Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Đủ tự tin, đủ điều kiện, đủ năng lực để tăng trưởng bứt phá

Thứ bảy, 22/02/2025 06:22

Sáng 21-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế.

Cùng chủ trì và tham dự hội nghị tại các điểm cầu có các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hội nghị được tổ chức để thực hiện kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về phấn đấu tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8% trong năm 2025, với tinh thần "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Đánh giá cao các báo cáo, ý kiến với tinh thần thống nhất, chiến đấu cao, các giải pháp cụ thể với tính khả thi cao, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính tổng hợp, tiếp thu các ý kiến, khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức thực hiện.

Đủ tự tin, đủ điều kiện, đủ năng lực

Thủ tướng nêu rõ, tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, khó lường, trong khi nhiệm vụ năm 2025 rất nhiều, rất nặng nề, khó khăn, thách thức đan xen cơ hội và thuận lợi, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trong năm 2025, chúng ta phải tiếp tục tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18 của Trung ương; tổ chức tốt các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm trọng đại để tăng cường giáo dục truyền thống, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khích lệ lòng tự hào dân tộc, tự tin, khát vọng phát triển; tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp cả về đường lối, nhân sự và bảo đảm an toàn, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Về mục tiêu tăng trưởng,Thủ tướng nêu rõ, tình hình mới, yêu cầu mới phải có cách ứng xử mới, cách làm mới, đột phá hơn, quyết liệt hơn, các cấp, các ngành, các địa phương phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào ra việc đó, làm việc nào dứt việc đấy; phân công nhiệm vụ bảo đảm "5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm", tăng cường giám sát, kiểm tra.

Đặt vấn đề "chúng ta có có khả năng để làm, có tự tin để làm và có dám làm không" trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong những năm tới, Thủ tướng nhắc lại, sau gần 40 năm Đổi mới, đi lên từ nghèo khó, đổ nát của chiến tranh, bị bao vây, cấm vận, từ "đáy giếng và chân tường", chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Nêu những nỗ lực khó khăn mà đất nước đã trải qua từ 2021 đến nay và nhấn mạnh mức tăng trưởng đạt hơn 7% trong năm 2024, Thủ tướng nhận định: Qua đó, chúng ta thấy có đủ tự tin, đủ điều kiện, đủ năng lực để quyết tâm đạt tăng trưởng 8% trở lên, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tới.

Về cách làm, Thủ tướng nêu rõ, phải tiếp tục đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm mới để tạo động lực phát triển mới, huy động nguồn lực từ nhân dân, vì nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp; phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, bản lĩnh, ý chí, kiên cường, không khuất phục trước bất cứ khó khăn, thách thức nào, mà càng khó khăn, thách thức lại càng nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức cũng chính là vượt qua chính mình; phát huy tinh thần cần cù, chịu khó, thông minh, sáng tạo, hiếu khách, yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta. Tiếp tục đổi mới tư duy, cách quản lý kinh tế để tạo ra động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương một số địa phương, như Bắc Giang, Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng cao, trong đó Quảng Ninh đặt mục tiêu 14%, cao hơn cả chỉ tiêu Chính phủ giao (12%).

Phát huy các vùng động lực tăng trưởng, nhưng không bỏ quên những vùng khó khăn

Sau khi phân tích một số bài học kinh nghiệm, quan điểm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh việc phát huy các vùng động lực tăng trưởng gồm Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng (12 địa phương trong 2 vùng này đóng góp 60% GDP cả nước), các cực tăng trưởng, như Hà Nội và TPHCM (Hà Nội đóng góp 13,2% GDP, 25% thu ngân sách của cả nước, TPHCM đóng góp 17,9%, 25% thu ngân sách cả nước). Đồng thời, không bỏ quên những vùng khó khăn hơn, 4 vùng còn lại phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để đi lên.

Nêu 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đặc biệt là tập trung thực hiện, sớm hoàn thành các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia như 3.000km đường bộ cao tốc và trên 1.000km đường bộ ven biển, hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu; khởi động các dự án lớn, trọng điểm, như điện hạt nhân, đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng... Thủ tướng nhấn mạnh: "Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang, phải phát huy trách nhiệm với lịch sử, với Đảng, Nhà nước, với nhân dân, vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân" đồng thời yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương, tích cực chủ động xử lý các đề xuất, kiến nghị của các địa phương theo tinh thần "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm".

H.V