Đôi mắt Làng Vòng
Trước đây tôi đã đến Hà Nội nhiều lần qua những chuyến công tác nhưng mỗi lần chỉ được vài ngày. Những chuyến đi như thế có thể giúp tôi nhận diện Hà Nội qua những điều đã biết từ truyền thông, nhất là từ những ca khúc về Hà Nội mà tôi yêu thích. Một Hà Nội hấp dẫn, quyến rũ, niềm tin và hy vọng như bao người cảm nhận về Hà Nội thôi. Cùng Hà Nội những ngày mùa thu cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ (Nhớ mùa Thu Hà Nội - Trịnh Công Sơn), tôi thường lang thang để tìm mua bánh cốm làng Vòng về làm quà.
Sau này, cơ quan cho tôi đi học, ở trọ gần trường Đại học Sư phạm, có thời gian, lại tiện đường, tôi đến thăm làng Vòng. Làng Vòng nay thuộc phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội. Chính xác làng Vòng thuộc thôn Hậu, lọt thỏm giữa một đường vòng tròn các thôn làng khác.
Trước cổng làng Vòng tôi gặp ngay vài hộ đon đả mời khách mua cốm. Tình cờ tôi theo chân một cô gái vào trong làng, nghe được câu chuyện người làng Vòng tình cờ làm cốm. Chuyện là: vào một mùa thu cách đây cả ngàn năm, khi lúa bắt đầu uốn câu thì trời đổ mưa to, gió lớn, đê vỡ, ruộng lúa cao nhất đồng cũng chìm nghỉm. Người làng Vòng đành mò cắt những bông lúa còn non đem về rang khô, ăn dần, chống đói. Không ngờ cái sản phẩm ấy lại có hương vị riêng, rất hấp dẫn, khiến người làng Vòng thường hay làm để ăn chơi mỗi khi mùa thu đến. Cứ mỗi lần làm là một lần rút kinh nghiệm, sáng tạo thêm nên hạt cốm ngày càng xanh, càng mỏng, càng dẻo, càng thơm. Cô gái kể chuyện xưa với giọng truyền thuyết và đôi mắt thần thái. Tôi nhìn đôi mắt ấy, hình như màu xanh cốm!
Có tiếng máy chạy tưởng như lạc vào một làng làm cơ khí, cô gái giải thích, ngày xưa làm thủ công từ tuốt lúa rang giã sàng... bây giờ làm bằng máy cả. À, thì ra! Cô gái còn bảo, ngày xưa đường làng thơm mùi lúa nếp, lại vui tai với tiếng chày giã cốm, chừ lên phố rồi, ruộng đồng hẹp dần nhưng lại có mùi hương khác, lại có cái vui khác. Hoài niệm mà không nuối tiếc, đáng yêu làm sao!
Trong tôi trào dâng một cảm xúc kỳ lạ, một ý thơ chăng? Tôi về làng Vòng đương mùa xanh cốm chết sững mắt em đôi mắt vê tròn ngàn năm thu Hà Nội, mở toang đôi mắt ấy những dự cảm cánh đồng sóng chao ngút mắt ngọn nồm, lúa đương thì cắc cớ niềm vui chắc hạt, nếp cái hoa vàng trổ mã sắc hương, choàng lên đôi mắt ấy sen hồ nõn mượt mùa hoa những chiếc ô xanh che mát ánh nhìn.
Tôi cầm gói cốm được gói bằng lá sen thơm ngát, một gói cốm mùa thu chính hiệu, đưa lên mũi hít hà. Cô gái nhìn tôi cười, nụ cười chân chất thuần thiện. Tôi buột miệng khen gói cốm đẹp quá, thơm quá. Tưởng khen mình, đôi má cô gái hồng lên, ngỡ như cô đang đứng cạnh lò rang cốm vậy!
Cô gái đưa tôi về nhà xem gia đình cô làm cốm, yêu cầu của tôi đã được toại nguyện. Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ, cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua…/ chỉ nghe loáng thoáng mà đã rưng rức lòng người rồi huống hồ được tận mắt thấy, được tận tai nghe những người làm ra cốm nói về tình yêu cuộc sống của họ gắn với đời cốm.
Tình yêu của tôi dành cho một gia đình nhỏ chẳng biết đến từ lúc nào, trái tim bỗng nhiên mở lời. Tôi về làng Vòng một chiều xanh ngắt loãng hồn trong mắt em đôi mắt thôi miên ngờm ngợp sắc trời Hà Nội mặc nhiên trong đôi mắt ấy dáng mẹ dáng cha tảo tần bao sương mấy nắng cưu mang chăm chút cho em nên hình nên vóc.
"Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm/ Chả biết tay ai làm lá sen" (Nguyên Sa).
Tôi yêu công việc của họ, cần mẫn tỉ mỉ đến từng chi tiết, tôi yêu những giọt mồ hôi lăn trên khuôn mặt nhăn nheo mà hồ hỡi của mẹ, những nụ cười hồng lửa của cha. Tôi yêu những câu chuyện đời thường thơm mùi cốm đang vây quanh những thay đổi của phố của làng. Tôi yêu bữa cơm bình dị trong cái rét cuối thu mà tôi hân hạnh được mời.
Nếu tôi về làng Vòng sớm hơn, thuở râm ran tiếng cười chín giọng nông tang, tiếng giã chày khua lún trĩu âm vang, tiếng giần sàng lăn tăn khỏa trần nắng gió, tiếng lửa rang bập bùng khoanh tròn căn nhà nhỏ… khi đó những âm thanh kia, những tiếng quê kia sẽ hóa thành tiếng lòng tôi sớm hơn. Tôi lại nuối tiếc rồi, chính tôi chứ không phải là em!
Không nuối tiếc, những con người quê trong lòng phố vẫn giữ hồn cốt của riêng mình, yêu nghề truyền thống cha ông bao đời để lại, yêu cả những thách thức trong nhịp sống từng ngày từng giờ đổi thay.
Hương chiều xanh ngọc và những đôi mắt màu lá mạ tự ngàn năm níu chân tôi, nhưng rồi cũng đến lúc nói lời tạm biệt. Chia tay làng Vòng, tôi nguệch ngoạc mấy chữ gởi em, gọi là bài thơ tình cũng được, viết vội không lưu nên chỉ nhớ câu cuối bài thơ Tôi yêu Hà Nội nhiều lắm em ơi!
Tản văn Nguyễn Bá Hòa