Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2014):

Dòng chữ ghi trên hầm De Castries

Thứ ba, 29/04/2014 10:22

(Cadn.com.vn) - Nhận được giấy mời của Bộ Tư lệnh thông tin, tôi đến dự cuộc gặp mặt những người đã chứng kiến cảnh đầu hàng của De Castries ngày 7-5-1954.

Đại tá Trần Quân Lập, nguyên Chính ủy Trung đoàn 209 cho biết, đợt Tổng công kích lúc đầu dự kiến vào tối 7-5-1954, nhưng khi thấy cờ trắng là vải dù, áo lót, bông băng... lính Pháp xâu vào lưỡi lê hay báng súng giương lên cao, ngụ ý xin đầu hàng, không kháng cự, ra được lệnh tấn công ban ngày. Ai cũng phấn khởi, hào hứng: Nếu chậm trễ, địch sẽ rút sang Lào, chắc ta không thể thắng lợi giòn giã, bắt gọn toàn bộ tù binh, trong đó có tất cả các thành viên trong Bộ Tham mưu của tướng De Castries như đã xảy ra.

Người lên diễn đàn thứ hai là Chính trị viên Tiểu đoàn 130 Trần Quải. Anh Quải nói đặc giọng lính: "Tiểu đoàn tôi đã tung chủ công và thê đội 2 vào trận. Mấy cái hàng rào bùng nhùng dính bộc phá cứ tung lên rồi lại rơi xuống như cũ. Chúng tôi biết là lượng bộc phá quá ít không thể phá nổi hàng rào dây thép gai rất dày. Trung đoàn ra lệnh tấn công liên tiếp nhưng hết bộc phá. Tôi gọi Tạ Quốc Luật, Đại đội trưởng Đại đội dự bị 360. Qua nhiều ngày đêm chiến đấu ác liệt, Luật cũng còn rất ít quân. Tôi lệnh cho Luật gom thêm quân, đánh thẳng vào phía hầm De Castries. Có hai cán bộ trung đội đi theo Luật là Trung đội trưởng Chu Bá Thệ và đồng chí Mai Thế Toại, cán sự chính trị".

Hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp.

 Đại tá cựu chiến binh Mai Thế Toại cho biết: "Nhiệm vụ của tôi hồi đó là phải lo báo cáo thành tích, đề nghị khen thưởng cho đồng đội nên đã ghi chép được những sự việc xảy ra tại thời điểm cuối cùng ở Điện Biên Phủ. Anh kể: "Luật ra lệnh cho anh em kiếm chăn, dù phủ lên hàng rào để lính chạy băng qua. Đến cầu Mường Thanh, gặp hỏa lực địch kháng cự, Luật chỉ mục tiêu cho anh em bắn trả. Khoảng 5 phút sau, Luật cho anh em vượt cầu. Sang bên kia cầu, đơn vị tỏa làm ba hướng, hướng đầu có Hoàng Đăng Vinh, Lam đi thứ hai rồi đến Luật, Hiếu, Nhỏ. Đây là đội hình tấn công. Vinh chỉ là người đi đầu, không phải là chiến sĩ lập công đầu. Vinh ném thủ pháo. Luật xông vào hầm, không nhìn rõ tụi nó vì khói bộc phá. Luật hô to bằng tiếng Pháp: "Bỏ súng xuống, giơ tay lên. Hàng thì sống, chống thì chết". Khói tan, nhìn rõ từng đứa, anh quát to: "Anh kia sao không giơ tay hàng? Trong các anh ai là De Castries? De Castries đội mũ lô đỏ, tay cầm can, giơ tay còn lại lên để tự giới thiệu là người chỉ huy cao nhất ở đây. Luật bảo De Castries: "Anh hạ lệnh cho các sĩ quan và binh sĩ dưới quyền anh buông súng đầu hàng". De Castries lắc đầu đáp: "Bây giờ không thể làm gì hơn được nữa". Luật quyết định: "Nếu vậy,  các anh đi thẳng hàng dọc ra khỏi hầm". Luật và các chiến sĩ áp giải tất cả về tuyến sau. Những năm qua, rất ít báo nhắc đến Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật. Hoàng Đăng Vinh đã gặp may lớn. Nước ta tổ chức đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc. Tạ Quốc Luật được chọn là số một. Đến phút chót, Chính ủy Trung đoàn Trần Quân Lập quyết định giữ Tạ Quốc Luật lại vì anh là nhân chứng sống, là diễn giả chính trong lễ mừng công, tổng kết của trung đoàn. Hoàng Đăng Vinh được thay thế. Vinh kể lại mọi chuyện đã diễn ra. Vinh được Bác Hồ khen ngợi và chính Bác đã gắn Huy hiệu Điện Biên Phủ lên ngực áo Vinh. Nếu không bị giữ lại, chắc chắn Tạ Quốc Luật được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân ngay ngày đó và được cử đi kể chuyện bắt De Castries ở trong nước và nước ngoài. Hoàng Đăng Vinh là chiến sĩ nên không dám nói trước chỗ đông người, luôn đề cao, suy tôn Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật.

Tạ Quốc Luật được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Tôi và Luật là bạn rất thân nhau. Chúng tôi cùng là trung đội trưởng ở Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 . Khi Luật nhận chức đại đội phó, tôi nài nỉ Trung đoàn trưởng Nam Long cho tôi không giữ chức chính trị viên phó đại đội. Nếu anh Mạc Ninh chính ủy trung đoàn không đồng ý, tôi tình nguyện vẫn là trung đội trưởng (theo quan niệm của chúng tôi hồi đó thì chính trị viên phó đại đội chuyên đi sau đội hình để lo chính sách thương binh, liệt sĩ không được xông vào đồn địch uỳnh oàng). Cuối năm 1953, tôi lên chức chính trị viên đại đội, được điều động về Báo QĐND, Tạ Quốc Luật lên đại đội trưởng, được chuyển sang Trung đoàn 209. Tôi đã kể với Luật: Tớ không có bản gốc nhưng tớ đã ghi được thư De Castries gửi Anh Văn:

"Kính gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ngài còn chờ gì mà không cho quân lâm trận? Binh hùng tướng mạnh sao không dám đánh? Hay Ngài sợ binh sĩ của Ngài bỏ mạng ở chiến lũy Điện Biên Phủ. Xin hân hạnh được tiếp Ngài!"...

  Năm 2014 này hầu hết những ai đã tham dự Chiến dịch Điện Biên Phủ đã mang đầu 8 ở trước tuổi. Các cựu chiến binh và khách đến thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ đều được tận mắt nhìn thấy tấm bia kỷ niệm ghi dòng chữ (đã được Bộ Quốc phòng thông qua): "Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Vào lúc 1 giờ 30 phút ngày 7-5 -1954, tổ xung kích do đồng chí Tạ Quốc Luật, Đại đội 360, Trung đoàn 209, Đại đoàn  312 tiến vào bắt sống tướng De Castries cùng toàn thể Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ". Tôi mừng vì đây là lời kết luận chính thức cho một việc không đáng gây tranh cãi đã tốn không ít giấy mực nhiều năm qua...

Đại tá Nguyễn Trần Thiết