Đội trưởng đội xe ôm tự quản có tài phá án

Thứ tư, 16/07/2014 08:23

(Cadn.com.vn) - Vừa nghe đến tên ông, chị bán bánh mì tên Thu tại ngã tư Hà Lam (Thăng Bình, Quảng Nam) sốt sắng trả lời: "Anh Minh đội trưởng Đội xe ôm tự quản hả? Anh đó nhiệt tình với công việc từ thiện lắm. Không những thế, ảnh còn giỏi "phá án" nữa đó...".

Ông Nguyễn Văn Minh

"Phá án"

Qua điện thoại, ông Lê Thắng, Giám đốc Cty TNHH Việt Phúc (có trụ sở tại Gia Lai) kể câu chuyện khiến ông rất cảm động. Tháng 5-2014, ông từ Gia Lai về quê nhà Thăng Bình để sửa sang phần mộ tổ tiên. Khi xe đến ngã tư Hà Lam, ông xuống để đón xe ôm về nhà.

Cũng tại đây, ông Thắng phát hiện mình bị mất ví tiền. Thấy ông hết đưa tay vào túi quần rồi đến túi áo, ông Nguyễn Văn Minh (1961, tổ 4, TT Hà Lam) - Đội trưởng Đội xe ôm tự quản về ANTT Hà Lam đến hỏi thăm sự việc. Khi nghe ông Thắng kể chuyện bị mất tiền, ông Minh liền gọi thêm một đồng nghiệp nữa lên đường…"phá án".

Qua rà soát các "nghi can" trên xe và hỏi tài xế về việc lên, xuống xe của hành khách, cuối cùng, người đội trưởng xe ôm này đã xác định kẻ tình nghi là một phụ nữ ở tổ 9, TT Hà Lam, người đi cùng chuyến xe với ông Thắng. Dù không biết tên, tuổi của người phụ nữ này, chỉ dựa theo mô tả của nạn nhân và tài xế, vậy mà ông Minh đã lần tìm được nhà của "đối tượng".

Khi đến nơi, họ vấp phải sự phản ứng của người con trai của chủ nhà. Anh con trai kiên quyết không đồng ý để ông Minh kiểm tra túi xách của mẹ mình. Nhẹ nhàng, ôn hòa, ông Minh thuyết phục hai mẹ con nhìn thấy sự sai trái của mình. Cuối cùng, họ đã giao trả lại ví tiền của ông Lê Thắng, trong đó có 12 triệu đồng.

Khi biết chuyện, có người khuyên ông Minh "đi thưa" công an để cơ quan chức năng xử lý người phụ nữ có hành vi trộm cắp tài sản của hành khách. Tuy nhiên, ông Minh lý luận, truy tố hình sự hay xử phạt vi phạm hành chính cũng là hướng đến mục đích giáo dục đối tượng tốt hơn. Người phụ nữ kia đã trả tiền, tức là họ đã biết lỗi và sửa lỗi rồi thì không nên "căng quá" mà ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của họ.

Một lần vào cuối năm 2013, tại ngã tư Hà Lam, ông Minh thấy một thanh niên có dáng vẻ khả nghi nên đến "hỏi thăm". Biết gặp phải "Đội trưởng xe ôm phá án", thanh niên này bỏ chạy. Ông Minh liền đuổi theo đến gần trường THPT Tiểu La thì tóm được và giao cho CA thị trấn xác minh, làm rõ. Đúng như phán đoán của ông Minh, thanh niên này là "đạo chích", khai nhận đã cuỗm hơn 10 chiếc xe đạp của người dân địa phương.

Đối với những vụ trộm cắp, đánh nhau nhỏ lẻ, ông Minh và đồng nghiệp không ngần ngại truy đuổi, giữ người và tang vật để giao công an xử lý. Đối với những vụ lớn, phức tạp hoặc có đông đối tượng dùng "hàng nóng" như mã tấu, dao… thì ông điện báo và theo dõi để cung cấp thông tin cho công an. Chỉ tính riêng trong năm 2013, ông Minh và anh em trong Đội xe ôm tự quản về ANTT đã tìm và trả lại cho khách 16 túi xách, 7 điện thoại di động các loại.

Thượng tá Trần Văn Xuân, Phó Trưởng CAH Thăng Bình cho biết: "Trong thời gian qua, ông Minh và các thành viên trong Đội xe ôm tự quản về ANTT đã cung cấp cho cơ quan CA nhiều nguồn tin có giá trị, góp phần tích cực trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".

Ông Minh (thứ hai từ phải sang) cùng anh em trong "Đội xe ôm tự quản". 

Giúp người là tích đức cho mình

Ông Nguyễn Văn Minh tâm sự, trong mắt một số người, nghề xe ôm không được coi trọng như những nghề khác. Do đó, ông rất muốn xây dựng đội xe ôm của mình không chỉ góp phần giữ gìn ANTT trên địa bàn mà còn xây dựng hình ảnh đẹp, lịch sự, văn minh trong lòng hành khách.

Từ khi được giao chức Đội trưởng Đội xe ôm tự quản về ANTT, được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, CA thị trấn, ông đã đưa hoạt động xe ôm tại đây vào nền nếp. Hoạt động của Đội được chia phiên thứ, bến bãi rõ ràng, đồng nghiệp nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau, không "chặt chém" hành khách.

Ông Nguyễn Văn Hóa (1955, ở tổ 4, TT Hà Lam) cho biết: "Trước khi thành lập Đội xe ôm tự quản về ANTT, khi đón được khách, tôi thường xuyên bị các tài xế khác đánh đập. Bây giờ thì tôi yên tâm rồi. Đến phiên mình đưa đón khách thì mình đi, đến phiên anh em khác thì anh em khác đi, không có tranh giành, dòm ngó, cãi cọ và… bị đánh đập như trước nữa. Những việc làm của ông Minh rất có ý nghĩa và giúp ích chúng tôi rất nhiều".

Ông Hóa phấn khởi cho biết thêm, cũng như cán bộ cơ quan nhà nước, đến lễ tết các thành viên trong đội được nhận quà hay lúc gia đình ốm đau, hoạn nạn đều được anh em thăm hỏi, sẻ chia. Dù món quà có giá trị kinh tế nhỏ nhưng giá trị tinh thần mang đến cho ông và các đồng nghiệp rất lớn.

Tìm hiểu thêm được biết, ngày 26-6 vừa qua, ông Minh còn vận động anh em trong đội tham gia "Đội xe ôm cấp cứu" do Hội chữ thập đỏ TT Hà Lam tổ chức. Trước khi anh em tham gia, người đội trưởng này đã quán triệt kỹ, chở người cấp cứu là công việc nhân đạo, từ thiện nên không ai được đòi hỏi tiền công và làm việc với tinh thần tự nguyện, hăng say. "Thấy người bị tai nạn, điều đầu tiên và quan trọng nhất là tìm cách cứu họ. Giúp người là cũng để tích đức cho mình", ông Minh nói.

Phương Nam