Dự án thủy điện Sông Tranh 3: Tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong đền bù
Chiều ngày 23-10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn chủ trì cuộc họp với các sở, ban, ngành cùng các đơn vị, địa phương liên quan và đại diện Cty Cổ phần thủy điện Sông Tranh 3 (TĐST 3) để bàn cách tháo gỡ những vướng mắc tồn tại khiến TĐST 3 dù đã hoàn thành nhưng chưa thể tích nước, đưa vào hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn chỉ đạo tại buổi làm việc. |
Đền bù "qua mặt" chính quyền?
TĐST 3 do Cty cổ phần TĐST 3 làm chủ đầu tư, có công suất 62MW nằm trên dòng chính sông Tranh, địa phận thuộc xã Tiên Lãnh (H. Tiên Phước), xã Phước Gia (H. Hiệp Đức) và các xã Trà Đốc, Trà Sơn (H. Bắc Trà My). Hiện nay, TĐST 3 đã thi công hoàn thành và nghiệm thu đưa vào sử dụng các hạng mục tuyến áp lực (đập dâng, đập tràn, cửa lấy nước, cống dẫn dòng) phục vụ tích nước hồ chứa. Theo kế hoạch dự kiến, đến tháng 3-2018, TĐST 3 sẽ vận hành nhưng trước những khiếu kiện của người dân TĐST 3 đã vỡ kế hoạch. Theo ông Nguyễn Nhuần- Phó Chủ tịch UBND H. Bắc Trà My, TĐST 3 đã không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện dự án. Cụ thể: không có phương án phê duyệt chi tiết từng hộ và không mời chính quyền huyện, xã thực hiện giám sát trong việc đền bù, hỗ trợ (ĐB, HT) thiệt hại cho người dân. "Địa bàn Bắc Trà My có 56 hộ có đất, hoa màu nằm trong vùng dự án được ĐBHT. Khi tiến hành áp giá có 2 hộ không chịu nhận, 7 hộ xảy ra tranh chấp với nhau thì chủ đầu tư dự án mới có báo cáo gửi các cấp chính quyền", ông Nhuần cho hay.
Trong khi đó, theo lãnh đạo UBND H. Tiên Phước, trên địa bàn huyện có 200 ha đất phục vụ thủy điện. Từ năm 2009, TĐST 3 đã tiến hành giải phóng mặt bằng (GPMB), ĐBHT thiệt hại, đến nay cơ bản đã hoàn tất. Điều đó cho thấy, chỉ riêng công tác GPMB, ĐBHT tại H. Bắc Trà My là còn những vướng mắc, bất cập. Ông Lê Huy Tiệp- Giám đốc Cty Cổ phần TĐST 3 lý giải: "Thực tế Cty đã thỏa thuận đền bù theo đúng luật. Về vấn đề nói Cty làm mà xã, huyện không biết là không đúng. Trước đó Cty đã có văn bản gửi cho chính quyền xã, huyện cũng như tỉnh xem chủ trương rồi mới làm việc với người dân. Bên cạnh, Trung tâm phát triển quỹ đất H. Bắc Trà My cũng biết và người dân đều có cam kết, đầy đủ trong quá trình tiến hành nhận tiền bồi thường". Cũng theo ông Tiệp, đến thời điểm hiện tại đã chi hơn 12 tỷ đồng tiền ĐBHT và có văn bản giao cho chính quyền các xã và Phòng TN&MT huyện. Sau khi Cty làm xong UBND xã Trà Đốc cũng đã có xác nhận. Về việc tại sao người dân không nhận tiền đền bù, nhiều lần khiếu nại, khiếu kiện, ông Tiệp cho rằng có hộ đã nhận đền bù rồi nhưng đứng đằng sau tác động, xúi giục.
TĐST 3 dù đã hoàn thành nhưng chưa thể tích nước, đưa vào hoạt động. |
"Né" họp dân để giải quyết dứt điểm?
Trước những vấn đề tồn tại, lãnh đạo UBND H. Bắc Trà My và UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu phải tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của tất cả các hộ dân nằm trong diện được ĐBHT để gỡ "nút thắt". Ông Nguyễn Nhuần cho rằng, trước khi TĐST 3 tích nước thì phải để UBND H. Bắc Trà My mời các hộ dân đến làm việc, phải có cam kết đã nhận tiền đầy đủ để có cơ sở giải quyết những bất cập sau này. "Nếu cho tích nước mà dân có khiếu nại, khiếu kiện thì không được. Chuyện dẫn đến hệ lụy hiện tại là của Cty vì thế cần phải phối hợp giải quyết cho tốt. Sau khi tích nước mà người dân lại gây khó khăn thì huyện không chịu trách nhiệm. Huyện luôn tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp chứ nói huyện gây khó khăn là không đúng", ông Nhuần nêu quan điểm.
Đồng quan điểm đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng nam Huỳnh Khánh Toàn nêu: "Đã có văn bản thỏa thuận rồi thì cứ tiến hành họp lại, không phải sợ gì cả. Người dân có ý kiến thì mình đã có văn bản cam kết rồi. Không những thế, đây cũng là dịp để thông báo cho người dân biết về việc tích nước để chủ động nắm bắt". Trả lời về những yêu cầu trên, ông Tiệp phân tích, từ tháng 7-2018 tổ máy 1 của nhà máy đã hoàn thành nhưng vì "cấn" một hộ dân mà không thể vận hành dẫn đến vỡ kế hoạch. Vấn đề này Cty cũng có lỗi nhưng ngoài ra cũng có lý do khách quan như gặp phải động đất nên phải dừng hoạt động, đến năm 2016 mới thi công trở lại. Trường hợp bây giờ nếu họp tất cả các hộ dân lại nữa thì sẽ khó bởi các hộ dân sẽ không đồng nhất ý kiến. Theo ông Tiệp, phương án tối ưu là sẽ họp, giao tất cả các hồ sơ lại cho UBND H. Bắc Trà My.
Trên thực tế, trước những bất cập, tồn tại dai dẳng chưa được giải quyết dẫn đến dư luận không tốt, UBND tỉnh Quảng Nam đã liên tục chỉ đạo chính quyền, các ngành chức năng cũng như Cty Cổ phần TĐST 3 phải tập trung giải quyết dứt điểm vụ việc, để ổn định tình hình, nhất là đời sống và sinh kế của người dân trong phạm vi bị ảnh hưởng bởi dự án. Vì thế, tại buổi làm việc, UBND H. Bắc Trà My và tỉnh Quảng Nam cũng cương quyết chỉ đạo tổ chức cuộc họp để làm sáng tỏ vấn đề, sớm đưa nhà máy TĐST 3 vào hoạt động. Bên cạnh đó, trước khi tiến hành tích nước, TĐST 3 cần có thông báo rộng rãi để người dân được nắm bắt. Đồng thời, TĐST 3 phải khôi phục lại các biển cảnh báo cũ đã bị hư hỏng hoặc không còn phù hợp cũng như có hệ thống báo động, bản đồ ngập lũ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn nhấn mạnh, các đơn vị liên quan cần tập trung giải quyết rốt ráo, quyết liệt những khiếu nại của người dân, hoàn tất các thủ tục trình UBND tỉnh. Vấn đề rà soát lại có còn mồ mả, hoa màu gì của người dân bị ảnh hưởng nếu tiến hành tích nước hay không cũng là một trong những phần việc quan trọng cần lưu tâm.
Phi Nông