Đội tuyển Việt Nam hậu ASIAN Cup: Gạn đục khơi trong...

Thứ hai, 29/01/2024 14:27
Tay trắng rời ASIAN Cup, các tuyển thủ Việt Nam mang theo nỗi buồn trở về V.League. Cùng với thành công của đội tuyển Thái Lan tại chính sân chơi này, bóng đá Việt Nam để kình địch soán ngôi vị số 1 Đông Nam Á. Một giải đấu buồn và hàng loạt tin buồn, tuy nhiên không vì thế mà được phép buông bỏ. Bóng đá Việt Nam cần "xốc lại hành trang" để bước tiếp, đặc biệt là ở vòng loại World Cup 2026.
Đội tuyển Việt Nam (trái) cần sự hỗ trợ tích cực từ các CLB và V.League.
Đội tuyển Việt Nam (trái) cần sự hỗ trợ tích cực từ các CLB và V.League.

Với các tuyển thủ, tất cả cũng phải quên đi thất bại để trở lại với trái bóng và sân cỏ quen thuộc, là nguồn sống chính của nghiệp quần đùi áo số và cũng là nơi, bằng sự gián tiếp nào đó, dẫn đến kết quả không như mong đợi ở đấu trường châu lục vừa qua. Ở nơi này, V.League, VAR chưa nhiều và "khắt khe" như ASIAN Cup, và các trọng tài cũng "hiền" hơn các ông Gulmurodi Sadullo hay Nazmi Nasaruddin đã rút thẻ không khoan nhượng với Lê Phạm Thành Long, Khuất Văn Khang…

"Ta về ta tắm ao ta", V.League đang chờ đón, giữa "trong" và "đục". Nói thế bởi cũng chính cái "ao V.League" từng đóng góp cho bóng đá Việt Nam những gương mặt làm nên niềm tự hào Thường Châu hay vòng loại thứ 3 World Cup nam, VCK World Cup. Nhưng cũng chính cái "ao nhà" ấy hiện đang được nhận định là tác nhân, là "thủ phạm" hại chính đội tuyển quốc gia với kết quả kém hơn cả Indonesia và Malaysia ở một giải đấu mà bóng đá nước nhà có lịch sử "oai" hơn nhiều!.

"Trong" hay "đục" trong suy nghĩ có tồn tại, nhưng nói ra là điều tế nhị, đụng chạm đến thể diện. Song không nói bây giờ thì bao giờ?. Ví như Indonesia và Malaysia, Liga 1 hay Malaysia Super League cũng lắm thị phi với những màn ẩu đả trên sân hay bạo động trên khán đài. Ngay cả SEA Games 32 cũng đã xảy ra trận chung kết "võ thuật" đầy tai tiếng giữa U22 Thái Lan và U22 Indonesia đấy thôi.

Cũng là "ao" cả. Thế nhưng đã có sự khác biệt. Nhìn cách Thái Lan, Indonesia và Malaysia đá ở ASIAN Cup, có vẻ họ rất khác khi "tắm" trong "hồ", nếu ASIAN Cup chưa thể gọi là "biển". Nói cách khác, cầu thủ ở tuyển 3 đại diện Đông Nam Á nói trên có cách ứng xử khác nhau giữa sân chơi châu lục và sân chơi trong nước hay khu vực. Nhìn chung, họ kinh nghiệm hơn hoặc "khôn" hơn lớp trẻ của HLV Philipp Troussier!. Các cầu thủ trẻ của Việt Nam trước hết học trong "ao làng" ấy, "học thầy không tày học bạn", học chính đối thủ càng tốt.

Với người hâm mộ, cũng nên gạn đục khơi trong, không vì riêng một cầu thủ lỗi lầm, HLV không sử dụng cầu thủ nào mà quay lưng với tương lai bóng đá Việt Nam. Tạm gác qua 3 thất ở một giải đấu mà ngay vạch xuất phát, đội tuyển Việt Nam xác định "đá hết sức" vì không có đủ lực lượng mạnh nhất, hãy nghĩ đến những điểm sáng về sự tự tin, bản lĩnh, tinh thần thi đấu và diện mạo mới trong lối chơi thể hiện ở cuộc đối đầu với các đối thủ mạnh của top 10 châu Á như Nhật Bản, Iraq. Đó là cơ sở để đội tuyển tiếp tục phấn đấu, thúc đẩy bản thân vượt qua khó khăn để đạt đến bước chuyển mình mạnh mẽ hơn.

Với định hướng mang tính dài hơi cho một chu kỳ phát triển mới, đội tuyển Việt Nam đã mạnh dạn mang đến ASIAN Cup vừa qua một đội hình giàu sức trẻ, kết hợp với một số cựu binh giàu kinh nghiệm nhằm tạo điểm nối. Có chút tiếc nuối khi đội tuyển đã không thể có được lực lượng tốt nhất do một số trụ cột không kịp hồi phục chấn thương trước thềm giải đấu. Nhưng điều này cũng không phải là trở ngại lớn nhất, bởi trong giai đoạn chuẩn bị đã có khoảng 80 cầu thủ được triệu tập và huấn luyện qua các đợt tập trung của đội tuyển để tạo dựng các phương án dự phòng, trong đó có những gương mặt trẻ nổi bật như Minh Trọng, Thái Sơn, Văn Khang, Tuấn Tài, và đặc biệt là Đình Bắc mới chỉ 19 tuổi nhưng đã cho thấy sự trưởng thành vượt bậc.

Dưới sự dẫn dắt của tân HLV trưởng Philippe Troussier, đội tuyển cũng đã từng bước định hình lối chơi theo triết lý cầm bóng và chơi bóng một cách chủ động. Tuy nhiên, sự thay đổi nào cũng cần phải có thời gian, nên để đạt được hiệu quả như mong muốn của nhà cầm quân người Pháp, đội tuyển vẫn cần kiên trì nỗ lực hơn rất nhiều, song hành với đó là sự thấu hiểu và động viên từ số đông người hâm mộ.

Tháng 3 không còn xa, V.League cần phải sớm cải thiện chất lượng VAR, chất lượng trọng tài, và cả những hành động cụ thể thay đổi tư duy của cầu thủ về giải đấu, để cùng hướng về mục tiêu quan trọng của đội tuyển quốc gia tại vòng loại World Cup 2026. Nơi đó, thầy trò HLV Troussier lại gặp 2 trong 3 đối thủ cùng bảng D ASIAN Cup là Iraq và Indonesia, vốn rất khéo tận dụng, khai thác sự "non nớt", "thói quen V.League" của cầu thủ Việt Nam.

S.T