Đôi điều về những clip hài trên mạng xã hội
Với tốc độ phát triển, lan truyền đến chóng mặt của mạng xã hội (MXH) như hiện nay, từng phút từng giờ, ở bất cứ đâu trên các phương tiện từ máy vi tính, đến máy tính bảng và đặc biệt là điện thoại thông minh, qua MXH người ta có thể xem được vô số thông tin từ văn hóa nghệ thuật đến tin tức, sự kiện. Và trong số đó có không ít các clip hài có xuất xứ trong nước lẫn ngoài nước, từ những “diễn viên” vô danh, nghiệp dư đến diễn viên hài có tên tuổi của nước nhà trên nhiều nền tảng MXH.
Nhìn chung, các clip, tiểu phẩm hài trên các nền tảng MXH đem lại cho mọi người tiếng cười sự sảng khoái, những giây phút thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, mục tiêu giải trí đơn thuần thì cũng là mặt tích cực của MXH. Tuy nhiên cần hiểu, hài không không đơn thuần chỉ để mua vui, giải trí, chọc cười vô thưởng vô phạt, những cách lấy tiếng cười nhạt nhẽo, thậm chí là vi phạm thuần phong mỹ tục, phân biệt giới tính, vùng miền, không mang tính giáo dục, đặc biệt là đối với đối tượng là giới trẻ còn ngồi dưới mái trường. Có những nội dung nếu nói là phi giáo dục, phản giáo dục cũng không sai lắm. Đó là những nội dung cần bị phê phán, ngăn chặn, không để nó lan tỏa trong cộng đồng mạng nếu trong tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý về các nền tảng MXH. Hoặc ít ra người lớn cũng nên có biện pháp hạn chế để không cho con em mình tiếp xúc một cách thoải mái, vô tư với những clip thiếu tính giáo dục đó trên MXH.
Có một thực tế là trẻ em hiện nay, không ít những cháu tuy mới “chập chững” vào đời, thậm chí chỉ mới ở lứa tuổi mầm non đã biết sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng để lướt mạng. Và không ít phụ huynh đã “trông trẻ” bằng cách cho con em mình cái smartphone để lo làm ăn, lo chuyện riêng... Trong khi đó, theo dõi trên MXH như Facebook, TikTok không khó bắt gặp các clip hài rẻ tiền, dung tục, hoặc không phù hợp với lứa tuổi thiếu niên nhi đồng.
Rất nhiều trang mạng nước ngoài, đơn cử như Facebook có những clip mà ở đó nhân vật trẻ em là đứa trẻ ranh mãnh, láu cá, chuyên giở các chiêu trò để đánh lừa người lớn và coi đó là những câu chuyện vui. Còn trong nước, ngay cả một số trên trang của nghệ sĩ tên tuổi như Cường cá, Thái Sơn, Trung ruồi, thỉnh thoảng cũng bắt gặp những clip có nhân vật trẻ em tham gia câu chuyện của người lớn với những vai diễn không “trẻ con” chút nào. Đơn cử như cách đây chưa lâu, trên trang Facebook của diễn viên Trung ruồi, có một chi tiết theo người viết là phản cảm và không có tính giáo dục với trẻ em. Đó là hình ảnh người mẹ, khi truy tìm “thủ phạm” vẽ bậy lên con mèo cưng của mình đã gọi chồng và cậu con trai ra truy hỏi. Hai bố con xếp hàng như tội phạm trước mặt người mẹ và cô này nói rằng: “Trong 2 thằng này, thằng nào là thủ phạm?”. Thế rồi 2 bố con đồng loạt chỉ tay vào nhau. Đoạn kết là hình ảnh 2 bố con, nhân lúc mẹ ngủ đã bôi vẽ lên mặt của cô này với những đường nét hài hước. Thiết nghĩ, người lớn với nhau mà vợ gọi chồng là “thằng” đã là thiếu văn hóa rồi, đằng này có cả trẻ con mà người mẹ kêu cả 2 bố con là “thằng” thì quả là quá phản cảm! Tuy chỉ là một clip hài nhưng nó ít nhiều sẽ làm hư con trẻ bởi chính người lớn, và hình ảnh của người mẹ, người vợ cũng rất xấu. Ngoài clip này, thỉnh thoảng, vẫn có thể bắt gặp những clip mà nội dung lấy trẻ em ra làm trò cười thông qua những hành vi mang tính láu cá, được người lớn cổ súy, thâm chí là khen ngợi...
Có thể sẽ có người cho rằng người viết khó tính, xem các clip kia chỉ để giải trí đơn thuần, không nên quá nghiêm khắc như vậy. Nhưng dù sao cũng cần nhìn nhận, đánh giá câu chuyện này một cách nghiêm túc. Tất cả cũng chỉ để thế hệ tương lai của đất nước nên người trong môi trường phức tạp của thời đại chuyển đổi số, để các em sống đúng bản chất với lứa tuổi của mình, lễ phép, thông minh nhưng không láu cá, ranh mãnh ngay từ khi còn nhỏ bởi sự dung dưỡng, dễ dãi của người lớn.
Dân Hùng