Dưới lũy tre làng

Thứ ba, 12/07/2022 11:26
Nhiều lúc tôi thấy tâm hồn mình thật mỏng manh, yếu đuối. Tôi đã bật khóc ngon lành khi về lại quê nhà, giữa mùa nắng hạ gắt bỏng, dưới lũy tre làng ngồi chờ bố ra đón. Bao năm trôi qua, cuộc sống đã đổi thay nhưng lũy tre làng vẫn hiện diện nguyên đó như một người con của làng mãi mãi không rời, những người con quê hễ đi xa thì nhớ mà về lại thương đến nao lòng.
Lũy tre của tuổi thơ.
Lũy tre của tuổi thơ.

Cơn gió hạ khẽ thổi lướt qua, ký ức ùa về cho những kỷ niệm ngọt lành của một tuổi thơ xa lắc. Dưới lũy tre làng năm xưa tôi là cậu bé lên bảy, đầu hoe nắng, chân trần ngồi túm tụm bên lũ bạn cười nói vui vẻ. Chúng tôi chơi ô ăn quan, chọi gà, nhảy ngựa, đánh khăng, đánh đáo… Những trò chơi dân gian cứ tưởng chỉ chơi một lần là chán, nhưng không, hết trò này lại tới trò khác, chơi ngày này qua tháng khác vẫn cứ thấy niềm vui tràn trề hứng khởi. Lũy tre làng rậm rạp chẳng thể nào đếm xuể chúng có bao nhiêu cây và cao đến chừng nào. Dù đôi bận ngày xưa lũ trẻ chúng tôi cũng từng "bỏ công" ra đếm nhưng cuối cùng vẫn không có con số chính xác. Tôi đứng dưới gốc cây, ngửa mặt nhìn lên vòm cao, bóng mát từ cây tỏa ra mát rượi, không một ánh nắng nào dọi xuống. Và như một dòng hồi ức tuyệt đẹp, tiếng cười của lũ bạn dường như còn đang vang vọng nơi đây. Thật tinh khôi và ngọt ngào biết bao!

Bạn không thể tưởng tượng được niềm thích thú khi ngồi dưới lũy tre làng, giữa cơn gió Lào xào xạc, vọng từ trên cao những cây tre đung đưa bài tình ca dịu ngọt, tiếng kẽo kẹt êm êm vui tai. Bầy sẻ tránh nắng cũng lích chích rộn ràng như muốn vui chơi cùng với con người. Rồi lũ chào mào, sáo sậu hay khướu sao cũng tụ họp đông đủ. Thành ra, giữa không gian quê yên ả lại ngân vang bản nhạc của loài chim tạo ra thánh thót, vang lừng. Những buổi trưa hè miền Trung nắng như đổ lửa, lại mất điện, bà con trong làng kéo nhau ra lũy tre làng hóng mát.

Dưới lũy tre làng thi thoảng lớp lớp thế hệ con cháu lại được nghe những cụ già kể lại chuyện ngày xửa ngày xưa. Các cụ kể lại rằng, xưa kia làng tôi là một trong những địa điểm giặc càn quét rất dữ. Lũy tre làng có khi bị tàn phá một cách khốc liệt, trông đến thảm thương. Người dân không cam lòng, dũng cảm vùng lên chống giặc. Ai có gì dùng nấy, vũ khí nhiều khi là những thân tre đã được chặt và vót nhọt. Mỗi lần nhớ tới điều đó, lòng tôi lại chộn rộn một cảm xúc khó tả, lũy tre làng thân thương lại càng thân thương hơn bao giờ hết!

Lũy tre làng không chỉ cho bóng mát mà còn là người bạn ân tình với người dân trong làng khắc khổ, đói nghèo. Từ những thân cây tre già, người dân đốn xuống và chẻ nan đan rổ, rá, thúng, mủng, giần, sàng. Mỗi sản phẩm làm ra trở thành nông cụ, vật dụng thân thiết cho người dân sử dụng quý báu. Không những vậy, sản phẩm đó còn đổi lấy gạo cơm, chắt chiu trong những ngày giáp hạt thiếu túng. Những đứa con chúng tôi lớn lên từ làng, nhờ ơn huệ của lũy tre làng mang theo hành trang mà bước vào đời an nhiên, vững chãi hơn. Mỗi khi vấp ngã, lòng bộn bề lo âu, bồi hồi nhớ lại lũy tre làng người như được tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực.

Dưới lũy tre làng, tôi nhớ bóng dáng của người mẹ tần tảo, buổi sớm mai thức giấc chạy quanh đường làng tới khóm tre tìm kiếm nắm lá về thả vào nồi nước tắm cho các con. Giữa thanh âm của muôn vàn chiếc lá đang rì rào, phảng phất một mùi hương bình dị, chân quê. Nghe đâu đây làn da đang cựa nhẹ như hồi năm xưa tôi được mẹ tắm táp khi bị cảm cúm. Mùi nước lá tre thanh mát, dìu dịu, gần gũi mà thân thuộc đến nhường nào. Và mỗi lần ốm cảm giác thèm mùi lá tre cứ trỗi dậy trong tôi, lúc đó chỉ muốn được về với quê nhà, với lũy tre làng thân thương.

Dưới lũy tre làng, ký ức của những đứa trẻ quê như tôi ngày ấy thật diệu kỳ, hạnh phúc đến từng khoảnh khắc. Tôi gọi nơi đó là thiên đường mà bất kể khoảnh khắc nào khi nghĩ về tôi cũng muốn quay trở lại trong đời…

Tăng Hoàng Phi