Dừng hưởng ưu đãi GSP không tác động nhiều tới hoạt động xuất khẩu
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định việc dừng hưởng ưu đãi Hệ thống ưu đãi thuế quan thống nhất (GSP) sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU).
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. |
Trước thông tin Hội đồng Ủy ban Kinh tế Á-Âu (EEC) ban hành Quyết định số 17 sửa đổi Quyết định số 130 ngày 21-11-2009 nhằm cập nhật lại danh sách các nước đang phát triển và kém phát triển được quyền hưởng ưu đãi theo GSP của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), trong đó có Việt Nam, trao đổi nhanh với phóng viên TTXVN, đại diện Bộ Công Thương khẳng định việc dừng hưởng ưu đãi GSP sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên của khu vực EAEU.
Theo Bộ Công Thương, GSP là ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa có xuất xứ từ các nước đang phát triển hoặc các nước kém phát triển nhất. Việc dành ưu đãi này nhằm hỗ trợ, ưu đãi cho các mặt hàng mà nhóm các nước này quan tâm. Do đó, nếu hàng hóa nhập khẩu từ các nước này nếu có Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu A (C/O form A) chứng minh nguồn gốc xuất xứ từ các nước trong Danh sách các nước GSP sẽ được hưởng mức thuế suất nhập khẩu bằng 75% thuế suất trong Biểu thuế hải quan chung của EAEU tức là 75% của thuế áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện quy chế tối huệ quốc (MFN).
Lý giải thêm về tiêu chí được hưởng ưu đãi GSP của EAEU, Bộ Công Thương cho biết theo Quyết định số 47 ngày 6-4-2016 của EAEU quy định về GSP (Quyết định số 47), các nước đang phát triển là các nước không được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp vào nhóm các nước có thu nhập cao hoặc các nước có thu nhập trên trung bình. Tuy nhiên, một quốc gia đáp ứng tiêu chí trên vẫn có thể bị loại khỏi danh sách trong trường hợp cụ thể như: thu nhập của quốc gia được WB xác định là cao hoặc trung bình trong vòng hai năm liên tiếp; tỷ trọng của nước này trong kim ngạch xuất khẩu thế giới đã đạt hoặc vượt quá 1% trong vòng hai năm liên tiếp theo số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ngoài ra, các quốc gia ký kết hoặc đã có Hiệp định ưu đãi về thương mại với Liên minh sau ngày Quyết định số 47 có hiệu lực (6-4-2016) hoặc quốc gia có Hiệp định ưu đãi về thương mại với một hoặc các nước thành viên của EAEU theo khoản 1 Điều 102 của Hiệp ước EAEU và quốc gia đã được Liên hợp quốc đưa vào danh sách các nước kém phát triển… Tuy nhiên, EAEU đã cho Việt Nam tiếp tục hưởng chế độ GSP thêm 5 năm sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA) có hiệu lực kể từ tháng 10-2016.
Cũng theo Bộ Công Thương, mục đích của hệ thống GSP là hỗ trợ nhóm các nước đang phát triển, kém phát triển. Do vậy, các mặt hàng được ưu đãi thuế quan hầu hết là những mặt hàng thế mạnh của nhóm các nước này, trong khi đó các mặt hàng này không phải là các mặt hàng thế mạnh của EAEU. Các mặt hàng trên cũng là quan tâm chính của Việt Nam nên Việt Nam đã tập trung đàm phán, yêu cầu EAEU cắt giảm thuế quan ngay hoặc có lộ trình cắt giảm thuế. Vì thế, qua rà soát mức thuế các mặt hàng trong danh mục được hưởng ưu đãi GSP, tính từ 1-1-2022 thì hầu hết các mặt hàng đều có thuế suất trong VN-EAEU FTA thấp hơn thuế suất GPS của EAEU.
Ngoài ra, còn một số mặt hàng phải chịu thuế MFN khi không có GSP như gạo chẳng hạn. Hàng năm Việt Nam được xuất khẩu 10.000 tấn gạo sang EAEU với thuế suất 0% theo hạn ngạch thuế quan hay sản phẩm từ rơm, thảm dệt tay hoặc trải sàn, các loại đá, một số bộ phận đồ nội thất, lược chải tóc. Tuy vậy, các mặt hàng này không phải là mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam.
Đặc biệt, trong VN-EAEU FTA, thuế suất năm 2021 đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như nông sản gồm: thịt động vật, cá, rau củ, trái cây, cà phê... hầu hết đều đang được hưởng thuế suất 0%; trong khi thuế suất GSP của những mặt hàng này dao động từ 3,75-18,75%. Mặt khác, mặt hàng dệt may cũng thuộc các nhóm hàng xuất khẩu Việt Nam có thế mạnh và được hưởng thuế suất 0% theo hiệp định nhưng không nằm trong danh sách mặt hàng được hưởng ưu đãi GSP. Do đó, việc ngừng hưởng ưu đãi GSP sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu.
Trước đó, ngày 5-3-2021, Hội đồng Ủy ban Kinh tế Á-Âu - cơ quan hành pháp của EAEU đã ban hành Quyết định số 17 sửa đổi Quyết định số 130 ngày 21-11-2009, cập nhật lại danh sách các nước đang phát triển và kém phát triển được quyền hưởng ưu đãi theo GSP của Liên minh. Theo quyết định, 75 nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, và hai nước kém phát triển sẽ ngừng được hưởng ưu đãi của hệ thống này từ ngày 12-10-2021.
UYÊN HƯƠNG