Dưa... đắng!

Thứ bảy, 20/04/2019 13:33

Đầu hè, những bãi bồi ven sông xứ Quảng bắt đầu vào vụ dưa hấu. Bất chấp tiết trời nắng gắt, thứ quả tròn trịa mọng nước, ngọt mát ấy vẫn trở thành "đặc sản" của vùng quê quanh năm một sương hai nắng này. Thế nhưng, đi kèm mỗi vụ dưa hấu vẫn là điệp khúc được mùa mất giá hay những chiến dịch giải cứu dưa hấu suốt những năm qua đã trở thành nỗi ám ảnh không chỉ với riêng người nông dân mà còn là bài toán khó với ngành nông nghiệp tỉnh.

Ông Hưng lo lắng không biết đám dưa vụ tháng 5 mới trồng của ông liệu có thương lái đến hỏi mua hay không.

Thứ nhất trông trời, thứ nhì trông... thương lái

8 giờ, khi ánh nắng bắt đầu gay gắt cũng là lúc ông Hưng (58 tuổi) ra đồng tưới nước cho dưa. Mảnh đất rộng 4 sào của gia đình ông nằm trên bãi bồi ven sông Thu Bồn tiếp giáp giữa huyện Duy Xuyên và xã Điện Quang (TX Điện Bàn). Mỗi năm ông làm hai vụ dưa hấu tròn vào tháng 2 và tháng 5 âm lịch. Để có nước tưới dưa, ông và một số người lân cận đã chung nhau đóng giếng nước. Ông nói: "Cực khổ như vậy chỉ mong cho dưa được mùa". Nhờ trời, xứ bãi bồi này nổi tiếng cho ra loại dưa ngon ngọt, rất ít khi mất mùa. Chỉ có năm 2017 lũ lụt trái mùa khiến dưa ngập nước. Mà hồi đó, không chỉ riêng ông, dưa toàn tỉnh Quảng Nam úng nước cũng đành phải đổ bỏ.

Ông tâm sự: 'Trồng thì trồng nhưng giá cả ra sao thì chịu. Nếu có thương lái đến mua thì mình mừng, mình khỏe được xíu còn không, đem đi bán bộ cho khách qua đường thì cực lắm!". Tiếp lời ông Hưng, bà Sáu (kế đám dưa nhà ông Hưng) lý giải rằng nông dân không biết giá, cũng không quyết được giá vì phải đợi thương lái  đến... hỏi mua. "Mấy năm cứ tới ngày thu hoạch là họ đi từng xe container lớn đến rồi ngã giá với chúng tôi. Ví dụ tụi tui hô giá 7 ngàn/ký, họ không chịu nói 5 ngàn, nhắm được thì bán. Bán vậy so với bán lẻ sẽ lỗ nhưng đỡ cái công của mình". Bà Sáu cho biết thương lái phần đông là người ngoài Bắc vào và muốn hô giá thế nào thì hô thế ấy, người dân cũng không biết năm này họ có tới mua dưa hay không. "Biết bán cho thương lái thì hạ đi một giá nhưng biết làm sao được. Dưa trồng công chăm mấy tháng bây giờ còn phải chở ra đường ngồi bán thì biết bao giờ mới hết được. Chính vì vậy mà người dân chúng tôi trông thương lái cũng như trông ông trời mưa", ông Hưng than thở.

Trao đổi với P.V, ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng Nông nghiệp H.Duy Xuyên cho biết, dù là vùng trồng dưa lớn của tỉnh nhưng dưa Duy Xuyên hiện nay vẫn chưa thể trực tiếp xuất khẩu mà phải phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Còn theo một cán bộ ngành nông nghiệp huyện Đại Lộc,  dù đã vào vụ nhưng dưa vẫn chủ yếu bán lẻ cho khách đi đường là chính.

Thương lái không đến, nông dân xứ Quảng chỉ còn cách đem dưa đi bán lẻ.

Bán dưa bán... cả ngọn

Là địa phương trồng dưa lớn nhất tỉnh, với diện tích khoảng 363 ha, H. Phú Ninh những ngày này đang xôn xao về việc  dưa hấu được người dân thu hoạch tập trung lại và buộc phải dán những con tem có chữ Trung Quốc mới được đưa lên xe xuất bán. Những cuộn tem này do thương lái giao cho các lao động dán trực tiếp lên từng trái dưa. Tình trạng này diễn ra tại xã Tam Phước (H Phú Ninh). Trao đổi với một số người dân, họ bảo không biết việc này mà chỉ tập trung vào giá dưa. "Dưa năm nay được mùa được giá. Năm nay thương lái các nơi đổ về mua với giá 6-7 nghìn/ ký nên nông dân chúng tôi rất phấn khởi. Mình bán đi rồi thôi tùy họ xử lý. Còn vấn đề xuất bán ra sao, vì sao phải dán tem thì chúng tôi không biết mà phải hỏi thương lái".

Tem nhãn được thương lái liên kết với phía Trung Quốc làm dán lên trái dưa Phú Ninh.

Theo tìm hiểu của PV, việc dán tem có chữ Trung Quốc lên dưa hấu Việt Nam là để xuất khẩu qua đường chính ngạch. Theo đó, bắt đầu từ ngày 1-1-2019, các loại nông sản xuất qua Trung Quốc đều phải đăng ký thông tin nhà vườn, nhà xưởng, bao bì gửi cho Hải quan Trung Quốc, trong đó có dưa hấu. Dưa hấu Việt Nam xuất sang Trung Quốc có thể sử dụng cách dán tem có mã truy xuất nguồn gốc lên trái dưa hoặc đóng dưa bằng bao bì thùng giấy có thông tin truy xuất nguồn gốc. Trao đổi với báo chí, ông Đoàn Ngọc Sơn-Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam khẳng định việc dán tem có chữ Trung Quốc nhằm đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc về truy nguồn gốc, xuất xứ. Nếu không có truy xuất nguồn gốc thì dưa phải xuất khẩu theo đường tiểu ngạch có rất nhiều rủi ro, dẫn đến nhiều thiệt thòi cho bà con. "Họ dán tem lên trái dưa là không sai, tuy nhiên cái sai là thông tin trên tem chưa đầy đủ. Khi kiểm tra, chúng tôi thấy thông tin trên tem có xuất xứ Việt Nam là đúng, đảm bảo. Tuy nhiên, tem không có các nội dung như công năng, tác dụng, sản xuất theo công nghệ gì... mà chỉ để chỉ trái dưa Việt  Nam một cách chung chung". Ông Sơn cũng cho biết đang phối hợp với địa phương nắm rõ tình hình, có hướng xử lý. Tuy nhiên ông Sơn lo ngại việc xử phạt tem nhãn này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc xuất bán dưa của bà con. Còn theo một lãnh đạo Sở nông nghiệp thì đây là quy định của Trung Quốc buộc mình phải đáp ứng yêu cầu. Theo đó,  khi doanh nghiệp xuất khẩu ký hợp đồng với người dân thu mua dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc mà người dân chưa làm được tem truy xuất nguồn gốc tại chỗ thì các doanh nghiệp xuất khẩu phải sử dụng tem của một cơ quan có chức năng ở Trung Quốc để từ đó xuất khẩu được dưa hấu cho nông dân.

Loại tem dán lên dưa hấu tại xã Tam Phước.

Theo tìm hiểu của PV, việc dưa hấu có được giá hay không phụ thuộc vào thương lái đã dẫn đến tình trạng người trồng dưa mất chủ động trong việc gieo trồng và xa hơn nữa dù là vùng nông sản lớn nhưng dưa hấu Quảng Nam hoàn toàn không có thương hiệu. Trong khi đó, muốn được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng thì đầu tiên là địa phương phải tổ chức sản xuất được, phải tập trung nông dân lại qui hoạch vùng trồng dưa bài bản, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu rồi từ đó mới đăng ký nhãn hiệu cho dưa hấu Quảng Nam. Tuy nhiên, vấn đề này chính quyền Quảng Nam vẫn "bó tay". Trong lúc ấy thì nông dân bán dưa vẫn phải bán... cả ngọn có nghĩa là bán dưa bán luôn thương hiệu dưa của mình.

Có thể thấy rằng việc Trung Quốc siết chặt qui định về nông sản Việt Nam trong đó có trái dưa hấu vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với nông dân và các ngành chức năng Quảng Nam để có thể thích nghi với cái mới. Làm thế nào để trái dưa khi xuất khẩu tự tin với thương hiệu nơi nó ra đời. Đó là bài toán khó nhưng nếu chính quyền Quảng Nam không nhanh chân, có lẽ sẽ không còn kịp nữa.

HÀ DUNG