Dưới tán bàng vuông Cồn Cỏ

Thứ ba, 17/08/2010 00:00

Sức sống Cồn Cỏ

(Cadn.com.vn) - Đảo Cồn Cỏ nằm ngoài khơi vĩ tuyến 17, địa danh nổi tiếng trong chống Mỹ có 3 “đặc sản” đã trở thành biểu tượng ám ảnh: Cây phong ba, cây bàng vuông và cua đá. Bàng vuông là giống bàng rất lạ. Hàng mấy chục cây bàng cổ thụ trăm tuổi giống như trong đất liền, lá đúng lá bàng, nhưng quả của nó thì to nặng như quả thanh trà ở Huế, phần đít quả lại vuông (hoặc lục giác) chứ không như quả bàng nhỏ xíu hình ô-van dẹt mà ta thường thấy.

Hoa bàng vuông to bằng cái đĩa, cánh trắng và tím li ti rất đẹp. Anh Lượng, lái xe của UBND huyện đảo Cồn Cỏ đã thoăn thoắt trèo lên hái cho chúng tôi mỗi người một quả bàng vuông mang về đất liền làm kỷ niệm. Giống bàng vuông này ở đảo Trường Sa Lớn cũng có, nhưng Côn Đảo và các đảo gần bờ khác thì không. Đảo Cồn Cỏ cũng mạch núi với Trường Sa chăng? Chắc chắn đây không  phải là giống bàng từ đất liền đưa ra mà chỉ có ở đảo.

Vậy, ai là người đầu tiên đưa giống bàng vuông từ xứ sở xa xôi nào về trồng trên các đảo? Điều lạ lùng là nơi đầu sóng ngọn gió, mùa đông rét buốt, mùa hè không một giọt nước ấy, bàng vuông vẫn xanh tươi, nở hoa, sây quả. Ngồi dưới tán bàng vuông Cồn Cỏ tôi cứ miên man suy nghĩ về sức sống mãnh liệt, bền bỉ của cây cỏ và con người nơi đầu sóng này...

Cồn Cỏ nhìn từ xa. 

1. Làng biển Thượng Luật, Ngư Thủy (Quảng Bình) của tôi giáp Vĩnh Linh (Quảng Trị). Lúc trời biển trong xanh, sáng sớm đứng trên bờ, nhìn ra phía mặt trời lên, thấy một vết xanh lam thẫm mờ. Đó là đảo Cồn Cỏ. Những năm máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, ở làng tôi còn nghe cả tiếng bom từ đảo Cỏ vọng về. Những ngày đó, tôi đọc thơ Hải Bằng: “Mặc phi cơ oanh tạc/ Mặc chiến hạm bao vây/ Cồn vẫn trổ xanh cây/ Đá vẫn phun ra lửa...”; rồi thơ của Hồ Khải Đại: “Sóng gọi hồn ta về với đảo nhỏ/ Đảo nhỏ anh hùng Cồn Cỏ ta ơi/ Chiến hạm nổi bốn bề sóng gió/ Mang trái tim như ngọc chói ngời!”.

Tuổi học sinh, tôi đã thuộc những câu hát của Văn An: “Sừng sững chòi cao trên hòn đảo nhỏ/ Như ngọn hải đăng bốn mùa sóng gió/ Thái Văn A đứng đó.../ Yêu đảo như quê giây phút chẳng rời...”. Đảo chứa chan trong ký ức như thế, nên tôi luôn mong ước một lần ra đảo. Thế mà cho đến tuổi 62 tôi mới lần đầu ra Cồn Cỏ... Sau năm 1975, suốt gần 30 năm đảo Cồn Cỏ vẫn là đảo quân sự, người dân không được ghé đảo, trừ những người được phép viếng thăm hoặc ngư dân đi đánh cá bị bão, được bộ đội đảo cứu hộ. Đảo như bị lãng quên trong cuộc sống kinh tế thị trường tất bật. Mãi đến ngày 1-10-2004, Cồn Cỏ mới có quyết định chính thức thành lập huyện đảo Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị, nghĩa là đảo chính thức trở thành đảo dân sự. Từ ngày đó đảo mới bắt đầu cuộc hồi sinh...

Chuyến ra đảo của chúng tôi đã được Nhóm thơ Sông Hãn Quảng Trị sắp xếp từ hai tháng trước. 7 giờ ngày 11-6, đoàn gồm có Nhóm thơ Sông Hãn (gồm “tứ quái” thơ Đức Tiên, Phan Văn Quang, Xuân Lợi, Mai Thanh Tịnh); nhà thơ Vương Tâm và cô sinh viên Văn xinh đẹp Uông Bích Ngọc dắt nhau từ Hà Nội vào.

Sài Gòn có vợ chồng nhạc sĩ Quỳnh Hợp, người đã có bản nhạc “Một ngày nơi đảo Cồn Cỏ” - phổ từ bài thơ: Hòn Hổ của Xuân Lợi, và tôi, rời cảng Cửa Việt ra đảo. Từ xa thấy đảo như hai hòn tách rời nhau, đến gần hóa ra không phải. Đảo Cỏ hiện ra xanh lam thẫm dáng con Hổ vồ mặt trời (có lẽ vì thế mà đảo còn có tên là đảo Con Hổ? Hòn Hổ?). Đảo còn có tên Hòn Mệ vì từ bao đời, thuyền ra khơi đánh cá các làng Tùng Luật, Thử Luật, Vịnh Mốc, Cát Sơn, Thủy Bạn... thường neo thuyền vào đảo tránh bão. Họ lập am  thắp nhang vái Ông Mệ phù hộ cho con cháu bình an trên biển. Có lẽ vì vậy mà ngư dân còn gọi đảo Cồn Cỏ bằng cái tên thành kính: “Hòn Mệ”(?). Càng tới gần, thấy Cồn Cỏ càng mướt xanh đầy sức sống, trông như một làng quê trù phú ở đất liền.

Theo tài liệu khoa học, Cồn Cỏ là hải đảo duy nhất ở thềm lục địa Việt Nam có hệ sinh thái rất đa dạng. Rừng ở đây xanh tốt, là loại rừng nhiệt đới với 3 tầng cây cỏ và dây leo, nên Cồn Cỏ thực sự là hòn đảo xanh bốn mùa. Thời trước chiến tranh chống Mỹ, rừng Cồn Cỏ  có nhiều loại gỗ quý như lim, gụ, sến, táu... Nhưng bom Mỹ mỗi ngày năm bảy lần trút xuống đảo đã hủy hoại một phần rừng của đảo. Theo thống kê thì bom Mỹ đổ xuống Cồn Cỏ bình quân một mét vuông gấp 3 lần đầu cầu giới tuyến Vĩnh Linh!

 Quả bàng vuông

Tàu cập Âu thuyền Cồn Cỏ lúc 9 giờ. Đây là nơi các tàu Kiểm ngư, tàu Biên phòng, tàu Hải Quân, tàu Cảnh sát biển Việt Nam, tàu đánh cá của dân cập đảo. Điều làm tôi ngạc nhiên phấn chấn nhất là ở Cồn Cỏ đã bắt đầu xây dựng những con phố ngang dọc. Phố rộng, có cả bùng binh, cột đèn đường, đang chờ đổ nhựa. Chúng tôi rẽ vào quán Bin của vợ chồng anh Vĩnh, chị Na (hai người đã có một đứa con trai 17 tháng), một trong 10 hộ thanh niên xung phong ra đảo lần đầu hiện đang thuê một khu đất để mở quán giải khát, ngay trên bờ biển đảo. Những thanh niên xung phong ra đảo được cấp nhà.

Hiện nay trên đảo Cồn Cỏ, ngoài các đơn vị bộ đội còn có 12 hộ dân với khoảng 50 nhân khẩu đang sinh sống, cộng thêm cán bộ văn phòng UBND huyện, cán bộ canh đèn hải đăng, tất cả cư dân khoảng 400 người. Đảo đã có lớp mầm non của hai cô giáo Hoàng Thị Thắm, Hoàng Thị Hiếu với 12 cháu, tuổi từ 1 đến 5. Nghĩa là cháu lớn nhất sinh năm 2005. Lớp mẫu giáo mầm non Hoa phong ba Cồn Cỏ được xây dựng đàng hoàng. Anh em bộ đội trên đảo kể rằng, cô giáo Hoàng Thị Hiếu (23 tuổi), quê ở tận tỉnh Đắc Lắc, thế mà dám xung phong ra đảo, gan thật. Nhìn ngôi trường xinh xắn, nghe tiếng trẻ con ríu ran, tôi cứ bâng khuâng nghĩ đến một thế hệ công dân “Cồn Cỏ rin” đầu tiên đã ra đời. Các em sẽ lớn lên với đảo như cây phong ba, cây bàng vuông tràn trề sinh lực!

Ghi chép: Ngô Minh
(Còn nữa)