Đổi thay từ những cung đường mới

Thứ hai, 25/03/2024 09:00
Phấn khởi và tự hào là những cảm xúc đầu tiên được anh Lê Tài, Việt kiều Mỹ chia sẻ khi về thăm quê hương vào dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng TP Đà Nẵng (29-3-1975 – 29-3-2024). Thả bộ trên cung đường ven biển Nguyễn Tất Thành đoạn gần ngã ba với Tôn Thất Đạm, anh Lê Tài nhớ lại: “Đây là nơi tôi sinh sống hồi nhỏ.
Khu phố thương mại – dịch vụ mọc lên từ khi khánh thành và đưa vào sử dụng công trình trọng điểm đường ven biển Võ Nguyên Giáp.
Cầu Rồng bắc qua sông Hàn – Công trình giao thông trọng điểm mang biểu tượng về sự hội nhập và phát triển năng động của TP Đà Nẵng.

Trước năm 1997, chưa có con đường này, mà chỉ là bãi cát chạy dọc biển đầy cỏ dại và rác rến ô nhiễm môi trường, phía bên trong là làng chài nghèo với nhiều nhà cửa tạm bợ… Nhưng từ khi có con đường Nguyễn Tất Thành, làng chài nghèo đã biến mất, thay vào đó là các khu phố hiện đại và khang trang với nhiều công sở, khách sạn, nhà ở cao tầng nằm san sát nhau dọc tuyến đường này”.

Không chỉ những kiều bào xa quê hương nhiều năm mà ngay cả với nhiều người dân, du khách ở các tỉnh, thành khác trong nước mỗi lần đặt chân đến Đà Nẵng cũng đều không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi nhanh chóng của TP bên bờ sông Hàn xinh đẹp, đặc biệt là về hạ tầng giao thông. Ông Nguyễn Việt Thắng, ngụ ở Hà Nội, là lái xe khách lâu năm trên tuyến Hà Nội – Đà Nẵng, chia sẻ: Ngày trước, muốn đến Đà Nẵng bằng đường bộ chỉ có mỗi lối đi độc đạo là phải thông qua ngã ba Huế. Nơi đây cách nội thị không xa lắm, nhưng nếu xuống xe ở vị trí này để vào đó thì… đi hoài mới tới vì đường từ ngã ba Huế vào trung tâm TP chỉ là con đường tráng nhựa nhỏ, rộng chừng 5m – 7m với 1 làn xe, lại bị xuống cấp với nhiều ổ gà. Đến một ngày, con đường nhỏ này được thay thế bằng tuyến đường Điện Biên Phủ rộng thênh thang với 6 làn xe cộng thêm dải phân cách ở giữa nối từ ngã ba Huế vượt qua hầm chui Điện Biên Phủ với đường Lê Duẩn băng qua cầu Sông Hàn chạm vào đường Phạm Văn Đồng, rồi dừng chân tại công viên Biển Đông - nơi bãi biển Mỹ Khê là một trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh, thì Đà Nẵng đã hoàn toàn “lột xác” thần kỳ thành đô thị hiện đại và văn minh. Nơi ngã ba Huế ngày xưa ấy giao với đường sắt thường xuyên bị kẹt xe và xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, giờ là chiếc cầu vượt khác mức vượt trên đường sắt có kiến trúc độc đáo 3 tầng ấn tượng - một biểu tượng của Đà Nẵng hiện đại, năng động, sáng tạo…

Theo ông Bùi Hồng Trung – Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, sau 49 năm được giải phóng, 27 năm trở thành TP trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã vươn lên trở thành một đô thị hiện đại, văn minh, là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Một trong những yếu tố dẫn đến thành công là lãnh đạo TP đã đi đúng hướng trong việc ưu tiên quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đô thị nhằm tạo động lực to lớn giúp kinh tế - xã hội của Đà Nẵng có những bước phát triển thần kỳ, nhiều công trình giao thông lớn về cầu, hầm, đường bộ, sân bay, cảng biển, v.v… đã trở thành biểu tượng, mang dấu ấn về sự phát triển năng động, sáng tạo của TP. Chỉ tính từ năm 1997, thời điểm TP vừa được chia tách thành TP trực thuộc Trung ương, mạng lưới hạ tầng giao thông trên địa bàn TP ít ỏi với chưa tới 100 tuyến đường chủ yếu tập trung ở khu vực nội thị, kết cấu lại chưa đồng bộ, nhiều công trình bị xuống cấp, hư hỏng, v.v…; từ bờ Đông sang bờ Tây sông Hàn chỉ có 2 cây cầu nằm sát nhau là cầu Nguyễn Văn Trỗi và cầu Trần Thị Lý. Đến nay, TP có khoảng 2.500 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 1.500km và 75 cầu, trong đó, có gần 10 cây cầu bắc qua sông Hàn và sông Cẩm Lệ cùng 7 tuyến đường thủy nội địa. Đặc biệt là hàng loạt các công trình giao thông quy mô lớn, hiện đại được xây dựng và đưa vào khai thác như: cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý, cầu Tuyên Sơn, cầu Cẩm Lệ, cầu Hòa Xuân, cầu Minh Mạng, v.v…; các tuyến đường Lê Duẩn, Đống Đa, Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, Bạch Đằng, Phạm Văn Đồng, Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Hữu Thọ, Cách Mạng Tháng Tám, Ngô Quyền, Lê Văn Hiến, Trần Đại Nghĩa, Võ Chí Công, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Sinh Sắc, Hoàng Thị Loan, QL1A, QL14B, đường tránh phía Nam hầm đường bộ Hải Vân – Túy Loan, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, v.v...; các hầm chui Điện Biên Phủ, Trần Thị Lý, Trần Phú; các cầu vượt Hòa Cầm, ngã ba Huế, Trần Thị Lý; mở rộng và nâng cấp Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, Cảng Tiên Sa… Các công trình giao thông trọng điểm này đã góp phần đẩy nhanh quá trình chỉnh trang, đô thị hóa và chỉ trong một thời gian ngắn, Đà Nẵng gần như thay đổi hẳn diện mạo với hạ tầng giao thông ngày một hoàn thiện. Từ đây, các trục giao thông nội thị được đầu tư, kéo theo việc hình thành các khu đô thị mới ở khu vực vùng ven nội thành, đưa Đà Nẵng từ đô thị loại 2 vươn lên trở thành đô thị loại 1 cấp quốc gia.

Khu phố thương mại – dịch vụ mọc lên từ khi khánh thành và đưa vào sử dụng công trình trọng điểm đường ven biển Võ Nguyên Giáp.

Nhằm tiếp tục thực hiệ có hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, lãnh đạo TP tiếp tục ưu tiên quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn TP. Giám đốc Sở GTVT TP Bùi Hồng Trung cho biết, trong thời gian đến, TP sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm, động lực như: Cảng Liên Chiểu, nâng cấp Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, xây dựng các tuyến đường Vành đai phía Tây, Vành đai phía Tây 2, cao tốc đoạn Hòa Liên – Túy Loan, trục I Tây Bắc, đường nối Cảng Liên Chiểu đến đường tránh phía Nam hầm đường bộ Hải Vân – Túy Loan, QL14B, v.v…; nghiên cứu quy hoạch và xây dựng hầm chui xuyên qua Sân bay Quốc tế Đà Nẵng và các nút giao thông cầu vượt kết nối đến sân bay này, hầm chui qua sông Hàn nối từ đường Đống Đa đến đường Vân Đồn, tuyến hành lang Đông Tây 2 nối từ Đà Nẵng qua Quảng Nam đến Lào và Đông Bắc Thái Lan, nhà ga đường sắt mới kết nối đồng bộ với tuyến đường sắt Bắc Nam tốc độ cao, đường sắt Đà Nẵng - Kon Tum kết nối với tuyến đường sắt Bắc - Nam tại ga Đà Nẵng mới, tuyến đường thủy qua sông Cổ Cò kết nối với TP Hội An (Quảng Nam)...

PHÚ NAM