Đòn bẩy nào cho du lịch Tây Bắc Đà Nẵng?

Thứ năm, 19/05/2022 10:06
Nếu nói về tiềm năng du lịch thì khu vực Tây Bắc của Đà Nẵng vô cùng lợi thế với sông Cu Đê, suối Lương, đèo Hải Vân, biển Xuân Thiều, Nam Ô... Tuy vậy, du lịch nơi đây chưa phát triển tương xứng, phải chăng vì thiếu các dự án động lực, các đề án quy hoạch, kết nối bài bản?

Đánh thức đường "5 sao"

Khi mới khánh thành đường Nguyễn Tất Thành được ví là con đường "5 sao" ôm quanh vịnh Đà Nẵng tuyệt đẹp, nhưng rồi cũng kể từ đó nó như bị "ngủ quên". Trong khi đó, ở ven biển phía Đông, hạ tầng du lịch hiện đại mọc lên san sát trên tuyến Võ Nguyên Giáp, trở thành nơi sầm uất bậc nhất Đà Nẵng. Gần đây, đường "5 sao" Nguyễn Tất Thành được đánh thức bởi một số dự án du lịch, nhất là đoạn từ Xuân Thiều xuống Nam Ô.

Bãi biển Xuân Thiều đẹp nổi tiếng thường được gọi với tên "bãi biển đỏ" được tập đoàn Mikazuki (Nhật Bản) đánh thức bởi dự án có tổng mức đầu tư 3.900 tỷ đồng, trên diện tích 13 ha. Dự án có quy mô gồm khối khách sạn cao 24 tầng, các hạng mục khu vui chơi có mái, khu công viên nước ngoài trời, khu nhà hàng tiệc cưới, khu dịch vụ bể bơi… hiện đã hoàn thành giai đoạn 1. Ông Yoshimune Odaka, Chủ tịch Tập đoàn Mikazuki cho biết, tập đoàn đang thực hiện thủ tục, nỗ lực hoàn thành để khởi công xây dựng thêm 2 dự án mới là cầu đi bộ và phố đêm tại Xuân Thiều trong năm 2023. Các dự án của Mikazuki mang đậm phong cách Nhật Bản giữa khung cảnh thiên nhiên bên vịnh tuyệt đẹp tạo nên sản phẩm du lịch, trải nghiệm đặc sắc, hấp dẫn cho du khách.

Công viên công cộng cuối đường Nguyễn Tất Thành đang được rào chắn để thi công.
Dự án khu du lịch Xuân Thiều của tập đoàn Mikazuki tạo động lực thúc đẩy du lịch phía Tây Bắc của Đà Nẵng phát triển.

Trong khi đó, cuối tuyến Nguyễn Tất Thành, các hạng mục thuộc Đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô đang được tập đoàn Trung Thủy (chủ đầu tư khu du lịch sinh thái Nam Ô) triển khai thi công. Nổi bật như công viên kết hợp bãi đỗ xe công cộng mặt tiền Nguyễn Tất Thành (vốn dự kiến khoảng 35 tỷ đồng) hay công viên quảng trường biển đang được thi công. Riêng 2 hạng mục công viên sinh thái ghềnh Nam Ô và bãi tắm thuyền thúng đang vướng về thủ tục chưa thể triển khai. Bà Trương Nhật Hạ Duyên, đại diện Công ty Cổ phần Trung Thủy Đà Nẵng cho biết, dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô được thiết kế gắn kết hài hòa giữa thiên nhiên, cảnh biển và văn hóa đặc trưng bản địa. Sau khi có giấy phép thi công các hạng mục hạ tầng, hiện chủ đầu tư đang tiến hành san nền theo cao trình, làm đường công vụ, trồng cây xanh. "Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ sớm hoàn thiện pháp lý để triển khai các khu công trình, tạo thêm sản phẩm du lịch đặc trưng cho Đà Nẵng. Kế hoạch, Trung Thủy cũng muốn kết hợp với các dự án du lịch khác trong khu vực, như Mikazuki tạo thành vệt kết nối từ Xuân Thiều xuống Nam Ô nhằm hấp dẫn du khách"- bà Duyên chia sẻ.

Dọc đường biển Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng đã cho đầu tư 4 công viên, tạo cảnh quan, điểm giải trí cho người dân. Trong đó, khu vực nối Xuân Thiều và Nam Ô có dự án quảng trường kết hợp bãi đỗ xe tại cuối tuyến Võ An Ninh. Tuy vậy, để thực sự biến thành vệt du lịch kết nối sôi động vẫn cần thêm nhiều dự án mới tại đây. Trong đó, TP cần điều chỉnh quy hoạch từ đất biệt thự thành đất thương mại dịch vụ vệt dọc tuyến Nguyễn Tất Thành từ Mikazuki về phía Nam Ô để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư.

Khu vực Tây Bắc của Đà Nẵng có lợi thế phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.

Trăn trở kết nối

Ngoài tuyến đường ven biển thì sông Cu Đê, Suối Lương hay đèo Hải Vân cũng đều mang vẻ đẹp tự nhiên cuốn hút, hùng vĩ, hấp dẫn cho du khách trải nghiệm. Nhưng đánh thức tiềm năng và khai thác thế nào dường như vẫn là bài toán nhiều trăn trở. Ông Trần Công Nguyên, Phó chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu cho biết, địa phương đang triển khai đề án phát triển du lịch sông Cu Đê theo quy hoạch.

Cụ thể, sẽ đầu tư bến tàu tại phía bắc cầu Nam Ô là bến chung với cầu tàu, quầy bán vé, đưa đón khách. Bến Hầm Vàng sẽ đầu tư khu nhà hàng, quầy lưu niệm, nông sản, tái hiện làng chài, không gian lễ hội (khu đất Miếu Bà và khu đất đình làng Thủy Tú được tôn tạo, chỉnh trang hiện trạng kết hợp công viên cây xanh phục vụ lễ hội). Ngoài ra ngược sông Cu Đê lên Hòa Bắc còn 2 bến tàu khác đã được quy hoạch chi tiết. Dọc suối Lương hiện đã có khu du lịch Suối Lương và một số khu tự phát, ông Nguyên cho biết địa phương đang chờ quy hoạch phân khu của TP để sắp xếp, quản lý đưa vào quy củ, khai thác hết tiềm năng.

Công viên công cộng cuối đường Nguyễn Tất Thành đang được rào chắn để thi công.

Đặc biệt, với đèo Hải Vân, đây không chỉ là thắng cảnh thiên nhiên mà còn gắn với di tích quốc gia Hải Vân quan trên đỉnh đèo. Hải Vân quan được xây dựng vào năm 1826 có kiến trúc quân sự độc đáo, có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, quân sự, kiến trúc, đang được trùng tu với tổng kinh phí hơn 42 tỷ đồng. Kể từ khi thông hầm Hải Vân thì tuyến đường đèo Hải Vân trở thành tuyến đường du lịch độc đáo luôn hấp dẫn du khách. Ông Nguyên nói rằng, ngoài điểm dừng chân tham quan trên đỉnh đèo, việc khai thác hiệu quả dọc cung đường đèo sẽ mang lại giá trị du lịch rất lớn. Chưa kể, dưới đèo, dự án khu du lịch Làng Vân vẫn đang tích cực triển khai.

Rõ ràng tiềm năng rất lớn, các đề án, dự án du lịch mang tính động lực cũng đã được quy hoạch. Vấn đề còn lại là các dự án đầu tư du lịch cần sớm triển khai, hoàn thiện để đưa vào khai thác, đấy mới là động lực chính để phát triển. Ông Nguyên chia sẻ, địa phương luôn nỗ lực, nhất là khâu giải phóng mặt bằng với mong muốn các dự án du lịch động lực sớm triển khai, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mang lại việc làm cho người dân.

HẢI QUỲNH