Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng với hệ thống chính trị - lý luận phải kết hợp với thực tiễn

Thứ bảy, 16/07/2022 09:53
Ngày 15-7, Ban Tổ chức T.Ư, Hội đồng Lý luận T.Ư kết hợp với Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về công tác đổi mới phương  thức  lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị- những vấn đề lý luận và thực tiễn. Dự hội nghị có các đồng chí: Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Xuân Thắng- Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Thượng tướng Trần Quốc Tỏ-Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng kiêm Bí thư các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung-Tây nguyên cùng  các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Đề án T.Ư 6.  
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành T.Ư đã đưa Chương trình làm việc nhiệm kỳ khóa XIII nhiệm vụ xây dựng Đề án “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”, trình Hội nghị T.Ư 6 thảo luận, cho ý kiến. Đây là một đề án rất quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nói riêng, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung. Vì thế, việc làm rõ, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị trong tình hình mới là vô cùng quan trọng…

Hội thảo đã nghe đóng góp của 11 Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy tại các địa phương thuộc miền Trung- Tây Nguyên. Tất cả các ý kiến đều xoay quanh vấn đề nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ để đổi mới tư duy, phong cách làm việc theo hướng cán bộ Đảng viên phải đi đầu, làm gương cho quần chúng noi theo. Bên cạnh đó là tăng cường kết hợp với công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những sai sót để sửa chữa và trên cơ sở đó ban hành những nghị quyết phù hợp với thực tế. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng cần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy với chính quyền địa phương để nâng cao vai trò của Ban Thường vụ tại các cấp ủy Đảng. Thông qua cơ chế kiểm tra, giám sát cần xem xét vai trò cá nhân trong cơ chế tổ chức Đảng lãnh đạo, cá nhân phụ trách; vai trò của cấp ủy trong việc lãnh đạo, giải quyết các vấn đề tại địa phương; cần đề cao tính kỷ luật tại địa phương; cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong Đảng…

Kết luận hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T. Ư Trương Thị Mai cho rằng, những ý kiến đóng góp của các đại biểu đều đi vào trọng tâm của vấn đề. Qua đó, nêu bật vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ, Đảng viên trong quá trình đổi mới. Cụ thể, khi tư duy, năng lực từng Đảng viên được nâng lên, từng cán bộ sẽ biết ban hành từng loại văn bản, như: chỉ thị, nghị quyết cho phù hợp với thực tế thì sẽ làm đường lối của Đảng dễ đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó cần tăng cường đổi mới cơ chế phù hợp với tình hình thực tế để phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hơn nữa vai trò làm chủ của người dân. Một vấn đề khác được quan tâm hiện nay là việc nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ. Vì có đội ngũ cán bộ tốt sẽ dễ dàng và có những thay đổi tốt. Từ đó cũng dễ dàng thực hiện các nhiệm vụ khác, như: tăng cường trách nhiệm, quyền hạn cũng như mối quan hệ giữa cá nhân phụ trách, người đứng đầu và thay đổi lề lối làm việc nhằm phát huy hết sức mạnh của các cấp ủy Đảng cơ sở cũng như năng lực của từng Đảng viên…

M.T