh 3 bắt đầu chi trả dịch vụ BVMTR từ tháng 7-2019 thì công tác tuần tra, kiểm soát khu rừng được giao khoán bảo vệ càng được siết chặt hơn.

"Đội BVMTR tại TK 557 gồm có 5 thành viên đều là những người dân địa phương có tâm huyết trong việc bảo vệ rừng. Các thành viên đều nêu cao trách nhiệm trong công việc, cứ 2-3 ngày thì đội sẽ đi tuần tra rừng 1 lần. Ngoài ra, các thành viên cũng thông báo với người dân đánh cá trên lòng hồ khi phát hiện các đối tượng lạ mặt tiếp cận khu rừng liền gọi báo để đội kịp thời đến kiểm tra, xử lý. Nhờ vậy, công tác bảo vệ rừng trong thời gian qua được giữ vững"- ông Sơn tâm sự.

Đội BVMTR tại TK 557 tuần tra khu rừng.

Chỉ tay về những triền đồi được phủ xanh bằng cây keo, ông Sơn thông tin thêm, cuối năm 2017, có hàng trăm héc-ta RPH Tiên Lãnh bị "lâm tặc" tàn phá, sau đó người dân đã xâm lấn lấy đất trồng cây keo. Sau khi sự việc bị các cơ quan báo chí phanh phui, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam khẩn trương vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm. Theo đó, vị Chủ tịch Ủy ban xã và cán bộ địa chính xã Tiên Lãnh bị cách chức vì đã buông lỏng trong công tác quản lý bảo vệ rừng, nhiều cá nhân cũng bị kỷ luật cảnh cáo. Riêng về cán bộ kiểm lâm địa bàn và 2 đối tượng phá rừng cũng đã bị đưa ra truy tố xét xử trước pháp luật. Kể từ đó, chính quyền địa phương rất quan tâm, chủ động xây dựng nhiều kế hoạch tuần tra bảo vệ rừng, nghiêm cấm mọi hành vi đốn hạ cây keo trong khu vực RPH.

Gần 40 phút lênh đênh trên hồ, chúng tôi đã đến đầu nguồn khu RPH Tiên Lãnh. Sau đó, chúng tôi chuẩn bị ít lương thực và nước uống theo chân Đội BVMTR tuần tra rừng tại TK 557. Sau gần 2 giờ tuần tra, chúng tôi cảm nhận được nét nguyên sinh ở khu rừng, nhiều cây gỗ cổ thụ mấy người ôm không xuể vẫn đua nhanh tranh ánh sáng. Ngồi nghỉ chân tại con suối nhỏ, anh Lâm Văn Hoài (38 tuổi), Đội trưởng Đội BVMTR TK 557 chia sẻ, đội được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng tại TK 557 với tổng diện tích gần 500 ha. Nhiệm vụ của đội là tuần tra, bảo vệ hiện trạng khu rừng, nếu phát hiện các đối tượng khả nghi đến khu rừng thì nhắc nhở, mời ra khỏi rừng, đồng thời báo cáo sự việc lên UBND xã nắm. "Trong những chuyến tuần tra, chúng tôi phát hiện nhiều đối tượng lạ mặt tiếp cận những cây gỗ cổ thụ liền "áp giải" ra khỏi khu rừng. Để bảo vệ đa dạng sinh học, đội nghiêm cấm tuyệt đối các hành vi săn bắt động vật, hái lan trong rừng. Nhờ vậy, hệ sinh thái động vật cũng được bảo tồn và nhân đàn. Trước đây, khu vực này có gần 20 cá thể khỉ cư trú, nay số lượng đã đạt gần 40 con. Ngoài ra các động vật như: mang, nhím, gà lôi, chim trĩ... cũng đang phát triển rất nhanh"- anh Hoài phấn khởi tâm sự.

Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh Bùi Sang cho hay, vụ phá RPH Tiên Lãnh năm 2017 cho thấy lỗ hổng rất lớn trong công tác bảo vệ rừng của địa phương. Sau vụ việc này, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác bảo vệ rừng, kết hợp với các tổ giao khoán thường xuyên tuần tra bảo vệ khu rừng. Khi Cty thủy điện Sông Tranh 3 thực hiện chi trả dịch vụ BVMTR, Ủy ban xã đã thành lập 2 đội bảo vệ rừng tại TK 556 và 557 với diện tích 1.000 héc-ta. "Các Đội BVMTR hoạt động rất tốt, nhất là công tác tuần tra kiểm soát trên lòng hồ được triển khai rất hiệu quả. Hàng tháng, Ủy ban xã sẽ tổ chức buổi họp nghe các đội báo cáo về hiện trạng khu rừng được giao bảo vệ, đề xuất các biện pháp hiệu quả trong việc bảo vệ rừng. Để các thành viên trong các Đội BVMTR bám rừng phát triển sinh kế bền vững, Ủy ban xã đang lập kết hoạch, triển khai đề án trồng xen cây dược liệu dưới tán rừng và hỗ trợ nuôi cá lồng bè trên lòng hồ theo chủ trương của UBND huyện"- ông Sang trao đổi.

LÊ VƯƠNG