Đưa người nghiện không nơi cư trú vào Trung tâm: Là một sự sáng tạo

Thứ năm, 06/11/2014 10:04

(Cadn.com.vn) - “Việc không đưa người nghiện không có nơi cư trú cho đoàn thể, xã phường quản lý trong thời gian chờ lập hồ sơ đưa ra tòa án mà đưa vào Trung tâm GD-DN 05-06 là một sự sáng tạo, biết vận dụng hoàn cảnh của thành phố chứ không phải là “vượt rào”- Đó là nhận xét của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tại hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy diễn ra chiều 5-11.

Phó Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại hội nghị.

KIÊN QUYẾT XỬ LÝ TRƯỜNG HỢP SỬ DỤNG TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY

Hiện Đà Nẵng có 1.888 người nghiện ngoài cộng đồng, trong số này có hơn 80% không có công ăn việc làm, từ đó sinh ra rất nhiều tệ nạn… Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hoa, Trưởng Phòng CSĐTTP về Ma túy (CATP Đà Nẵng), trong 10 tháng qua, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 1.293 trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy (MT) bằng các hình thức: tập trung cai nghiện bắt buộc; giáo dục tại xã, phường; phạt tiền và giao cho gia đình bảo lãnh giáo dục; xử  lý hình sự… So với cùng kỳ năm 2013, ít hơn 40 trường hợp, do lực lượng chức năng tạm dừng áp dụng biện pháp đưa đi tập trung cai nghiện bắt buộc từ tháng 1 đến tháng 10 – 2014.

Trước những khó khăn, vướng mắc trong công tác cai nghiện MT theo các quy định mới của pháp luật, để kiểm soát được “nguồn cầu” và thực hiện tốt chương trình mục tiêu không có người nghiện MT trong cộng đồng, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị số 37-CT/TU về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống, kiểm soát  tội phạm và tệ nạn MT trên địa bàn. Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 37, Đảng ủy, Giám đốc CATP tổ chức hội nghị quán triệt, xây dựng Kế hoạch số 319/CATP (11-9-2014) để triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ lớn chỉ đạo, phân công cụ thể cho các đơn vị, địa phương; xây dựng kế hoạch tổ chức 4 lớp tập huấn công tác xử lý vi phạm hành chính đối với người sử dụng trái phép chất MT cho 227 CBCS từ thành phố đến phường; phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế, Sở Tư pháp, TAND TP… tham mưu đề xuất UBND TP ban hành Quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện MT trên địa bàn, tạo bước đột phá trong công tác xử lý người sử dụng trái phép chất MT.

Công an 7 quận, huyện, CAP quận phân công cán bộ tham gia đầy đủ vào các tổ công tác cai nghiện cấp phường, tổ tư vấn thẩm định hồ sơ cấp quận… Lực lượng CSĐTTPVMT các cấp đã tăng cường các công tác nghiệp vụ cơ bản, rà soát các đối tượng trên địa bàn, đẩy mạnh công tác tấn công trấn áp tội phạm. Nhờ đó, qua 2 tháng triển khai toàn lực lượng đã phát hiện, bắt giữ 22 vụ, 32 đối tượng, thu giữ 3.162,2 gam MTTH, 0,71 gam heroin và nhiều tang vật khác; phát hiện, xử lý 350 trường hợp sử dụng trái phép chất MT bằng các hình thức: giáo dục tại, xã phường, phạt tiền và giao cho gia đình bảo lãnh, xử phạt hình sự đối tượng phạm tội về MT, lập hồ sơ đề nghị tập trung cai nghiện theo Nghị định 221/CT, cảnh cáo và xử lý khác.

Cũng theo Thượng tá Hoa, sau khi ban hành quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện MT trên địa bàn TP theo Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND  ngày 6-9-2014, tính đến thời điểm này, các lực lượng chức năng đã lập 11 hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong đó: 7 trường hợp đã chuyển hồ sơ sang TAND đề nghị xét xử, 4 trường hợp đã được tòa án xét xử và ra quyết định, 3 trường hợp đã đưa vào Trung tâm GD-DN 05-06, 1 trường hợp đã bỏ trốn không chấp hành  quyết định của tòa án.

Thượng tá Nguyễn Văn Hoa đề nghị UBND TP kiến nghị liên ngành T.Ư sớm đánh giá hiệu quả mô hình cai nghiện MT ở các địa phương để thống nhất ban hành các văn bản hướng dẫn công tác cai nghiện ma túy trong cả nước. Chính phủ cần sửa đổi Nghị định 221 theo hướng giao quyền cho Trưởng phòng CSĐTTPVMT, Trưởng CA quận, huyện, Trưởng phòng phòng chống ma túy BĐBP trong việc ra quyết định đưa người nghiện MT không có nơi cư trú ổn định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở do tổ chức xã hội quản lý. Đề nghị UBND TP bổ sung quy định trong thời gian chờ quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nếu gia đình hoặc bản thân người nghiện có đơn xin tự nguyện cai nghiện MT Trung tâm thì giao cho ngành LĐ-TB&XH giải quyết…

Những học viên tại Trung tâm GD-DN 05-06 Đà Nẵng trong một lớp học nghề.

THỰC HIỆN NGHIÊM CÔNG TÁC ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT ĐỐI TƯỢNG NGHIỆN

Theo ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP, sau hơn 1 tháng thực hiện các quy định mới về cai nghiện MT, UBND các xã, phường chuyển hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 7 trường hợp (Hải Châu: 4, Liên Chiểu: 2, Ngũ Hành Sơn: 1); trong đó tòa án thụ lý và đã xét xử 5 trường hợp. Riêng cai nghiện tại gia đình, cộng đồng thì chưa có trường hợp nào. Trung tâm Y tế các quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu và H. Hòa Vang đã bố trí một số phòng để phục vụ công tác điều trị, cắt cơn giải độc. Các quận còn lại đang triển khai, cải tạo, nâng cấp một số phòng. Về tổ công tác cai nghiện MT mới lập được ở 49 xã, phường; số phường chưa thành lập chủ yếu nằm trên địa bàn Q. Thanh Khê.

Hầu hết các địa phương đã tổ chức triển khai quán triệt Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND TP trong cán bộ lãnh đạo nhưng chưa phổ biến trong nhân dân, nhất là đối với thân nhân gia đình có người nghiện. Một số ngành chức năng chưa có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo ngành dọc trong việc triển khai phối hợp thực hiện Quyết định số 28. Có ngành ở cơ sở vẫn đưa các quy định tại Nghị định 221/2013/NĐ-CP ra dẫn chứng để gây trở ngại cho việc thực hiện; các TTYT chưa có điều kiện bố trí một khu liên hoàn, gồm 3 phòng kiên cố để tổ chức điều trị, cắt cơn giải độc cho bệnh nhân nghiện… Bên cạnh đó, công tác bảo vệ ANTT và an toàn đối với khu điều trị cắt cơn giải độc MT tại các TTYT còn lúng túng…

Từ những hạn chế trên, ông Hiệp kiến nghị thành phố sớm ban hành quyết định phê duyệt mạng lưới đội công tác xã hội tình nguyện xã đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu đề xuất bố trí, cải tạo, nâng cấp các khu điều trị, cắt cơn giải độc MT tại các TTYT. Đặc biệt, ông cho rằng việc triển khai biện pháp cai nghiện MT tại gia đình, cộng đồng là đồng nghĩa với việc có người nghiện MT trong cộng đồng. Điều này không phù hợp với mục tiêu “không có người nghiện ma túy trong cộng đồng”, do đó ông đề nghị thành phố xem xét, điều chỉnh mục tiêu này…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng: Việc không giao người nghiện không có nơi cư trú cho xã phường và đoàn thể xã hội quản lý trong thời gian chờ lập hồ sơ đưa ra tòa án mà đưa vào Trung tâm GD-DN 05-06 là một sự sáng tạo, biết vận dụng hoàn cảnh của thành phố chứ không phải “vượt rào”. Một người nghiện không có nơi cư trú, đưa về xã phường làm sao ổn định bằng đưa vào Trung tâm được bởi tại đây có căn tin, sân bóng đá, bóng chuyền, thảm cỏ, cây xanh, có bác sĩ...

Đây là một chủ trương hoàn toàn phù hợp, vừa nhân văn, vừa hợp lý, là cái tốt của thành phố. Nếu Trung tâm quá tải thì mở rộng, nâng cấp, không có gì phải tiếc miễn sao giúp đỡ người nghiện có điều kiện làm lại cuộc đời. Phó Chủ tịch UBND TP cũng cho rằng để công tác tổ chức cai nghiện trong thời gian tới được tốt hơn việc sớm triển khai tập huấn, triển khai hoàn chỉnh các biểu mẫu và hoàn thiện các phòng tại TTYT… Đồng thời, phải thực hiện nghiêm công tác điều tra, khảo sát đối tượng nghiện, trường hợp nào giao cho gia đình, xã phường không được thì tiếp tục đưa vào trung tâm để tiếp tục hỗ trợ…

T.Dũng