Đổi thay nơi thủ phủ sâm Ngọc Linh (Kỳ cuối: Khát vọng phát triển du lịch trên núi Ngọc Linh)
Đầu tháng 3 vừa qua, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam phối hợp với H. Nam Trà My tổ chức công bố điểm du lịch "Vườn sâm Ngọc Linh - Tăk Ngo" (thuộc xã Trà Linh) đến với người dân, du khách trong và ngoài nước. Đây được xem là động thái mới trong quá trình đưa thương hiệu sâm Việt Nam đến với người dân, du khách trong và ngoài nước.
Vườn sâm gốc Tăk Ngo, nơi dự kiến sẽ trở thành điểm du lịch của H. Nam Trà My. |
* Tháng 9-2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng ra 7 xã của H. Nam Trà My với 30.000ha, đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng. Đầu tháng 6-2017, sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) trở thành sản phẩm quốc gia. Đến thời điểm này, Nam Trà My trồng được 1.300ha sâm Ngọc Linh; ngoài ra hơn 1.500 hộ dân thuộc 7 xã đang đăng ký trồng 2.500ha; 7 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh được cho phép đầu tư trồng gần 300ha. |
Theo ông Hồ Quang Bửu-Chủ tịch UBND H. Nam Trà My, vườn sâm Ngọc Linh có tổng diện tích 85ha, trong đó vùng tham quan 11ha, vùng nghiên cứu 5ha và 70ha vùng sâm gốc sản xuất giống. UBND H. Nam Trà My cho biết hiện nay, tour du lịch vườn sâm hoàn toàn miễn phí. "Khi đến đây du khách sẽ được trải nghiệm trực tiếp, tận mắt chứng kiến các công đoạn phát triển của cây sâm, nhận biết được sâm giả, sâm thật và tham quan trưng bày các sản phẩm từ sâm... Ngoài ra, điểm du lịch vườn sâm Tăk Ngo được thành lập sẽ giúp tăng thu nhập cho người dân, phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng tại địa phương. Ngoài khám phá vùng sâm Ngọc Linh, hiện trên địa bàn H. Nam Trà My còn nhiều địa điểm rất thú vị để du khách khám phá như rừng quế cổ thụ ở xã Trà Vân, vườn tre khổng lồ ở xã Trà Nam, thác 5 tầng ở xã Trà Mai..."- ông Bửu thông tin.
Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, đến thời điểm này, vườn sâm Ngọc Linh-Tăk Ngo chỉ mới được đưa vào bản đồ du lịch, bởi đường sá đi lại xa xôi, cách trở. Bên cạnh đó, những điểm nhấn tham quan, lưu trú trong suốt chiều dài quãng đường gần 200km từ TP Tam Kỳ lên vườn sâm cũng chưa được đầu tư, khai thác. Ngoài ra, trụ sở điểm dừng chân đón tiếp, triển lãm về sâm dưới vườn sâm Tăk Ngo cũng chỉ mới được xây dựng, chưa hoàn thành.
Theo lãnh đạo H. Nam Trà My, để điểm du lịch trên được nhiều người biết đến cũng như các Phiên chợ sâm định kỳ hàng tháng tổ chức thành công, góp phần vào việc tăng cường quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh, bảo vệ thương hiệu sản phẩm Quốc gia thì cơ sở hạ tầng giao thông được xem là khâu quan trọng. Do vậy lâu nay, UBND H. Nam Trà My đã nhiều lần đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam, các sở, ngành liên quan xem xét giải quyết nâng cấp, mở rộng tuyến đường QL40B. Đây là tuyến đường huyết mạch đi qua 4 huyện, thành phố của tỉnh nhưng mặt đường hư hỏng, xuống cấp, chật hẹp, trong khi lưu lượng phương tiện rất đông.
Đặc biệt, đoạn từ H. Bắc Trà My lên Nam Trà My có 12 đoạn quanh co, cua ngoặt, hiểm trở; có 2 ngầm qua sông, mùa mưa bị chia cắt, luôn tiềm ẩn TNGT. "Tuyến đường này là tuyến đường duy nhất lên vùng trồng sâm Ngọc Linh, vì vậy để phát triển sâm Ngọc Linh-sản phẩm Quốc gia và đáp ứng yêu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, chúng tôi đề nghị Bộ GT-VT, UBND tỉnh đưa tuyến đường này vào danh mục ưu tiên đầu tư trong năm 2019. Nếu không đủ kinh phí, trước mắt đầu tư xóa bỏ 12 khúc cua trên tuyến và làm 2 cầu qua sông Trường, sông Nước Oa"- ông Bửu kiến nghị.
Đường sá được đầu tư, nhiều nhà dân ở Trà Linh sắm "xế hộp" đi lại. |
Còn ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cho rằng, muốn phát triển du lịch nơi đây cần phải xúc tiến công tác truyền thông, quảng bá, thiết lập tour/tuyến kết nối vườn sâm này với các điểm đến khác trong vùng. "Con đường lên vùng sâm Ngọc Linh quanh co mấy trăm cây số nên cần thiết phải liên kết các tour, thiết lập những chặng dừng chân để thưởng lãm các danh thắng, di tích đa dạng và thưởng thức các thứ sơn hào đặc sản vùng cao. Từ cầu nối của ngành du lịch, các địa phương nằm trên trục QL40B cần cùng nhau định vị rõ sự kết nối đó, qua đó có sự đầu tư đồng bộ mới tạo cơ hội phát triển cho cả khu vực này"- ông Hồng nhìn nhận.
Sâm Ngọc Linh là một loại dược liệu quý, có những giá trị to lớn về mặt dược học nên nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh diễn ra rất mạnh, qua đó giúp người dân đồng bào miền núi Nam Trà My tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững trong thời gian qua. Tuy nhiên, để phát triển nơi đây thành điểm du lịch, góp phần tạo nên sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cần có sự đầu tư, gắn kết giữa các địa phương cũng như các ngành chức năng trong tỉnh.
BÃO BÌNH