Đôi điều về diện mạo văn học Đà Nẵng sau 1975

Thứ năm, 19/12/2024 14:52

Nối tiếp truyền thống hiếu học và văn học của vùng đất "Ngũ phụng tề phi" Quảng Nam - Đà Nẵng, 50 năm qua, các thế hệ nhà văn Đà Nẵng, đặc biệt là lớp nhà văn lão thành giàu kinh nghiệm sáng tác từ chiến tranh và các nhà văn trẻ sau Đổi mới 1986 năng động, nhiệt tâm, xông xáo, luôn gần gũi, gắn bó, động viên nhau cùng đi tiếp trên con đường sáng tạo văn chương nhọc nhằn mà cũng nhiều đam mê, hạnh phúc trên từng trang viết.

Một số tác phẩm văn học Đà Nẵng sau năm 1975.
Hội thảo "Nhà văn và con đường đưa tác phẩm văn học đến với bạn đọc" - Hội Nhà văn Đà Nẵng, tháng 8-2024. Ảnh: A.Đ

Văn học phát triển đa dạng, phong phú

50 năm qua, nhiều tác phẩm của các tác giả là hội viên Hội Nhà văn TP Đà Nẵng (thành lập trên cơ sở Chi hội Văn học thuộc Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, P.V) thường xuyên và liên tục ra mắt bạn đọc xa gần với nhiều tác phẩm có sức lan tỏa rộng rãi, được trao tặng nhiều Giải thưởng Văn học quốc tế, quốc gia… với các tên tuổi được bạn đọc ghi nhận như các nhà văn Phan Tứ, Hoàng Châu Ký, Thu Bồn - Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT; Lưu Trùng Dương, Thái Bá Lợi, Thanh Quế - Giải thưởng Nhà nước về VHNT, nhà văn Vĩnh Quyền - Giải thưởng Văn học ASEAN 2021 cho tiểu thuyết "Trong vô tận" (tiểu thuyết cũng đã đoạt giải Nhì tiểu thuyết giai đoạn 2016 -2019 của Hội Nhà văn Việt Nam)…

Những tác phẩm có giá trị văn học, được dư luận bạn đọc đánh giá cao và từng được trao tặng các giải thưởng quốc tế (Văn học ASEAN, Văn học Sông Mê Kông), quốc gia (Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương, VHNT định kỳ 5 năm và hàng năm các tỉnh thành…) và Thành phố (Giải thưởng VHNT định kỳ 5 năm của UBND TP Đà Nẵng, giải thưởng hàng năm của Liên hiệp VHNT và Hội Nhà văn TP) của các tác giả là hội viên Hội Nhà văn đã được Hội Nhà văn Đà Nẵng tập hợp biên soạn, giới thiệu khá phong phú, đầy đủ trong Tuyển tập "Hội Nhà văn Đà Nẵng - Tác phẩm đoạt Giải 2001 - 2021" (NXB Đà Nẵng, 2022) với 26 tác giả thơ và 19 tác giả văn xuôi tiêu biểu. Về văn là các tác phẩm chọn lọc của Bùi Công Dụng, Nguyễn Thị Anh Đào, Đỗ Xuân Đồng, Quế Hương, Lê Khôi, Phan Thu Loan, Đà Linh, Thái Bá Lợi, Bùi Tự Lực, Hoàng Minh Nhân, Nguyễn Đông Nhật, Phạm Phát, Vĩnh Quyền, Trần Trung Sáng, Nguyễn Thị Thu Sương, Bùi Văn Tiếng, Trương Điện Thắng, Nguyễn Văn Xuân, Đoàn Xoa. Và thơ tuyển từ các tác giả Hồ Sĩ Bình, Lưu Trùng Dương, Lê Anh Dũng, Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Kim Huy, Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Nho Khiêm, Phụng Lam, Vạn Lộc, H'man, Võ Kim Ngân, Trương Văn Ngọc, Phan Hoàng Phương, Mai Hữu Phước, Thanh Quế, Thụy Sơn, Nguyễn Văn Tám, Trần Trúc Tâm, Nguyễn Hoàng Thọ, Hoàng Tư Thiện, Đinh Thị Như Thúy, Hoàng Tư Thiện, Nguyễn Nhã Tiên, Trần Tuấn, Ngân Vịnh, Bùi Xuân…

Những năm qua, mặc dù tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động, chiến tranh thiên tai dịch bệnh dồn dập liên miên; đời sống bị nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là chính trị kinh tế và các phương tiện văn hóa giải trí từ công nghệ thông tin ngày càng phát triển chi phối cạnh tranh quyết liệt, nhưng ngọn lửa đam mê sáng tác văn chương luôn tiếp tục được duy trì thường xuyên trong hầu hết các hội viên Hội Nhà văn TP Đà Nẵng với từ 10 đến 18 tác phẩm văn thơ được xuất bản giới thiệu hàng năm, nhiều tác phẩm được bạn đọc rộng rãi đón nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, rất đáng ghi nhận sự sáng tạo tác phẩm thường xuyên, bền bỉ, mang hơi thở và sức sống thời đại mới rất rõ của các tác giả Đà Nẵng (đa số là hội viên đang độ sung sức, tươi trẻ): Lệ Hằng, Vũ Ngọc Giao, Trần Ngọc Đức, Nguyễn Thị Thu Thủy, Trương Thị Bách Mỵ, Lê Hải Kỳ, Đoàn Hạo Lương, Trần Thiên Hương …

Sự nỗ lực không ngừng để sáng tạo nên các tác phẩm văn học như trên đã phần nào khắc họa được diện mạo văn học khá phong phú, đa dạng cả về nội dung lẫn thể loại của các thế hệ nhà văn TP Đà Nẵng, là những dẫn chứng sinh động cho niềm say mê văn chương cùng những nỗ lực không ngừng trên con đường sáng tạo văn học của các nhà văn Đà Nẵng và Hội Nhà văn Đà Nẵng trong năm năm qua

Một số tác phẩm văn học Đà Nẵng sau năm 1975.

Còn khiêm tốn các tác phẩm có tiếng vang

Tuy nhiên, có thể thấy một thực trạng là, các nhà văn Đà Nẵng hiện nay, đặc biệt là thế hệ các nhà văn trẻ sau 1986, dù được đào tạo bài bản, có ý thức đọc và học, đi và viết, nhưng thực sự trong tình hình mới này, trước những biến chuyển lớn lao mọi mặt và tác động dữ dội của cuộc sống hiện đại với những vấn đề gay gắt nổi lên dồn dập mỗi ngày, dường như thường chỉ muốn viết một cách tự do, ngẫu hứng, theo sự yêu thích và mong muốn mơ ước riêng của mình. Điều đó thể hiện rất rõ trong một số tác phẩm của họ, ngay cả ở những tác phẩm tưởng như thành công khi có được sự giới thiệu, hoan nghênh rộng rãi của dư luận bạn đọc, nhưng lại rất sớm đi vào lãng quên. Mặt khác, có cảm giác không nhiều các nhà văn hiện nay dám chịu xông xáo vào cuộc sống, ghi nhận kịp thời mọi biến động của đời sống xã hội đang đổi thay lớn lao dữ dội từng ngày từng giờ để đưa vào trang viết. Những vấn đề hiện tại của cuộc sống thường được các nhà văn Đà Nẵng sử dụng một thể loại thích hợp hơn: bút ký. Nhưng, như nhiều bạn đọc nhận định, các bút ký của các tác giả Đà Nẵng khá… nhẹ nhàng, thiên về ca ngợi, hoặc thậm chí viết theo phong trào, cuộc thi với những đề tài đã được ấn định sẵn, khó gây được ấn tượng mạnh mẽ với người đọc vì thiếu các vấn đề gai góc đang nổi cộm lên từ cuộc sống thường ngày. Và vì thế khó có sức sống lâu dài cùng thời gian.

Một khuynh hướng sáng tác có thể do quan niệm nghệ thuật kinh điển ảnh hưởng khá sâu đến các nhà văn Đà Nẵng là thường đầu tư viết về những vấn đề vĩ mô, có tính nhân văn cao cả, có chiều sâu triết học và chiều rộng rung cảm bao la. Nhiều tác phẩm theo khuynh hướng này đã rất thành công, nhưng không ít tác phẩm cần một thời gian dài để hiểu, để nhận ra giá trị hoặc rất cần sự chỉ dẫn phân giải của các nhà phê bình văn học, một điều đang là hiếm hoi trong thực trạng văn học cả nước hiện nay. Và nó cũng giải thích vì sao Văn học Đà Nẵng hiện tại ngoài một số tác phẩm công phu, hình như còn thiếu dấu vết sôi động nóng bỏng của cuộc sống, ít có bóng dáng những tác phẩm gây tiếng vang, tạo nên dư luận xôn xao như ở các vùng văn học khác.

Đi, tự nguyện lao vào, dấn thân vào cuộc sống, rút tỉa từ chính cuộc sống với những vấn đề nóng bỏng của nó để viết, chúng ta mới có thể hy vọng vào sức sống sâu rộng và sự lan tỏa bền lâu của những tác phẩm các nhà văn Đà Nẵng để lại cho tương lai!

Với sự kế thừa một truyền thống Văn học quý giá và với những tiềm năng, triển vọng đã, đang có, bạn đọc có thể hy vọng thời gian đến, phong trào VHNT nói chung, sáng tác Văn học nói riêng của các Nhà văn Đà Nẵng, Hội Nhà văn TP Đà Nẵng sẽ có một bước phát triển mới, bứt phá hơn nữa để vươn đến đỉnh cao xứng tầm với sự phát triển mọi mặt của thành phố, đất nước.

Nguyễn Kim Huy