Đưa các tác phẩm không có trong SGK vào đề thi tốt nghiệp THPT
(Cadn.com.vn) - Trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo Đổi mới kiểm tra đánh giá chất lượng học tập môn ngữ văn ở trường phổ thông diễn ra ngày 10-4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, một trong những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014 là thời gian làm bài thi môn Ngữ văn giảm từ 150 phút xuống còn 120 phút. Vì thế việc ra đề thi sẽ được tính toán để dung lượng đề thi phù hợp với thời gian làm bài.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, từ trước đến nay, việc dạy và học tại trường phổ thông vốn quen với việc dạy tác phẩm nào thì kiểm tra, đánh giá tác phẩm đó. Điều này dẫn đến học sinh chỉ học vẹt, chưa kiểm tra, đánh giá được năng lực ngữ văn của học sinh. Vì vậy, đề Ngữ văn năm nay cần thay đổi thiết kế theo hướng giúp học sinh chủ động vận dụng những kiến thức, hiểu biết, tình cảm, năng lực của mình thể hiện vào bài thi, qua đó đánh giá toàn diện nhất năng lực của học sinh.
Theo Thứ trưởng, ở Tiểu học, trong các bài kiểm tra giữa kỳ, học kỳ, giáo viên đã đưa vào đề thi những văn bản không có trong sách giáo khoa (SGK). Ở THCS, THPT, đọc hiểu chiếm phần lớn lượng thời gian dạy học môn Ngữ văn. Vì vậy, việc kiểm tra đánh giá kỹ năng đọc hiểu trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là việc hoàn toàn bình thường và là yêu cầu bắt buộc.
Điểm mới ở đây là chuyển từ việc yêu cầu học sinh học thuộc lòng những nội dung đã đọc hiểu của các tác phẩm có trong SGK sang việc vận dụng kiến thức, kỹ năng đọc hiểu đã được hình thành, rèn luyện, phát triển vào việc đọc hiểu các tác phẩm khác không có trong SGK nhưng có kết cấu nội dung, độ khó tương đương những tác phẩm đã học. Cách kiểm tra này sẽ đánh giá khách quan và chính xác hơn năng lực đọc hiểu của học sinh; tránh được hiện tượng học tủ, học vẹt.
Ở phần kiểm tra kỹ năng viết, tiếp tục phát huy hướng ra đề của những năm trước, đề thi năm nay cũng sẽ đưa vào những câu hỏi theo hướng mở, yêu cầu học sinh ghi nhớ kiến thức và làm bài theo tư duy mở.
Được biết, đề thi môn ngữ văn tốt nghiệp lớp 12 năm nay nhiều khả năng sẽ gồm 2 phần: Phần thi kiểm tra kỹ năng đọc - hiểu dưới dạng: Trên cơ sở một trích đoạn văn bản (có hoặc có thể không có trong SGK) yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi (áp dụng phương pháp đánh giá bằng câu hỏi của phương pháp PISA). Hiện đang cân nhắc điểm cho phần thi này ở mức 30-50% tổng điểm bài thi.
Phần thi viết, có thể gồm 2 phần cho thí sinh lựa chọn là bài văn nghị luận xã hội hoặc nghị luận văn học, cũng có thể là một bài kiểm tra tổng hợp yêu cầu cả văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Việt Hà