Dũng sĩ Ngũ Hành Sơn và hai lần gặp cựu binh Mỹ
(Cadn.com.vn) - 5 năm sau ngày đất nước đã hoàn toàn thống nhất, cựu chiến binh Đặng Văn Lái (ở 359-Lê Văn Hiến, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đang ăn giỗ ở Đông Trà (Hòa Hải) thì một chiếc ô-tô xịch đến. Bước xuống xe có chủ tịch UBND xã và Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hải (nay là P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn) Mười Hết. Theo sau là một người nước ngoài dáng to lớn, 3 người quay phim, thông dịch cùng hai cán bộ Bộ Ngoại giao, Công an. Nghe các đồng chí lãnh đạo xã giới thiệu, ông Lái mới biết rằng, người Mỹ dáng to cao ấy là cựu binh ở hang Âm Phủ năm 1968.
Trận đánh ở hang Âm Phủ, núi Ngũ Hành Sơn là chiến công lẫy lừng của ông Đặng Văn Lái và đồng đội. Trước đó, đội Quyết tử gồm 5 thành viên: Đặng Văn Lái, Phạm Công Thành, Vũ Quốc Hùng, Huỳnh Ri, Huỳnh Hoàng được đơn vị làm lễ truy điệu sống để đánh cảm tử sân bay Nước Mặn. Tuy nhiên, do thay đổi chiến dịch, đội không đánh nữa mà về tạm trú ẩn ở núi Ngũ Hành Sơn chờ đánh tiếp. 8 giờ ngày 24-12-1968, địch đánh hơi có quân ta trong hang, kéo đến với đội hình gồm 98 tên cả Mỹ và ngụy. Cả 5 thành viên nấp sau các ngách hang, chờ địch lọt vào tầm ngắm thì đồng loạt dùng súng, lựu đạn tiêu diệt. Địch kêu cứu tiếp viện.
Đánh đến 12 giờ trưa cùng ngày thì chúng rút. Đến 15 giờ địch tiếp tục đổ quân. Máy bay, xe tăng ầm ầm kéo tới. Đội dùng vũ khí địch đánh lại địch, lại dựa vào các hang động trong núi, tiếp tục chiến đấu đến hoàng hôn. Kết quả ta đã tiêu diệt 160 tên Mỹ, ngụy, bắn rơi một máy bay trực thăng, phá hủy 2 xe tăng M113. Đội đã được UBMTTQ miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. 5 thành viên được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ; Huân chương Chiến công các loại...
Ông Đặng Văn Lái kể lại trận đánh ở hang Âm Phủ. Ảnh: Hồng Vân |
Đến nay, 5 dũng sĩ Ngũ Hành Sơn ngày ấy chỉ còn 3 người. Vũ Quốc Hùng, tiểu đội phó tiểu đội trinh sát, quê Hà Nội, người được kết nạp Đảng ngay tại trận đánh đã hy sinh ở Duy Xuyên (Quảng Nam), Huỳnh Ri, chiến sĩ liên lạc của đội hy sinh ngay trên mảnh đất quê hương Hòa Hải...
Ông Lái dẫn đoàn đến núi Ngũ Hành Sơn ngay trưa hôm đó. Có một chi tiết thú vị là khi vào hang Âm Phủ, người lính Mỹ cứ muốn ông Lái đi trước, ông ta đi sau, nhưng ông Lái không chịu, với lý do: “Nếu như vậy tôi là tù binh của ông sao? Trong khi chúng tôi là người chiến thắng mà”. Người cựu binh Mỹ hỏi: “Quân giải phóng có bao nhiêu tiểu đoàn mà gây cho Mỹ nhiều tổn thất đến vậy?”. Ông Lái trả lời: “Chỉ 5 người và đều bình an sau trận đánh”.
Lần này thì người cựu binh Mỹ ngạc nhiên quá đỗi. Ông ta bảo ông Lái chỉ lại vị trí chiến đấu của đội, rồi gật gù: “Các ông thắng là đúng rồi vì nắm rõ từng ngóc ngách. Đây quả thật là trận kinh hoàng của lính Mỹ. Tôi bị thương nên được trực thăng thòng dây xuống đưa về, nhờ vậy mới có mặt hôm nay”. “Ông phải nói thêm là nhờ chúng tôi không bắn thương binh, chứ mọi cử động của các ông đều nằm trong tầm ngắm của anh em”. Nghe ông Lái phân tích, cựu binh Mỹ lại gật gù.
Ông ta hỏi ông Lái sẽ đối xử thế nào khi có rất nhiều người Mỹ sang thăm Việt Nam, ông Lái trả lời: “Trong vòng 47 ngày, mẹ tôi và anh trai lần lượt hy sinh vì bom đạn của các ông. Cha tôi đau ốm không có thuốc chữa cũng đã chết. Nỗi căm thù đó đã thôi thúc tôi đánh Mỹ. Nhưng chiến tranh là do những nhà cầm quyền gây ra, nhân dân Mỹ không có tội”. Nghe nói vậy, người cựu binh Mỹ đã ôm choàng lấy ông Lái.
Ông Adela G.Lospez thứ hai (từ trái sang) cùng gia đình. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Một ngày tháng 5-2005, ông Lái vừa từ quê ra thì thấy một chiếc ô-tô đợi trước cửa nhà mình. Nhìn gia đình Mỹ gồm vợ chồng và hai con trai, ông bỗng có linh tính: “Ông có phải là người lính Mỹ bị thương ở biền Xuyên Thanh không?”. Khi nghe dịch lại, người Mỹ quỳ sụp dưới chân ông và khóc: “Tôi là Adela G.Lospez đến từ Fullerton, một thành phố phía Bắc hạt Orange, tiểu bang California. Tôi đi tìm ông là để cảm ơn ông cứu mạng. Hành động đầy tình người của ông làm tôi nhớ mãi. Tôi đã qua Việt Nam một lần nhưng không tìm được vì người ta nhầm với 7 dũng sĩ Điện Ngọc. Đây là lần thứ hai và thật may mắn”.
Ông Lái nhớ lại trận đánh ở Điện Quang (Điện Bàn, Quảng Nam). Ngày đó ông là trinh sát Mặt trận 4 Quảng Đà đi phối hợp chiến trường với R20 (Tiểu đoàn 1). Khi ông đến, thì R20 đã làm chủ trận đánh. Xác lính Mỹ chết la liệt. Khi ông cùng y tá băng qua đầm sặt (loại cây sậy) cao tầm đầu người thì nghe có tiếng rên rỉ. Thì ra một lính thủy quân lục chiến Mỹ đang ôm chân phải bị thương, máu ra rất nhiều. Ông kéo y tá dừng lại và bảo “mình băng bó cho anh ta đi”. Vậy là cả hai quấn cho anh ta bằng cuộn băng trắng của bộ đội. Ông còn chừa ra một đoạn dài cột vít lên trên ngọn cành sặt để máy bay Mỹ dễ dàng nhìn thấy. Quả thật, chiều đó dựa vào vệt trắng phát ra từ cuộn băng, máy bay đã đến bốc anh ta về.
Người cựu binh Mỹ hỏi sao lần đó ông không bắn anh ta mà lại cứu chữa, ông Lái bảo: “Quân giải phóng chúng tôi chỉ đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại. Việc cứu anh cũng bình thường thôi, ai cũng làm được mà”. Người cựu binh Mỹ nghe nói vậy thì xúc động lắm. Hôm sau, ông Lái cùng gia đình người Mỹ thăm lại chiến trường xưa. Đầm sặt đã biến mất, thay vào đó là nghĩa trang liệt sĩ. Nhưng ông vẫn nhớ nguyên vẹn vị trí từng chi tiết trận đánh năm nào. Người lính Mỹ ra về trong lưu luyến, gửi tặng ông tấm ảnh gia đình. Còn ông tặng anh ta tấm ảnh Bác Hồ. Ông còn được biết, người cựu binh làm ở Hội từ thiện và có nhiều đóng góp ở nước bạn. Năm 2006, nhà ông Lái bị bão số 6 làm sập, ông Adela G.Lospez gửi tặng ông một số tiền nhỏ để sửa chữa lại ngôi nhà.
Ông Lái cho rằng, đó chỉ là duyên nợ trong số hàng vạn, hàng triệu trường hợp tương tự mà đồng đội trước và sau ông thường gặp, bởi bản chất của người lính Cụ Hồ là nhân văn.
Hồng Vân