Đưa cá sấu lên núi

Thứ ba, 29/06/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Cá sấu là loại động vật sống ở đầm lầy, ao hồ hay những vùng rừng đước, lau lách. Nhưng với mô hình thí điểm nuôi cá sấu trên cạn, ông Mai Văn Đờn (73 tuổi) ở thôn Tân Sơn, xã Đại Lãnh, H. Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã thí nghiệm và thành công.

Trước khi nuôi cá sấu, ông Đờn làm nghề buôn bán nhỏ tại thôn Tân Sơn. Gia đình ông buôn bán đủ thứ hàng tạp hóa, cung cấp những nhu cầu thiết yếu cho thôn Tân Sơn. Tuy buôn bán nhưng ông lại yêu thích các chương trình khuyến nông và khoa học trên các kênh thông tin đại chúng. Ông tâm sự: “Tui vốn là nông dân, nên rất muốn làm giàu từ nông nghiệp”. Một hôm, ông xem được chương trình dạy cách hình thành trang trại nuôi cá sấu.

Từ đó, việc hình thành một trang trại nuôi cá sấu luôn hiện hữu trong đầu, thôi thúc ông thực hiện. Sau khi tích cóp được một số tiền, ông lặn lội vào tận miền Nam, theo địa chỉ chương trình truyền hình giới thiệu để liên hệ mua giống; kỹ thuật nuôi cho phù hợp với khí hậu, địa hình miền Trung ở một công ty chuyên cung cấp và nuôi cá sấu tại Thủ Đức- TP Hồ Chí Minh.

 Ông Đờn bên hồ nuôi cá sấu của mình.

Tháng 7-2007, ông chính thức đưa cá sấu về nuôi tại quê nhà. Ông xây một cái hồ trên cạn với diện tích khoảng 150m2, xung quanh rào chắn bằng thép B40 cao hơn 2m. Ông nói: “Phải làm cẩn thận như vậy vì cá sấu rất nguy hiểm”. Bước đầu thử nghiệm, ông Đờn nuôi 50 con. Khi mang về, mỗi con cá sấu chỉ dài từ 6 - 7cm, trọng lượng từ 200g - 300g với giá 800 ngàn đồng/con.

Những người nông dân ở vùng quê nghèo Đại Lãnh, H. Đại Lộc thì việc bỏ ra hơn 40 triệu đồng tiền giống và gần 30 triệu tiền xây dựng chuồng trại để nuôi cá sấu như ông Đờn là quá mạo hiểm. Song với quyết tâm đương đầu với thử thách và ý muốn làm giàu từ mô hình trang trại này, ông Đờn vẫn quyết tâm đeo đuổi: “Tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy cá sấu cũng có thể sống được trên núi”.

Nghe ông Đờn chia sẻ thì việc nuôi cá sấu xem ra không khó khăn như mọi người nghĩ. Khi mới mang giống về nuôi, 3 ngày cho ăn một lần, khi cá lớn từ 10-15kg thì 5 ngày cho ăn một lần. Thức ăn của cá sấu chủ yếu là nội tạng của động vật và các loại cá nhỏ, một tháng mới thay nước trong hồ. Đặc biệt là cá sấu thích nghi rất tốt với mọi môi trường sống, ít bị các loại bệnh dịch. Để có thể xuất bán thì mỗi con cá sấu thường có chiều dài từ 1,5-2m với trọng lượng trung bình từ 25- 30kg. Với giá cả thị trường hiện tại, mỗi con cá sấu của ông có giá trị từ 4,5- 5 triệu đồng. Sau khi trừ tiền giống, thức ăn, mỗi lứa có thể thu lãi khoảng 200 triệu đồng.

 “Tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy cá sấu cũng có thể sống được trên núi”.

Tuy nhiên, do là hộ nuôi cá sấu đầu tiên của tỉnh Quảng Nam nên ông Đờn còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý để hợp pháp hóa trang trại. Ông phải được cấp quyền sử dụng đất cho việc kinh doanh trang trại, sau đó đăng ký với Chi cục Kiểm lâm tỉnh để trang trại có thể hoạt động xuất nhập khẩu một cách hợp lý.

Nhưng hiện nay, dù đã đến thời gian thu hoạch, ông Đờn vẫn phải chờ tấm sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất của xã mới có thể xuất lứa cá sấu đầu tiên. Việc nuôi cá sấu đã phổ biến tại một số địa phương nhưng ở huyện trung du như Đại Lộc, người nông dân còn lạ lẫm và e dè với loại động vật nguy hiểm này. Trước những thành công của ông Mai Văn Đờn rõ ràng đã thay đổi quan niệm và cách làm giàu từ những con vật nuôi tưởng chừng không bao giờ thích nghi với điều kiện địa lý và khí hậu khắc nghiệt của miền Trung.

Nguyễn Thị Tuyết