Dòng họ đồng lòng xây dựng điểm sáng mô hình an ninh trật tự
Phường Đông Thanh là địa bàn ở bắc sông Hiếu, có 12 dòng họ lớn, đều có lịch sử hơn 500 năm hình thành và phát triển gắn với lịch sử làng Nghĩa An, làng Thanh Lương (nay là P. Đông Thanh). Trong đó, dòng họ Hồ Sỹ là một trong những dòng họ khai khẩn làng Nghĩa An, có dân số sinh sống đông trong 12 dòng họ với gần 570 hộ, hơn 2.600 nhân khẩu. Bà con của dòng họ Hồ Sỹ phần lớn làm nông, canh tác rau màu và trồng hoa nổi tiếng của cả Đông Hà. Nhiều hộ sinh sống dọc QL1A cũng linh hoạt buôn bán, đời sống ngày càng thay đổi, khấm khá. Tuy nhiên, việc xảy ra những mâu thuẫn trong cuộc sống, tệ nạn xã hội, ma túy len lỏi… đã khiến ANTT địa bàn không được đảm bảo. Trước tình hình này, năm 2012, Ban chỉ đạo ANTT và Công an phường (CAP) Đông Thanh cùng với dòng họ Hồ Sỹ đã chính thức phát động xây dựng mô hình “Dòng họ không có người vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội” nhằm phát huy vai trò của dòng họ trong công tác đảm bảo ANTT, chung tay xây dựng xã hội và môi trường sống lành mạnh.
Ông Hồ Sỹ Ích- Trưởng Ban điều hành mô hình cho hay, thời gian trước khi xây dựng mô hình, trong dòng họ hàng năm có 10 đến 12 vụ vi phạm pháp luật, chủ yếu là gây rối trật tự công cộng, cá độ, đánh bạc, nhiều thanh niên không có việc làm, lêu lổng dễ dính vào các tệ nạn xã hội. Mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư cũng xảy ra thường xuyên. Thế nhưng, khi hưởng ứng mô hình, bà con trong dòng họ đều có chung nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, mục đích và lợi ích mô hình mang lại. Không chỉ góp phần ổn định ANTT mà còn giúp mỗi thành viên trong dòng họ thêm đoàn kết, sẻ chia khó khăn, cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống. Từ đó, tình hình địa bàn đã chuyển biến tích cực. Các hộ dân đều chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy ước của địa phương và quy chế mô hình của dòng họ. Các vụ vi phạm pháp luật giảm nhanh. Đặc biệt nhất là 2 trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy đã được bà con phát hiện kịp thời, tiến hành cảm hóa, giáo dục. Trước sự quan tâm, động viên, hai thanh niên này đã từ bỏ thói xấu và nỗ lực lao động, xây dựng hạnh phúc gia đình.
Chia sẻ thêm về quá trình thực hiện mô hình, ông Hồ Sỹ Ích cho biết trên cơ sở nắm bắt tình hình về nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật của các trường hợp, Ban điều hành cùng với các chú, các bác cao niên trong dòng họ lấy phương châm “mưa dầm thấm lâu”, kiên trì giáo dục, thuyết phục. Không chỉ đến tận từng nhà gặp trực tiếp mà còn thông qua bạn bè tốt để hướng dẫn, kèm cặp. Qua đó, nhiều thanh niên đã “đoạn tuyệt” cờ bạc, quậy phá, không còn tình trạng đánh lộn gây mất ANTT. Chính vì thế, những vấn đề nổi cộm về ANTT trước đây được dần được khắc phục, hóa giải. Cùng với đó, công tác hòa giải thành công những mâu thuẫn trong quá trình làm ăn, sinh sống đã tạo nên sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư.
Lan tỏa từ hiệu quả mô hình giữ gìn ANTT, Ban điều hành còn đẩy mạnh phong trào khuyến học khuyến tài. Hiện dòng họ Hồ Sỹ có 4 tiểu ban khuyến học, một ban khuyến học tạo thêm phần khích lệ cho con em tránh xa các tệ nạn xã hội. Nhiều học sinh nghèo khó vươn lên, đỗ đạt cao tại trường đại học, có việc làm, có vị trí xã hội trở thành niềm tự hào của gia đình, dòng họ.
Theo Thượng tá Nguyễn Hoài Nam- Phó trưởng Công an TP Đông Hà, qua hơn 10 năm hoạt động, mô hình của dòng họ Hồ Sỹ đã đem lại hiệu quả thiết thực, ANTT được giữ vững, từng bước nâng cao nhận thức và hành động của nhân dân, nhiều cá nhân được UBND các cấp và ngành Công an khen thưởng, nêu gương về tinh thần trách nhiệm, cho con cháu noi theo.
Bảo Hà