Động đất Morocco: Chạy đua tìm kiếm người sống sót

Thứ ba, 12/09/2023 09:32
Các nhân viên cứu hộ Morocco đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những nạn nhân còn mắc kẹt trong các đống đổ nát sau trận động đất xảy ra tối 8-9 gây thương vong lớn nhất tại quốc gia này kể từ năm 1960.
Người dân đưa thi thể một nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất ra khỏi đống đổ nát. Ảnh: AFP
Người dân đưa thi thể một nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất ra khỏi đống đổ nát. Ảnh: AFP

Theo Tổ chức Chữ Thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, quãng thời gian 48-72 giờ sau động đất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nỗ lực tìm kiếm cứu hộ. Do đó, chính quyền Morocco vẫn đang huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động cứu hộ. Quân đội và lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian, để tìm kiếm người sống sót trong khoảng "thời gian vàng" này. Tình trạng của những nạn nhân bị thương, mắc kẹt có thể xấu đi nhanh chóng sau khoảng thời gian này.

Giới chức Morocco điều động quân đội đến các khu vực bị ảnh hưởng để tìm kiếm nạn nhân và hỗ trợ những người sống sót. Vua Morocco Mohammed VI đã ra lệnh thành lập ủy ban cứu trợ thiên tai. Các đơn vị dân sự được triển khai để tăng dự trữ trong ngân hàng máu và đảm bảo nguồn cung nước, thực phẩm, chăn lều cho người dân mất nhà cửa. Tuy nhiên, công tác cứu hộ, cứu trợ gặp nhiều khó khăn khi phần lớn thương vong xảy ra ở các tỉnh al-Haouz, Taroudant và khu vực tâm chấn trên dãy Atlas. Đây là các khu vực hẻo lánh, khó tiếp cận do các tuyến đường bị hư hại hoặc đất đá vùi lấp.

Cộng đồng quốc tế hỗ trợ Morocco

Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) Hissein Brahim Taha đã kêu gọi các quốc gia thành viên, các tổ chức nhân đạo và cộng đồng quốc tế hỗ trợ công tác cứu hộ các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi động đất tại Morocco. Đại diện Liên hợp quốc tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Morocco trong hoạt động cứu trợ. Nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới đã bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ chính phủ Morocco khắc phục hậu quả của thảm họa động đất.

Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh châu Phi (AU) và Ủy ban châu Âu (EC), cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu cam kết sẽ "huy động mọi phương diện từ kỹ thuật, tài chính và những sự hỗ trợ liên quan" để giúp đỡ Morocco khắc phục hậu quả thiên tai. Hiện một đội lính cứu hỏa tình nguyện của Pháp đã có mặt tại Morocco và Tổng thống Macron khẳng định sẵn sàng hỗ trợ tối đa nếu Morocco đề nghị.

Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) cũng đã giải ngân hơn 1 triệu USD từ quỹ thảm họa khẩn cấp để hỗ trợ công tác của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Morocco tại thực địa. Mạng lưới nhân đạo này cũng nhấn mạnh rằng đất nước Bắc Phi này có thể cần được hỗ trợ trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.

Mỹ tuyên bố "sẵn sàng hỗ trợ đáng kể", bao gồm việc cử các đội tìm kiếm và cứu hộ tới Morocco và viện trợ tài chính. Tây Ban Nha ngày 10-9 đã cử 86 lính cứu hộ và 8 chó nghiệp vụ tới Morocco sau khi nhận được yêu cầu giúp đỡ chính thức từ Rabat. Qatar cũng đang điều một đội cứu hộ tới quốc gia này. Thụy Sĩ đã đề nghị cung cấp lều tạm cho các nạn nhân động đất, thiết bị xử lý và phân phối nước, thiết bị vệ sinh và bộ dụng cụ vệ sinh. Bỉ muốn trợ giúp về nhân sự y tế và bệnh viện dã chiến. Chính quyền vùng Flanders - nơi sinh sống có đông đảo người gốc Morocco sinh sống - thông báo sẽ cung cấp 200.000 eur (214.270 USD) viện trợ khẩn cấp thông qua Hội Chữ thập Đỏ, trong khi vùng Wallonia cam kết cung cấp 500.000 eur. Italy cũng đã đề xuất cử lực lượng bảo vệ dân sự và cứu hỏa của nước này tới Morocco, trong khi Giáo hội Công giáo Italy đã viện trợ 300.000 eur thông qua tổ chức phi chính phủ Caritas Italy. Tương tự, Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị gửi 265 nhân viên cứu hộ và 1.000 lều tới Morocco, trong khi các nước Ba Lan, Israel, Iraq và Jordan khẳng định sẽ cung cấp mọi hình thức hỗ trợ có thể cho quốc gia này.

Nhiều người dân vẫn ngủ ngoài đường

Tại ngôi làng Moulay Brahim, phía Nam Marrakech trên dãy núi Atlas bị ảnh hưởng nặng nề do trận động đất, các gia đình đang phải sống trong những túp lều dựng tạm trên một sân bóng đá. Chính quyền địa phương cho biết có thể phải một tuần nữa họ mới có thể về nhà. Trong khi đó, tại Marrakech, thành phố lớn nhất gần tâm chấn và là một điểm thu hút khách du lịch lớn, nhiều gia đình tiếp tục lựa chọn ngủ ngoài trời trong khi chính quyền cảnh báo người dân phải chú ý đến các dư chấn. Ở công viên Oliveraie ở trung tâm Marrakech, hàng trăm người, bao gồm cả trẻ em và người già, ngủ trên những chiếc chăn và nệm được phát tạm. Các gia đình cố gắng nghỉ ngơi sau cú sốc và hoảng loạn. Một số người mang theo túi quần áo và thực phẩm, chuẩn bị cho một đợt không được về nhà lâu hơn. Quốc vương Morocco đã ban hành chỉ thị thành lập một ủy ban cứu trợ để cung cấp dịch vụ chăm sóc, nhà ở và thực phẩm cho những người bị ảnh hưởng. Tại sân bay Marrakech, hàng chục du khách ngủ trên sàn nhà ga chính chờ lên máy bay. Các chuyến bay đến và đi hầu như vẫn hoạt động bình thường.

Người dân trên cả nước cũng mô tả nỗi kinh hoàng khi không thể liên lạc được với thân nhân sống tại các làng dọc tâm chấn, bởi mạng viễn thông không ổn định, một số nơi bị cắt đứt hoàn toàn. Nhiều làng mạc nằm trên sườn đồi đã bị san phẳng trong động đất. Suốt hai ngày, dân làng Asni ở dãy Atlas phải ở ngoài trời trong tình cảnh không có điện và nước. Tại làng Tafeghaghte gần tâm chấn, gần như không có ngôi nhà nào đứng vững. Giới chức an táng khoảng 70 người trong một ngày. Tại thị trấn Ouirgane, người dân đang ra đường, phối hợp cùng chính quyền để kéo thi thể nạn nhân ra khỏi đống đổ nát. Người dân tại làng Mouley Brahim cũng đang đào bới gạch đá để tìm kiếm người sống sót.

AN BÌNH