Đức chia rẽ vì quyết định đoạn tuyệt điện hạt nhân

Thứ ba, 18/04/2023 09:10
Ngày 15-4, Đức chính thức đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng, qua đó chấm dứt chương trình phát triển điện hạt nhân kéo dài 6 thập kỷ qua. Quyết định này vấp phải nhiều tranh cãi trong bối cảnh Berlin đang đối mặt khủng hoảng năng lượng do tác động của xung đột tại Ukraine, điện than vẫn được sử dụng, năng lượng tái tạo phát triển chậm.
Nhà máy điện hạt nhân Isar 2 ở Essenbach, Đức. Ảnh: AP
Nhà máy điện hạt nhân Isar 2 ở Essenbach, Đức. Ảnh: AP

Đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng

Đức đã đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của nước này vào ngày 15-4, qua đó chấm dứt chương trình phát triển điện hạt nhân kéo dài 6 thập niên qua để nỗ lực thực hiện tăng trưởng xanh mà không cần năng lượng nguyên tử, đồng thời thúc đẩy kế hoạch chuyển sang sản xuất điện tái tạo hoàn toàn vào năm 2035. Các nhà máy nói trên gồm Isar II, Emsland và Neckarwestheim II. Ba nhà máy này đã cung cấp 5% nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Đức trong 3 tháng qua, trong đó nhà máy Isar II nằm ở bang Bavaria và có thể đáp ứng nhu cầu điện cho một đô thị.

Việc đóng cửa các nhà máy trên diễn ra chậm hơn 3 tháng so với kế hoạch, do cuộc khủng hoảng giá năng lượng xuất phát từ cuộc xung đột tại Ukraine. Thay vì phải đóng cửa vào ngày 31-12-2022, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã đồng ý kéo dài tuổi thọ các nhà máy thêm 3 tháng, đến ngày 15-4.

Cái kết đã được định trước

Hồi kết của điện hạt nhân ở Đức đã được định đoạt hơn một thập kỷ trước. Từ năm 2002, Đức đã tìm cách loại bỏ dần năng lượng hạt nhân. Đến năm 2011, dưới thời chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel, kế hoạch này được thúc đẩy sau khi xảy ra thảm họa động đất-sóng thần gây ra sự cố hạt nhân ở tỉnh Fukushima của Nhật Bản. Kể từ năm 2003 đến nay, Đức đã đóng cửa 16 lò phản ứng hạt nhân, làm giảm mạnh tỷ trọng năng lượng cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ của cả nước.

Theo kế hoạch, Đức sẽ chấm dứt sử dụng điện hạt nhân cuối năm 2022. Tuy nhiên, kế hoạch chấm dứt năng lượng hạt nhân của Đức gây nhiều tranh cãi sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt giá rẻ liên quan cuộc xung đột tại Ukraine vào tháng 2-2022, khiến Đức rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

Trong khi nhiều nước phương Tây thúc đẩy năng lượng hạt nhân trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, nền kinh tế lớn nhất châu Âu kiên quyết theo đuổi kế hoạch chấm dứt năng lượng hạt nhân. Trong năm ngoái, năng lượng hạt nhân chỉ chiếm 6% tổng sản lượng toàn quốc, trong khi năng lượng tái tạo chiếm tới 44%, tăng gần 1,8 lần so với mức 25% cách đây một thập niên. Đức hiện đang nỗ lực thực thi kế hoạch sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo vào năm 2035.

Phản ứng trái chiều

Bà Ricarda Lang, Chủ tịch Đảng Xanh thân thiện với khí hậu, đã viết trên Twitter rằng sự kết thúc của năng lượng hạt nhân "đánh dấu một bước tiến dứt khoát vào thời đại năng lượng tái tạo". Trong một bài đăng trên Twitter, Đảng Xanh tuyên bố, Đức đã tạo ra khoảng 50% lượng điện năng từ các nguồn tái tạo, và "chúng tôi muốn tiến tới 80% vào năm 2030". Đảng Xanh cho biết, năng lượng tái tạo giá cả phải chăng sẽ đảm bảo cung cấp năng lượng, bảo vệ khí hậu, giúp nước Đức độc lập khỏi các nhà độc tài và đặt nền tảng cho một nền kinh tế vững mạnh và việc làm tốt. Nhóm nghị sĩ của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả của Thủ tướng Olaf Scholz thì viết trên Twitter: "Tạm biệt năng lượng hạt nhân. Tạm biệt chính sách năng lượng không an toàn, ô uế, lãng phí".

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert cũng bác bỏ lời kêu gọi gia hạn các nhà máy điện hạt nhân trên, cho biết chính phủ Đức đảm bảo tình hình cung cấp điện vẫn "trong tầm kiểm soát", đồng thời xác nhận các kho chứa khí đốt đã được lấp đầy và cơ sở hạ tầng mới đã được xây dựng để nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng nhằm bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga.

Trong khi đó, nhóm nghị sĩ của Đảng Dân chủ Tự do (FDP) thân thiện với giới kinh doanh, thuộc liên minh cầm quyền với SPD và Greens, tuyên bố rằng họ không hài lòng với việc từ bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân. Lãnh đạo đảng FDP Christian Lindner, người đồng thời là Bộ trưởng Tài chính Đức, đã viết trên Twitter rằng, mặc dù tương lai là năng lượng tái tạo, nhưng "trong thời gian chờ đợi, chúng ta phải đảm bảo nguồn cung của mình cho đến khi có đủ công suất". Ông Lindner cho biết, nếu ông được quyết định, Đức sẽ giữ lại 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng để dự trữ.

Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đồng thời là nước phát thải lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Quyết định chấm dứt sớm kỷ nguyên điện hạt nhân của Đức gây tranh cãi vì các nhà máy điện than - ảnh hưởng xấu đến môi trường - vẫn hoạt động và năng lượng tái tạo chưa đủ phát triển để đáp ứng hoàn toàn nhu cầu về điện. Một số cho rằng việc đóng cửa sớm các nhà máy hạt nhân là thiển cận. Họ coi đây là hành động chấm dứt một nguồn năng lượng carbon thấp đáng tin cậy vào thời điểm cần cắt giảm mạnh các chất ô nhiễm làm nóng hành tinh. Nhà hoạt động khí hậu Greta Thunberg gọi đây là một hành động "sai lầm" hồi tháng 10-2022. "Chúng ta cần duy trì hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân an toàn hiện có, đồng thời đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo càng nhanh càng tốt", Leah Stokes, giáo sư về chính sách năng lượng và khí hậu tại Đại học California Santa Barbara, nhận định. Nhà kinh tế Đức Veronika Grimm cũng có cùng quan điểm, việc giữ cho các nhà máy điện hạt nhân hoạt động lâu hơn sẽ cho Đức thêm thời gian để điện khí hóa rộng rãi, nhất là khi năng lượng tái tạo vẫn còn phát triển chậm.

AN BÌNH