Du lịch khởi sắc: Dấu ấn của nhà đầu tư chiến lược
“Ngôi sao sáng” Tây Ninh, Phú Quốc
Sau hơn 2 năm “ngủ đông” và kiệt sức vì phải liên tiếp đương đầu với đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đã và đang dần dần “bừng tỉnh” nhờ những nỗ lực phục hồi không ngừng nghỉ của Chính phủ, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp du lịch.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 đạt hơn 3,66 triệu lượt người, cao gấp 23,3 lần so với năm trước. Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của khách nội địa 2022 khi đạt tới 101,3 triệu lượt, tăng 168,3% so với kế hoạch, vượt mức trước dịch.
Bước sang năm 2023, du lịch ngày càng có những bước tiến khởi sắc ấn tượng. Chỉ trong 06 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (từ ngày 21 - 26/1/2023), toàn quốc ước phục vụ 9 triệu lượt khách nội địa (tăng khoảng 47,5% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán 2022). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 17,5 nghìn tỷ đồng…
Du lịch phục hồi cũng đem đến tình hình sôi động cho ngành hàng không Việt Nam ở cả thị trường khách nội địa và thị trường khách quốc tế. Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), tháng 1/2023, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không ghi nhận đạt 9,8 triệu khách, tăng 13,8% so với tháng 12/2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 2,3 triệu khách, tăng 10% và khách nội địa đạt 7,5 triệu khách, tăng 15% so với tháng 12/2022.
Sự phục hồi mạnh mẽ sau dịch cũng ghi nhận sự tăng trưởng thăng hoa đột biến của những điểm đến mới mẻ như: Tây Ninh, Phú Quốc, Ninh Bình… Ấn tượng nhất có lẽ là Tây Ninh, điểm đến hút khách từ Tết Nguyên đán 2023 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đến tận giữa tháng 2/2023. Từ Mùng 1 đến 15 tháng Giêng năm nay, tổng số khách đến quần thể Sun World Ba Den Mountain, khu du lịch trọng điểm của Tây Ninh, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ riêng 2 ngày cuối tuần mới đây (11-12/2), hệ thống cáp treo của Sun World Ba Den Mountain đón tới 235 ngàn lượt khách đến hành hương tại Núi Bà (Tây Ninh).
Trong khi đó, đảo Ngọc Phú Quốc cũng là một điểm đến hút khách dịp đầu năm 2023 và dự báo sẽ bùng nổ trong năm nay. Năm 2022, theo báo cáo của Sở Du lịch Kiên Giang, toàn tỉnh đón hơn 7 triệu lượt du khách đến tham quan, vượt 26% kế hoạch. Riêng đảo ngọc Phú Quốc đón hơn 4,7 triệu lượt khách, tăng 25% so với kế hoạch năm. Đặc biệt, Xuân Quý Mão vừa qua, tỉnh Kiên Giang đón 339,634 lượt khách, tăng 15,4% so với cùng kỳ, trong đó Phú Quốc ước đón 185,099 lượt khách đến tham quan du lịch, tăng 23,6% so với cùng kỳ, khách quốc tế 13,851 lượt, tăng 184,5% so với cùng kỳ.
Sản phẩm mới – chìa khóa tạo nên sự bứt tốc cho điểm đến
Lý giải nguyên nhân giúp du lịch Việt Nam nhanh chóng khởi sắc ở giai đoạn sau dịch, hầu hết các chuyên gia du lịch cho rằng, sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của Chính phủ và các địa phương cũng như sự nhạy bén, năng động của cộng đồng du lịch trong việc kiến tạo sản phẩm mới mẻ, độc đáo đã góp phần thúc đẩy du lịch phục hồi nhanh chóng.
Nhận xét về Phú Quốc, “ngôi sao sáng” trên hành trình đánh thức du lịch Việt Nam, ông Tưởng Hữu Lộc, Phó Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI) cho biết, bí kíp thành công của Phú Quốc có lẽ nhờ sở hữu hệ thống đường bay được kết nối tốt cũng như cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch hiện đại, đầy đủ, đặc biệt dịch vụ vui chơi, giải trí mới mẻ, đa dạng ở cả Bắc và Nam đảo.
Tâm điểm thu hút du khách đến Phú Quốc trong dịp Tết vừa qua chính là quần thể Thị trấn Hoàng Hôn (Sunset Town), với tuyến cáp treo 3 dây dài nhất thế giới tới Hòn Thơm, tổ hợp vui chơi giải trí Sun World Phu Quoc, show trình diễn Kiss The Stars đẳng cấp và cây Cầu Hôn sắp ra mắt.
Phó Viện trưởng ATI khẳng định, Tập đoàn Sun Group và Vingroup đã làm rất tốt vai trò của mình khi tạo ra hệ thống vận chuyển du khách lớn cũng như các cơ sở hạ tầng như khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng, lưu trú có thể phục vụ lượng khách lên đến hàng chục ngàn người trong cùng một thời điểm tại Phú Quốc. Điều này rất quan trọng tạo nên sự thành công của ngành kinh tế xanh Phú Quốc vì Việt Nam hiện không có nhiều khu vực có thể đáp ứng được điều đó.
“Thông thường, du khách hay đi Phú Quốc 3 ngày 2 đêm hoặc 4 ngày 3 đêm thì ở phía Bắc họ có thể trải nghiệm các khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi của Vingroup từ 1-3 ngày. Sau đó di chuyển khám phá phía Nam, trải nghiệm cáp treo Hòn Thơm dài nhất thế giới cũng như các khu vui chơi giải trí, bãi tắm, những khu nghỉ dưỡng rất tuyệt vời ở đây 1-2 ngày nữa”, ông Lộc chia sẻ.
Cùng với Phú Quốc, nhiều địa phương khác đã phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp tư nhân để tạo nên những sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, cũng như khắc họa diện mạo độc đáo và hấp dẫn cho các điểm đến.
Tây Ninh năm nay được ví như “ngôi sao mới nổi” trên đường đua phục hồi du lịch với KDL Sun World Ba Den Mountain “mạnh tay” đầu tư trồng hơn 30 loài hoa các loại, hơn 400.000 cây và rất nhiều đại cảnh, tiểu cảnh độc đáo. Đặc biệt, 100.000 bông hoa tulip được trưng bày thành nhiều đợt tại đỉnh núi Bà Đen suốt từ ngày 27 Tháng Chạp đến hết Lễ hội Xuân đã tạo nên khung cảnh nên thơ khiến du khách mê mẩn.
Để đón tiếp lượng khách tăng mạnh dịp cao điểm, Sun World Ba Den Mountain đã khai trương tuyến cáp treo mới Tâm An nối thẳng từ chùa Bà lên đỉnh núi; khánh thành cụm 5 Cột kinh Bát Nhã bằng đá granite đen kim sa, cùng với đó là hệ thống chiếu sáng mỹ thuật hiện đại với hơn 3.500 ngọn đèn led cho toàn bộ cụm công trình văn hóa Phật giáo trên khu vực đỉnh núi…
Thành phố Đà Nẵng cũng đã triển khai nhiều sản phẩm mới hấp dẫn như chuỗi sự kiện mùa hè “Tận hưởng mùa hè Đà Nẵng 2022” với hàng loạt chương trình đặc sắc như: Carnival đường phố Sun Fest, Đại nhạc hội Take me to the sun, Đêm nhạc điện tử EDM… Ngoài ra, khu du lịch Sun World Ba Na Hills cũng ra mắt hàng loạt sản phẩm mới như: Thác Thần Mặt trời, Cổng thời gian, Lâu đài Mặt Trăng, show nghệ thuật Trận chiến ở vương quốc Mặt Trăng…. biến Đà Nẵng trở thành “thỏi nam châm” hút khách”…
Câu chuyện bứt tốc thành công ở Phú Quốc hay Tây Ninh đã cho thấy, những nhà đầu tư chiến lược như Vingroup hay Sun Group đã và đang góp phần tạo động lực và chuyển biến vô cùng lớn cho ngành kinh tế xanh từ việc phát triển cơ sở hạ tầng với những công trình mang tầm vóc thế giới.
Bàn về vấn đề này, Phó Viện trưởng ATI cho rằng, cần có nhiều giải pháp đồng bộ để du lịch có thể trở lại thời hoàng kim như năm 2019. Tuy nhiên, để tạo nên “cú hích” cho giai đoạn phục hồi du lịch, các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương cần tạo ra những hành lang đầu tư cũng như kêu gọi vốn sao cho thuận lợi, hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược. Đặc biệt, cần phải có tầm nhìn lâu dài và phải “chọn mặt gửi vàng” chứ không nên đầu tư dàn trải để tránh lãng phí tài nguyên hoặc tránh nhà đầu tư giữ chỗ đầu cơ tìm cách chuyển nhượng dự án.