Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đạt nhiều kết quả quan trọng

Thứ sáu, 15/12/2023 16:30
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) tổ chức ngày 14-12, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, ngành Giáo dục đã triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết 29, phấn đấu hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra. Đến nay, sau 10 năm triển khai Nghị quyết, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Một tiết học Giáo dục thể chất của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam, huyện Nam Trà My (Quảng Nam).
Một lớp học ở vùng cao Quảng Nam.

Hệ thống giáo dục quốc dân hoàn thiện theo hướng mở

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 (NQ 29), đến nay hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã ban hành và triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới (CTGDPTM), chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh; triển khai một chương trình nhiều sách giáo khoa (SGK). Công tác xã hội hóa trong biên soạn, phát hành SGK bước đầu tạo chuyển biến tích cực, tạo nên sự chủ động, sáng tạo cho giáo viên, học sinh và nhà trường. Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao. "Đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, giáo dục nghề nghiệp ngày càng thực chất và hiệu quả hơn. Từ đó cơ bản khắc phục tình trạng học lệch, học tủ và giảm áp lực, tốn kém cho xã hội"- ông Nguyễn Văn Phúc cho biết.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị để sớm khắc phục. Nổi bật là mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có nơi phân bố chưa hợp lý, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học còn chậm hoàn thiện; thực hiện đào tạo liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học còn một số bất cập. Cùng với đó, việc triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn; chưa hoàn thành mục tiêu thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đánh giá, chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức. Công tác đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ, thường xuyên với yêu cầu sử dụng lao động.

Một tiết học Giáo dục thể chất của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam, huyện Nam Trà My (Quảng Nam).

Cần ưu tiên trường lớp miền núi, tăng lương giáo viên

Thông tin về kết quả thực hiện NQ 29 Trung ương, ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua ngành Giáo dục thành phố có những đổi mới đồng bộ, toàn diện, từ hình thức, mô hình, phương pháp dạy học đến đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập. Nhất quán quan điểm lấy kiểm tra, đánh giá làm khâu đột phá trong đổi mới, ngành Giáo dục thành phố đã thay đổi tư duy từ việc đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực, phẩm chất của người học. TP Hồ Chí Minh đã dành kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học khoảng 2.000 tỷ đồng/năm; hoàn chỉnh mạng lưới trường lớp, tăng cường trang thiết bị hỗ trợ dạy, học tiên tiến, hiện đại.

Ông Dương Xuân Nguyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, qua 10 năm triển khai thực hiện, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của địa phương đạt trên 98%, tỷ lệ học sinh khá giỏi cao hơn trước. Đánh giá về góc độ cơ sở vật chất trường lớp cũng như thu nhập của giáo viên miền núi, ông Nguyên cho biết, cơ sở vật chất trường lớp của địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, còn nhiều điểm trường, lớp ghép, thiết bị dạy học chưa được trang bị kịp thời, vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên so với định mức quy định.

Để giáo viên yên tâm với nghề, ông Dương Xuân Nguyên kiến nghị trong thời gian tới Nhà nước, ngành Giáo dục cần có điều chỉnh hệ thống thang bậc lương theo hướng tăng thu nhập cho giáo viên yên tâm, có cuộc sống tốt hơn để gắn bó với nghề. Cùng quan điểm này, ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội kiến nghị lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng như đã được quy định trong NQ 29. Ông Cương cũng kiến nghị khi thực hiện chủ trương di dời các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng ra ngoại thành, các địa phương được phép sử dụng quỹ đất này để xây dựng các cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng nhu cầu dạy học.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, NQ 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển GD-ĐT; thể hiện tầm nhìn xa rộng, quyết tâm và định hướng chiến lược đổi mới giáo dục, cũng như tầm nhìn để phát triển bền vững đất nước cả trước mắt cũng như lâu dài. Ngành Giáo dục đã triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong NQ 29, phấn đấu hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn phát triển đất nước và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, bối cảnh thời gian tới những thách thức mới về phát triển con người trong thời đại số, không gian số, trí tuệ nhân tạo, người máy phát triển…, nhất là thách thức trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu về giáo dục, ngành Giáo dục cần kiên trì định hướng đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Trước những thách thức này, cần có kết luận của Bộ Chính trị tiếp tục triển khai NQ 29 trong thời gian tới, trong đó đổi mới cả 3 vấn đề chính về nhận thức, thể chế và nguồn lực. Chính vì vậy cần có hành động tương xứng với nhận thức, biến tầm nhìn “giáo dục là quốc sách hàng đầu” thành thực tiễn sinh động trong công cuộc đổi mới giáo dục thời gian đến.

Bảo Nam