Dự thảo Luật Nhà giáo: Các chính sách cần thể hiện đồng bộ, thống nhất
Hội thảo góp ý dự thảo Luật Nhà giáo do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam và Hội Cựu Giáo chức cơ quan Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 19-6 đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, các thầy cô giáo.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: Hội thảo nhằm cung cấp thông tin đến các thầy cô giáo làm công tác công đoàn trong các nhà trường, các Sở GD-ĐT về tầm quan trọng và vai trò của Luật Nhà giáo trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay; ý nghĩa và tác động của Luật tới đời sống, việc làm của nhà giáo trên khắp cả nước. Đây cũng là dịp để Bộ GD-ĐT, Ban soạn thảo ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, các thầy cô giáo đối với dự thảo Luật này; trao đổi, làm rõ các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau.
Tại hội thảo, các ý kiến góp ý đều khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm giúp công tác quản lý nhà giáo có hiệu quả, mang tính hệ thống và thống nhất trong các cơ sở giáo dục cùng các địa phương. Luật cũng quy định rõ trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ và những chế độ đãi ngộ trong đào tạo, bồi dưỡng và thu nhập của nhà giáo là động lực để nhà giáo phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình với gia đình, xã hội.
Cùng với đó, các đại biểu cũng góp ý thêm nhiều nội dung cần bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện dự thảo Luật. Theo TS Phạm Văn Thanh- Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục Việt Nam, dự thảo tuy đã đề cập khá đầy đủ các hoạt động của một nhà giáo ở các cấp nhưng tính chi tiết hoá ở một số điều vẫn chưa rõ, đồng thời, sự gắn kết và tính thống nhất với các Luật hiện hành trong ngành giáo dục chưa cao.
Cụ thể như, cần xây dựng một khái niệm về nhà giáo đầy đủ. Người đã tốt nghiệp các trường sư phạm nhưng không tham gia giảng dạy tại các cơ sở mà chỉ nhận dạy người học tại nhà có gọi là nhà giáo không, có được cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo không? Hay các trường hợp từ ngành khác biệt phái sang làm công tác giảng dạy cũng chưa được đề cập trong dự thảo Luật.
Về chính sách tiền lương, đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo, cô Đỗ Thị Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Yên (Hà Nội), nêu ý kiến: Bên cạnh tiền lương, cần làm rõ phụ cấp như phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm; quy định cụ thể về việc miễn hoặc giảm học phí cho con của nhà giáo để tạo điều kiện thuận lợi và thống nhất trong quá trình thực hiện trong thực tế. Về tuổi nghỉ hưu, theo cô Đỗ Thị Mai, dự thảo quy định giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi là phù hợp. Tuy nhiên, đối với các nhà giáo hoạt động trong môi trường, điều kiện đặc thù như miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì có cần quy định riêng về độ tuổi nghỉ hưu hay không?
Đề cập đến vấn đề của nhà giáo trong các trường ngoài công lập hiện nay, TS Nguyễn Tùng Lâm - Hội Khoa học Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh: Quan hệ của các nhà giáo trong các trường ngoài công lập là quan hệ có tính chất cá nhân nhà giáo với chủ trường. Vây khi có xung đột, mâu thuẫn quyền lợi thì tổ chức nào có trách nhiệm hỗ trợ nhà giáo ở những cơ sở ngoài công lập? Liệu Luật Nhà giáo có nên thêm những điều riêng để hỗ trợ việc quản lý đội ngũ nhà giáo trong các trường ngoài công lập.
Một nội dung được nhiều chuyên gia nêu ý kiến góp ý là về chứng chỉ hành nghề nhà giáo. GS.TS Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam, cho rằng: Theo điều 16 của dự thảo Luật thì việc cấp chứng chỉ hành nghề có vẻ mang tính chất hành chính chứ không phải mang tính chuyên môn. Trong khi đó, việc cấp chứng chỉ hành nghề là minh chứng xác nhận tính chuyên môn, tính đảm bảo chất lượng nghề nghiệp. Vì vậy, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú đề nghị, việc cấp chứng chỉ hành nghề, trước hết phải thông qua một Hội đồng khoa học, có các nhà khoa học chuyên ngành đó tham dự và phải được thực hiện ở chính các trường học, nơi giáo viên, giảng viên đó đang giảng dạy.
Liên quan vấn đề này, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Quản lý Giáo dục, Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam chia sẻ: Quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là điểm mới, được nhiều người quan tâm, có cả ủng hộ và lo lắng. Trong dự thảo Luật Nhà giáo có 3 điều quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Nếu quy định này được thông qua, lần đầu tiên yêu cầu bắt buộc nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề được luật hoá.
Cũng theo bà Đặng Thị Thanh Huyền, mục đích của việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận nghề nghiệp đối với nhà giáo là nhằm đảm bảo giáo viên có đủ năng lực chuyên môn và đạo đức để giảng dạy, giáo dục và đó cũng là cách để bảo vệ lợi ích của người học. Bởi thực tế, việc dạy học tràn lan trong xã hội hiện nay cho thấy ai cũng có thể tự xưng là thầy cô giáo, thậm chí nhiều người không có nghiệp vụ sư phạm vẫn đứng lớp giảng dạy. Tuy nhiên, triển khai không cẩn thận có thể cản trở hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, thêm gánh nặng cho giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nếu như phát sinh "giấy phép con", phát sinh thủ tục không cần thiết.
Việt Hà