Đối tượng nào sẽ được mua bán pháo hoa không nổ?
Càng gần Tết Nguyên đán, hoạt động vận chuyển, mua bán trái phép pháo nổ từ khu vực biên giới đưa về tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố trong nước có chiều hướng gia tăng. Mặc dù các lực lượng chức năng triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn, đã bắt giữ, xử lý nhiều vụ nhưng các đối tượng vẫn liều lĩnh vận chuyển pháo qua biên giới đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ, kiếm lời.
Hiện nay nhu cầu sử dụng pháo hoa không tiếng nổ tăng cao. Tuy nhiên, nếu người dân không nắm bắt được các quy định của Nghị định 137/2020/NĐ-CP sẽ rất dễ vi phạm pháp luật khi sử dụng, đặc biệt là những người có nhu cầu kinh doanh pháo hoa không tiếng nổ với khối lượng lớn.
Dạo quanh các hội nhóm mua bán pháo hoa trên Facebook, không khó để bắt gặp các bài đăng bán pháo hoa không nổ với giá từ vài trăm ngàn đồng. Tuy nhiên, cần hiểu rằng dù các loại pháo hoa này được phép sử dụng nhưng không phải ai cũng có thể kinh doanh.
Trao đổi với Phóng viên chuyên đề Công an TP Đà Nẵng luật sư Nguyễn Viết Hưng- Đoàn luật sư TP Đà Nẵng phân tích: Thứ nhất, theo quy định tại Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP thì “ Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa học điện gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ. Pháo bao gồm: Pháo nổ, pháo hoa.”
Theo luật sư Hưng, pháo nổ và pháo hoa được định nghĩa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa học điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian; Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.
Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m; Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.Với quy định như trên, pháo hoa và pháo hoa nổ là khác nhau nên cần phân biệt rõ ràng tránh nhầm lẫn.
Thứ hai, căn cứ quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 14 Nghị định 137/2020/NĐ-CP việc kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, thuốc pháo hoa phải đảm bảo các điều kiện: Chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường; Kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh pháo hoa phải phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo quản, vận chuyển, phòng cháy và chữa cháy; Người quản lý, người phục vụ có liên quan đến kinh doanh pháo hoa phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn; Chỉ được kinh doanh pháo hoa bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.
Luật sư Hưng phân tích thêm, việc xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, thuốc pháo hoa phải bảo đảm các điều kiện: Tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được phép nghiên cứu, sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa thì được xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, thuốc pháo hoa; Pháo hoa xuất khẩu, nhập khẩu phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; chủng loại, nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu, nước sản xuất, năm sản xuất, hạn sử dụng trên từng loại pháo hoa.
“Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp không thuộc Bộ Quốc phòng thì không được phép kinh doanh, xuất khẩu và nhập khẩu pháo hoa. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm thì tùy thuộc vào tính chất mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành” luật sư Hưng chia sẻ.
Hầu Tỷ