Đổi thay ở Thượng Trạch
(Cadn.com.vn) - Tròn 5 năm, tôi mới có dịp trở lại vùng biên giới Việt – Lào, xã Thượng Trạch (H. Bố Trạch, Quảng Bình) tận mắt chứng kiến sự thay da đổi thịt của vùng đất trước đây được xem là nơi xa xôi và nghèo nhất huyện.
Thượng Trạch gần mà xa
Năm 2010, đang học năm cuối đại học, tôi về thực tập tại Tòa soạn Báo Quảng Bình. Mới đến tòa soạn vài ngày, tôi quyết định đi Thượng Trạch bởi muốn "tìm đề tài mới" như gợi ý của anh Trưởng Ban biên tập. Một ba lô vài bộ quần áo, ít gói lương khô, chai nước suối buộc sau, tôi báo với gia đình “con đi Thượng Trạch viết bài”. Thực sự lúc đó, tôi chỉ mới biết tới Thượng Trạch qua một vài thông tin ít ỏi tra trên Google chứ chưa một lần được đặt chân đến. Với tôi lúc ấy, Thượng Trạch là một nơi xa xôi lắm mặc dù trung tâm xã chỉ cách khu du lịch Phong Nha–Kẻ Bàng vài chục ki-lô-mét. Một mình, với chiếc xe Wave Trung Quốc tôi khởi hành vào một buổi sáng trời mưa tầm tã.
Cách đây 5 năm con đường 20 Quyết Thắng lên Thượng Trạch rất lầy lội. |
Vài lần dò hỏi đường, tôi cũng tìm vào được con đường 20 Quyết Thắng huyền thoại, ở cuối con đường ấy là xã Thượng Trạch. Trời vẫn mưa, một mình tôi xuyên qua giữa lõi rừng nguyên sinh rậm rạp với những dốc cao lổm nhổm đá và trơn trượt, có lúc bánh xe cứ xoay tròn chực lao xuống vực sâu. Càng vào sâu trong rừng, sóng điện thoại càng yếu và cuối cùng thì mất hẳn. Mưa vẫn đuổi sau lưng, giăng trước mặt. Những con suối mới mấy phút trước cạn khô, nước đã đổ xuống ào ào. Cuối cùng tôi cũng tới được “Trạm kiểm lâm Km 27”. Vừa sưởi ấm bên bếp lửa hồng, tôi trình bày ý định vào Thượng Trạch, anh Từ Minh Phương, cán bộ Kiểm lâm của trạm lúc đó xua tay: “Ở lại với anh em đây đi, không vào được nữa đâu. Đường lầy lội lắm không đi được”.
Tôi ở lại với trạm Kiểm lâm Km27 2 ngày bởi sự cuốn hút của những câu chuyện các anh kể về rừng, về những chuyến tuần rừng. Rồi những lần các anh đấu trí với “lâm tặc”, “bẫy tặc” giữa rừng Di sản; chuyện đón Tết giữa rừng sâu, những lần thoát chết bởi những cơn sốt rét và “bệnh lạ”... Lần đó, tôi phải lỡ hẹn với Thượng Trạch bởi trời cứ mưa dai dẳng. Vài tuần sau, tôi lại quyết tâm đến với vùng biên cương này để tham gia lễ hội đập trống của đồng bào Ma Coong. Lần này tôi được đi cùng đoàn với xe của Phòng Văn hóa H. Bố Trạch. Làm việc với các chiến sỹ đồn Biên phòng Cà Roòng, tôi hiểu được phần nào cái nghèo khổ của bà con nơi đây. Người dân nơi đây chủ yếu là người Ma Coong sinh sống rải rác ở 18 bản quanh biên giới Việt - Lào. Cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng với tập tục săn bắt, hái lượm, đốt nương làm rẫy. Nhưng mùa màng thì vẫn cứ phó thác cho thời tiết, nhiều năm mùa mất trắng, đói vẫn hoàn đói. Những năm sau này, Thượng Trạch nằm trong vùng bảo vệ của rừng di sản Phong Nha - Kẻ Bàng nên bà con không phá rừng làm nương rẫy nữa mà chủ yếu canh tác vài ba vạt rẫy ở ven rừng hay ở những quả đồi thấp. Lúa rẫy một vụ năng suất không cao thậm chí là có trồng mà không có thu. Tuy được các cấp, ngành quan tâm nhưng sự thay đổi không phải ngày một ngày hai. Các chiến sĩ Biên phòng phải cầm tay chỉ việc hướng dẫn bà con từng việc nhỏ; vận động bà con xóa bỏ những hủ tục lạc hậu như tục chôn con theo mẹ (chết).
Năm nay đồng bào ở Thượng Trạch có một mùa lúa bội thu... |
Xuân này đã khác
Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Mùi vừa qua, chúng tôi có dịp trở lại Thượng Trạch, không khỏi ngạc nhiên trước sự thay đổi của vùng đất này. Nắm tay tôi, thầy giáo Nguyễn Văn Thảo, một người gắn bó lâu năm với nghiệp gieo chữ ở vùng Thượng Trạch, cũng là thầy giáo cũ của tôi thời cấp 1 cười tươi: “Em thấy đó, Thượng Trạch nay đã khác”. Con đường 20 đã được thảm nhựa, bê-tông phẳng lì chạy đến trung tâm xã, vào sâu tận khu vực cửa khẩu Cà Roòng. Sự đổi thay của Thượng Trạch đã hiện hữu bắt đầu từ con đường. Thượng Trạch và miền xuôi đã xích lại gần nhau hơn. Gặp chúng tôi, ông Đinh Hùng, Trưởng bản Cà Roòng 1, hồ hởi: “Năm nay lúa rẫy được mùa, bà con no rồi. Hội đập trống năm nay chắc chắn sẽ to, sẽ vui, ít bữa mời các nhà báo lên chơi hội tiếp nhé”. Được mùa lúa, bà con Ma Coong ở Thượng Trạch đã không còn chờ gạo hỗ trợ như những Tết trước nữa. Càng vui hơn khi nỗ lực của chính quyền UBND xã Thượng Trạch và cùng với Đồn Biên phòng Cồn Roàng thí điểm trồng cây lúa nước nhằm từng bước thay đổi, chuyển đổi nhận thức trong việc canh tác lúa rẫy sang làm lúa nước bước đầu tạo được niềm tin cho bà con khi vụ lúa nước đầu tiên thắng lợi. Đến nay đời sống của gần 500 hộ dân trong xã khấm khá hơn, dù nghèo nhưng không còn hộ đói.
...nên Hội đập trống truyền thống của đồng bào Ma Coong rộn ràng hơn. |
Đời sống bớt khó khăn hơn, nên việc học cái chữ ngày càng được bà con người Ma Coong ở Thượng Trạch quan tâm hơn. Noi gương người thầy giáo đầu tiên của người Ma Coong là thầy Đinh Miệt đã tốt nghiệp ngành sư phạm Trường Đại học Quảng Bình và trở về Thượng Trạch dạy học, nhiều gia đình cũng quyết tâm cho con em mình đi học cái chữ để được thông cái đầu, sáng con mắt. Ở xã rẻo cao này, đến nay đã có nhiều con em người Ma Coong đang học tại các trường cao đẳng, đại học...
Rời Thượng Trạch, xe bon bon trở về trên con đường 20 Quyết Thắng đẹp và kiên cố xuyên qua rừng Di sản Phong Nha-Kẻ Bàng. Chốc chốc chúng tôi lại gặp những con vượn, chồn bay chuyền cành ngang qua đầu mà lòng nghe vui lạ. Nghĩ về những gì vừa được nghe, được thấy ở Thượng Trạch, chúng tôi càng vững tin hơn vào con đường sáng phía trước của đồng bào Ma Coong nơi vùng biên cương Tổ quốc.
Xuân Nha