Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria: Thương vong không ngừng tăng lên

Thứ tư, 08/02/2023 10:59
Thổ Nhĩ Kỳ, Syria xác nhận tính đến tối 7-2, hơn 5.000 người tử vong sau thảm kịch động đất. Con số thiệt hại về người và tài sản dư kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong bối cảnh lực lượng cứu hộ đang nỗ lực hết sức để xác định vị trí của những người sống sót bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của hàng nghìn tòa nhà bị sập.
Lực lượng cứu hộ chuyển một thi thể được tìm thấy trong đống đổ nát ở thành phố Adana, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Một bé gái được giải cứu tại Jandaris, Syria.

Cơ quan Ứng phó Thảm họa và Tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD), cho biết tính đến tối ngày 7-2, số người thiệt mạng do thảm kịch động đất ở nước này đã tăng lên 3.549. Ít nhất 20.426 người bị thương, 11.000 tòa nhà trên toàn quốc bị hư hại, gần 25.000 nhân viên cứu hộ cùng ít nhất 10 tàu biển, 54 máy bay đang tham gia chiến dịch tìm kiếm cứu nạn tại các khu vực bị ảnh hưởng.

Syria ghi nhận ít nhất 1.600 người thiệt mạng do động đất tại các khu vực do chính phủ và phe đối lập kiểm soát, khoảng 3.648 người bị thương. Với số liệu này, tổng số người chết do thảm họa động đất ở hai quốc gia đã tăng lên 5.151.

Năng lượng giải phóng tương đương 32 quả bom nguyên tử

Trận động đất độ lớn 7,8 xảy ra lúc 4 giờ 17 sáng 6-2 (giờ địa phương), với tâm chấn ở độ sâu khoảng 18 km gần thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, cách biên giới Syria khoảng 60 km. Đây được xem là trận động đất mạnh nhất trong gần một thế kỷ ở khu vực này. Theo báo The New York Times, năng lượng giải phóng ra từ trận động đất tương đương 32 quả bom nguyên tử đã thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản cách đây gần 80 năm.

Các chuyên gia cho rằng trận động đất gây thiệt hại lớn do xảy ra ở khu vực đông dân cư và vào rạng sáng khi nhiều người còn đang ngủ. Ngoài ra, tâm chấn nông cũng là yếu tố gia tăng mức độ tàn phá. Một nhân tố khác cũng ảnh hưởng đến mức độ tàn phá là chất lượng xây dựng của các tòa nhà trong khu vực. Theo dữ liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), cấu trúc của phần lớn các tòa nhà trong khu vực đều rất dễ chịu tác động của các đợt rung chấn.

Nhà địa chấn học Susan Hough của USGS nhận định dù không phải trận động đất mạnh nhất thế giới, nhưng động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt nguy hiểm. Mặc dù dữ liệu của USGS cho thấy trận động đất có độ lớn 7,8, nhưng một số chuyên gia nhận định con số này có thể lớn hơn. Trong khi đó, chuyên gia Januka Attanayake của Đại học Melbourne (Australia) đánh giá năng lượng do trận động đất giải phóng ra tương đương năng lượng đủ để thành phố New York (Mỹ) tiêu thụ trong 4 ngày. Theo ông Attanayake, đây dường như là một phần trong loạt trận động đất. Một đường đứt gãy dài khoảng 1.500 km chia tách mảng kiến tạo Á - Âu ở phía Bắc với mảng kiến tạo Anatolia ở phía Nam đã tạo ra nhiều trận động đất có độ lớn từ 6,7 trở lên kể từ năm 1939.

WHO: số nạn nhân có thể lên tới hơn 20.000 người

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã bày tỏ quan ngại rằng số người thiệt mạng trong thảm họa động đất xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ còn tiếp tục tăng cao.

Phát biểu với báo giới ngày 6-2, bà Catherine Smallwood - quan chức cấp cao về các tình huống khẩn cấp của Văn phòng WHO tại khu vực châu Âu - cho biết: "Có khả năng sẽ còn tiếp tục xảy ra những vụ sập nhà tiếp theo (do ảnh hưởng của trận động đất), do đó, chúng tôi thường ước tính con số thiệt hại có thể tăng gấp 8 lần so với con số ban đầu. Thật không may, chúng tôi luôn thấy sự dự tính đó đúng với các trận động đất. Các báo cáo ban đầu về số người thiệt mạng hoặc bị thương sẽ tăng khá đáng kể trong tuần tiếp theo". Trước đó, WHO dự đoán sơ bộ số người thiệt mạng trong cơn địa chấn kinh hoàng này tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là hơn 2.600 người.

Khó khăn chồng chất

Giá lạnh và những cơn bão tuyết khắc nghiệt của mùa Đông đã khiến công tác cứu hộ trở nên khó khăn gấp bội. Vẫn còn nhiều trường hợp mắc kẹt và nỗ lực tìm kiếm người sống sót đã thất bại do tác động của thời tiết lạnh giá. Kết nối internet kém, đường sá bị hư hại ở một số thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ cũng cản trở các đội cứu hộ.

Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết thời tiết và quy mô của thảm họa đã gây khó khăn cho các nhóm cứu hộ trong tiếp cận khu vực bị ảnh hưởng. Ông nói rằng máy bay trực thăng không thể cất cánh vào hôm 6-2 do thời tiết xấu. Theo kênh CNN (Mỹ), bão tuyết lớn gần đây đã tấn công các khu vực của Syria cùng Thổ Nhĩ Kỳ, và đến ngày 8-2, nhiệt độ dự kiến giảm xuống vài độ dưới 0 độ C. Nhiều bức ảnh chụp tại các thành phố Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ sau động đất cho thấy các gia đình ngồi quanh bên lửa để giữ ấm. Một số người tạm trú trong xe buýt, trung tâm thể thao, thánh đường và lều tạm thời để tránh các dư chấn. Tối 6-2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố nước này sẽ quốc tang 7 ngày tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau thảm họa động đất xảy ra trước đó cùng ngày.

Ảnh hưởng từ trận động đất mạnh ngày 6-2 cùng sự tàn phá của hơn 11 năm nội chiến gây ra nhiều khó khăn cho Syria. Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc El-Mostafa Benlamlih chia sẻ, tình trạng thiếu nhiên liệu ở Syria và thời tiết mùa đông khắc nghiệt đang tạo ra trở ngại. "Cơ sở hạ tầng bị tàn phá, những con đường mà chúng tôi từng sử dụng cho công tác nhân đạo đã hư hỏng, chúng tôi phải sáng tạo trong cách tiếp cận người dân… nhưng chúng tôi đang làm việc chăm chỉ", ông cho biết.

Ở miền Bắc Syria, các tình nguyện viên cứu hộ cho biết họ thiếu nhiên liệu để vận hành thiết bị cứu hộ và thiếu nguồn lực cơ bản cần thiết trong tình trạng trời mưa và nhiệt độ giá lạnh. Các bệnh viện tại Syria rơi vào tình trạng quá tải. Nhiều cơ sở y tế đã bị tàn phá bởi trận động đất. Xuất hiện lo ngại về dịch bệnh lây lan, đặc biệt là đối với trẻ em.

Lực lượng cứu hộ chuyển một thi thể được tìm thấy trong đống đổ nát ở thành phố Adana, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhiều nước cử lực lượng cứu hộ

Nhiều chính phủ đã gấp rút gửi viện trợ, nhân lực và thiết bị để hỗ trợ công tác cứu hộ. Các quốc gia trên khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông, cũng như Bắc Mỹ đã cam kết hỗ trợ. Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận đã nhận được đề nghị viện trợ từ 45 chính phủ,

Ủy ban châu Âu (EC) thông báo đã điều lực lượng tìm kiếm cứu hộ từ 10 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để hỗ trợ hai nước khắc phục hậu quả động đất. Ủy viên phụ trách xử lý khủng hoảng của EU, ông Janez Lenarcic, cho biết: "Tốc độ là yếu tố cốt lõi, do vẫn còn rất nhiều người mắc kẹt dưới đống đổ nát. Các đội cứu hộ sẽ dốc toàn lực khi công tác này vẫn còn cần thiết".

Thụy Điển - nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU - ngày 6-2 đã quyết định kích hoạt Cơ chế ứng phó khẩn cấp với khủng hoảng (IPCR) nhằm điều phối các biện pháp hỗ trợ của EU đối với hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. IPCR sẽ giúp tăng cường khả năng của EU trong việc đưa ra các quyết định nhanh chóng khi đối mặt với các cuộc khủng hoảng lớn liên quan đòi hỏi phải có phản ứng ở cấp độ liên minh.

Cũng trong ngày 6-2, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này đã điều 300 binh sĩ và 60 máy móc tới Syria nhằm hỗ trợ dọn dẹp các đống đổ nát sau trận động đất kinh hoàng.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh, nước này đang theo sát tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau trận thảm họa động đất, đồng thời bày tỏ lời chia buồn tới các nạn nhân và sự đồng cảm với các gia đình có người thân thiệt mạng và những người bị thương. Chính phủ Trung Quốc đã thông báo viện trợ khẩn cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ 40 triệu NDT (5,9 triệu USD). Trong khi đó, Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc sẽ viện trợ khẩn cấp 400.000 USD, chia đều cho cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng cam kết viện trợ 13 triệu USD để khắc phục hậu quả động đất ở Syria. UAE đã điều một đội cứu hộ mang theo nhiều thiết bị y tế tới miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, nước này còn đang lên kế hoạch thành lập tại đây một bệnh viện dã chiến.

Nhật Bản tuyên bố sẽ gửi một đơn vị thuộc Lực lượng Cứu hộ Cứu trợ Thảm họa của nước này đến Thổ Nhĩ Kỳ. Tối 6-2, đội cứu trợ đầu tiên của Ấn Độ cũng có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ, mang theo chó nghiệp vụ và vật tư y tế. Pakistan cũng cử hai đội tìm kiếm, trong khi Australia và New Zealand cam kết tài trợ các hoạt động hỗ trợ nhân đạo.

AN BÌNH